Thuốc lá - nguy cơ chính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ tư trên thế giới và dự kiến đến năm 2020, bệnh sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba. Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính phải nhập viện điều trị đợt cấp tại Trung tâm Hô hấp đứng hàng đầu trong các bệnh lý về phổi.

Hưởng ứng ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu năm 2016 với chủ đề “Thấu hiểu từng hơi thở”, ngày 3/12/2016, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khám và tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho người dân khu vực Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Kết quả, đã có 536 người dân được khám và tư vấn miễn phí về bệnh; trong số đó, đã có 453 người được đo chức năng hô hấp chẩn đoán bệnh; đồng thời đã phát hiện ra được 352 trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tĩnh; cấp phát 352 lọ thuốc miễn phí cho người bệnh.

Bệnh nhân đang được bác sĩ khám, tư vấn về bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ tư trên thế giới và dự kiến đến năm 2020, bệnh sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba. Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính phải nhập viện điều trị đợt cấp tại Trung tâm Hô hấp đứng hàng đầu trong các bệnh lý về phổi.

Theo GS.TS Ngô Quý Châu- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, các yếu tố nguy cơ gây bệnh chính là thuốc lá, thuốc lào, ô nhiễm không khí môi trương, ảnh hưởng của khói, khí, bụi nghề nghiệp, trong đó đặc biệt là tác hại của khói thuốc lá.

“Vấn nạn thuốc lá ngày càng gia tăng thực sự là mối nguy hiểm không chỉ với bệnh phổi tắc nghẹn mãn tính vì làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tăng tỷ lệ tử vong và gây ra gánh nặng về chi phí y tế do căn bệnh này mà còn gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm khác”- GS.TS Ngô Quý Châu nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có những biểu hiện tương tự các bệnh lý hô hấp khác như ho, khạc đờm mạn tính, ở giai đoạn muộn sẽ khó thở nặng dần. Bệnh cũng nặng lên ở các đợt cấp với các biểu hiện như khó thở tăng, ho, khạc đờm tăng, sốt và trong những trường hợp nặng bệnh nhân có thể tử vong.

Bác sĩ tư vấn về cai thuốc lá cho bệnh nhân để tránh tăng nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Các bác sĩ cũng cảnh báo, việc chẩn đoán muộn hoặc không được điều trị, theo dõi đầy đủ sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nặng nề gây tàn phế như: giảm khả năng gắng sức, suy hô hấp đòi hỏi phải thở oxy hỗ trợ, thở máy, đồng thời dễ mắc thêm nhiều bệnh lý khác kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, loãng xương…

Dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản được Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bạch Mai thực hiện từ năm 2011. Dự án nằm trong mười dự án thành phần của Dự án phòng chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và một số bệnh không lây nhiễm phổ biến - Chương trình mục tiêu Y tế dân số giai đoạn 2016-2020.

Trong 5 năm, từ 2011-2015, Dự án đã tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho trên 154 nghìn người dân, phát hiện được trên 5.200 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và gần 6.500 bệnh nhân hen phế quản. Các bệnh nhân phát hiện mắc bệnh được hướng dẫn tái khám ở các phòng quản lý bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai và các tỉnh, thành. Hàng năm, Dự án tổ chức 2 đợt khám sàng lọc và tư vấn miễn phí cho người dân.

Đợt 1, vào tháng 5, hưởng ứng Ngày Hen toàn cầu và tháng 11, hưởng ứng Ngày Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính toàn cầu. Người dân tới khám được các bác sỹ của Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khám nội khoa, đo lưu lượng đỉnh kế, đo chức năng hô hấp, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng mới được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và đưa vào chương trình quản lý ngoại trú.

Bệnh nhân được đo chức năng hô hấp tại chương trình

Có mặt rất sớm tại buổi khám bệnh và tư vấn miễn phí bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sáng nay, bác N.T. B, 65 tuổi đến từ Bắc Giang cho biết, bác bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ gần 6 năm nay nhưng với việc tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của thày thuốc; đồng thời đi khám định kỳ nên hiện giờ sức khỏe của bác đã được cải thiện. “Chương trình hôm nay rất thiết thực, chúng tôi không những được khám, tư vấn bệnh miễn phí mà còn được các bác sỹ dặn dò, hướng dẫn chu đáo về cách sử dụng thuốc trong điều trị bệnh. Chương trình đã góp phần giúp những người dân lân cận như chúng tôi được hưởng lợi nhiều”.

Nguyễn Hoàng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thuoc-la-nguy-co-chinh-gay-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-n125530.html