Thuốc trừ sâu dư lượng lớn trên thực vật có liên quan đến vô số bệnh tật

Ngày 27-7, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức 'Hội nghị phân bón và Thuốc bảo vệ thực vật'. Tại đây, các nhà khoa học đã đưa ra các cảnh báo về việc lạm dụng thuốc bảo vệ động vật đồng thời đưa ra các giải pháp để người nông dân hướng tới một nền nông nghiệp sạch trong việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Hiện nay, vấn đề sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả đang làm vấn đề cấp thiết được rất nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, trong đó có Việt Nam. Theo nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quyết định tới năng suất, chất lượng của cây trồng, có tác động mạnh mẽ tới những yếu tố cơ bản của đời sống con người trên phạm vi toàn cầu.

Rất nhiều nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp cần làm ngay vì một nền nông nghiệp sạch

Rất nhiều nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp cần làm ngay vì một nền nông nghiệp sạch

Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc- Tổng hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, thuốc trừ sâu có liên quan đến vô số bệnh tật. Báo cáo đánh giá về thuốc trừ sâu được dựa trên các nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đa khoa ở Toronto, kết luận rằng "mọi người nên giảm bớt sự tiếp xúc của chúng với thuốc trừ sâu do liên kết với các bệnh nghiêm trọng. “Gây ra nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng như như bệnh ung thư, các bệnh về hệ thống thần kinh và các vấn đề sinh sản ở những người tiếp xúc với thuốc trừ sâu ... thông qua tiếp xúc nhà và sân vườn. Ngoài ra với những người hay tiếp xúc với chúng còn gây ra các bệnh: rối loạn thần kinh, bệnh Parkinson, bệnh bạch cầu ở trẻ em, hen suyễn và nhiều hơn nữa”. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng và môi trường Việt Nam, hàng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong.

Việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học cho cây xanh, cỏ hoặc rau trong vườn nhà cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường trong nhà. Vì thuốc trừ sâu dễ dàng lan tỏa trong không khí hoặc được hấp thụ vào cơ thể qua da hoặc phổi con người.

Kết quả điều tra năm 2009 của Chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, lượng thuốc BVTV cần tiêu hủy: 69.237,236 kg và 43.574,179 lít thuốc BVTV; Lượng bao bì cần tiêu hủy: 69.640,282 kg (năm 2017 là 150-200 tấn). Kinh phí thực hiện là 63 tỷ đồng, bao gồm: 56 tỷ 405 triệu đồng để tiêu hủy thuốc BVTV (50 triệu đồng/tấn) và 6,964 tỷ đồng dùng tiêu hủy bao bì thuốc BVTV (10 triệu đồng/tấn).

Việc lạm dụng phân bón hóa học và tâm lý sử dụng càng nhiều năng suất càng cao nên không ít nông hộ trộn nhiều loại phân và bón không đúng thời điểm, các loại bao bì, túi đựng phân bón hóa học vứt bỏ tràn lan. Lượng phân thất thoát không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, làm môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuốc BVTV, phân bón ở nước ta về cơ bản đã đầy đủ phục vụ công tác quản lý nhà nước. Về quản lý thuốc bảo vệ thực vật bao gồm Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, được xây dựng trên cơ sở hướng dẫn của FAO, hài hòa các nguyên tắc quản lý thuốc BVTV của các nước ASEAN, các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Công ước Rotterdam, Công ước Stockhom, Công ước Basel và Nghị định thư Montreal. Đã ban hành hơn 600 Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiểm định chất lượng, dư lượng và khảo nghiệm thuốc BVTV

Về quản lý phân bón bao gồm: Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20-9-2017 về quản lý phân bón và Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16-4-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Đã ban hành 74 tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực phân bón bao gồm các tiêu chuẩn chung, các tiêu chuẩn về phương pháp thử, các tiêu chuẩn về lấy mẫu, xác định hoạt tính.

Tình trạng lạm dụng sử dụng phân bón một phần bắt nguồn từ những bất cập liên quan đến đầu tư nghiên cứu khoa học, công tác chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phân bón qua Hệ thống Khuyến nông Nhà nước còn hạn chế. Việc khuyến cáo sử dụng phân bón hầu như khoán trắng cho doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu.

Trước thực trạng trên, để xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam an toàn, phát triển ổn định bền vững, vừa đáp ứng yêu cầu tăng năng suất, sản lượng, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa tác động biến đổi khí hậu, cần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ với việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ.

Nêu ra những giải pháp cho những tồn tại nêu trên, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia- Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, giải pháp về chính sách cần: Ưu tiên áp dụng Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của ASEAN áp dụng cho trồng trọt để sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; Lập lộ trình khả thi xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; Xây dựng chính sách hỗ trợ các đơn vị sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao ưu tiên xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong nước và hướng tới các thị trường xuất khẩu tiềm năng; Áp dụng miễn thuế cho sản phẩm phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, khuyến khích nghiên cứ, phát triển, ứng dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Đồng thời, cần tăng cường truyền thông về thuộc tính, quy trình sử dụng của các sản phẩm phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; Tăng cường đào tạo, tập huấn sản xuất sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại; Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản chất lượng cao, trước mắt ưu tiên thị trường xuất khẩu và sau đó là thị trường trong nước; Phát triển, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và gắn sản phẩm nông nghiệp với các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng; Tập trung phát triển phân bón ứng dụng công nghệ cao tưới nhỏ giọt trong nhà lưới, trên đồng ruộng nhằm nâng cao năng suất, hiệu suất sử dụng phân bón, giảm thiểu công lao động, chăm sóc và nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản Việt Nam; Xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng cao, nâng cao giá thành, hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Xuân Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/thuoc-tru-sau-du-luong-lon-tren-thuc-vat-co-lien-quan-den-vo-so-benh-tat-119391.html