'Thuốc giải' cho vấn nạn tai nạn giao thông

Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, phần lớn các vụ tai nạn xảy ra trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm tới 6 giờ sáng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vụ tai nạn giao thông đau lòng này?

Đầu tiên, xét về nhịp sinh học của con người thì khoảng thời gian từ 23 giờ – 6 giờ là khung thời gian để con người nghỉ ngơi. Bởi vậy, khi phải làm việc trong khoảng thời gian này, người lái thường rơi vào trạng thái mệt mỏi và buồn ngủ.

Một đặc điểm nữa là khoảng thời gian ban đêm đường sá thường vắng vẻ nên dễ tạo cho lái xe tâm lý chạy quá tốc độ, phóng nhanh vượt ẩu. Cộng với suy nghĩ lực lượng chức năng ít kiểm soát, xử phạt nên lái xe có tâm lý chủ quan.

Ngoài ra, ban đêm là thời điểm điều kiện ánh sáng kém, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng nhận diện tình huống và phản ứng của lái xe.

Có thể nói, những phản ứng và nhận diện tình huống vào ban đêm đều kém và chậm hơn so với ban ngày. Tất cả các nguyên nhân này đều trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông (TNGT) và là lời giải thích tại sao phần lớn các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua đều xảy ra vào ban đêm.

Chính bởi vậy, thiết nghĩ đã đến lúc cần siết chặt các quy định khi vận chuyển trong thời gian ban đêm. Thêm vào nữa, cần phải có quy định rõ ràng về việc lái xe phải được nghỉ ngơi đầy đủ và có người chịu trách nhiệm giám sát về việc này. Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh, trong đó quy định rõ ràng việc nghiêm cấm gây sức ép về thời gian với lái xe.

Bên cạnh đó, lái xe cũng cần được cung cấp đầy đủ phân tích về các rủi ro trên lộ trình, thời gian buộc phải chuyển lái không quá 2 giờ, tốc độ ban đêm cần chậm hơn tốc độ giới hạn 10 km hay như quy định tốc độ ban đêm thấp hơn ban ngày 10 km/h.

Một giải pháp nữa đang được triển khai nhưng cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới là lắp đặt camera phạt nguội dày đặc trên các quốc lộ. Đồng thời cần đưa thêm các kiến thức kỹ năng lái xe ban đêm vào trong đào tạo sát hạch lái xe, đặc biệt với lái xe kinh doanh vận tải. Ngoài ra, tim đường phải có được đinh phản quang để hỗ trợ người lái xe ban đêm.

Cuối cùng là tăng cường kiểm tra việc trang bị dây bảo hiểm trên xe cũng như xử phạt việc thắt dây bảo hiểm trên xe kinh doanh vận tải vì nếu những người trên xe chịu thắt dây an toàn thì số thương vong sẽ giảm đi tới 70%. Sẽ còn rất nhiều việc chúng ta cần phải làm để kéo giảm TNGT, đặc biệt là các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Những giải pháp trên đây, nếu được triển khai quyết liệt trong thời gian tới, sẽ mang lại hiệu quả rất đang mong đợi.

Cũng cần phải nhắc lại, để có căn cứ thực hiện, tất cả các nội dung này đều cần phải được chuyển vào các quy định pháp luật như Luật, Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn, Tiêu chuẩn hiện hành.

Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuoc-giai-cho-van-nan-tai-nan-giao-thong-390686.html