Thuốc gây tê nghi 'có dị vật lơ lửng' nhiều bệnh viện phụ sản lớn dùng

Sự việc tai biến y khoa xảy ra tại Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng là vụ việc nghiêm trọng và nghi ngờ do thuốc gây tê mới được sử dụng thay thế thuốc cũ gây ra.

Thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy của Ba Lan

Thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy của Ba Lan

Không chỉ Sở Y tế Cần Thơ đưa ra báo cáo về nguy cơ tai biến khi sử dụng loại thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy của Ba Lan mà nhiều bệnh viện đã có báo cáo về thuốc này.

Trước đó, Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi cũng có báo cáo tương tự về sự cố thuốc này ngay khi các sự việc đau lòng xảy ra với các thai phụ ở Đà Nẵng. Theo ông Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Đà Nẵng, thuốc Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy trong quá trình sử dụng thực tế lâm sàng trên người bệnh tại Bệnh viện có những phản ứng với các biểu hiện như mạch nhanh, tụt huyết áp kéo dài, hiệu quả giảm đau không tốt, độ giãn cơ không tốt. Vì vậy Bệnh viện này đã xin ý kiến về việc sử dụng loại thuốc gây tê trên.

Ngày 21/11, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có công văn khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn tạm thời ngưng sử dụng thuốc Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy do Ba Lan sản xuất và Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương CPC1- Chi nhánh Đà Nẵng cung ứng trong thời gian chờ kết quả trả lời mẫu kiểm nghiệm thuốc này của Viện Kiểm nghệm Trung ương.

Trường hợp có nghi ngờ liên quan đến thuốc sử dụng trong quá trình điều trị cho các sản phụ, cần chỉ đạo đơn vị lập báo cáo phản ứng có hại của thuốc theo hướng dẫn, khẩn trương gửi về Trung tâm DI&ADR quốc gia, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Ngoài ra, vào tháng 7/2019, Sở Y tế TP. Hà Nội cũng có một báo cáo tương tự về kết quả kiểm nghiệm một lô dung dịch thuốc tiêm Bupivacaine WPW spinal 0,5% heavy do Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 cung ứng không đạt tiêu chuẩn chất lượng đối với chỉ tiêu tính chất, độ trong (có dị vật lơ lửng). Khuyến cáo và yêu cầu sau đó chỉ được Cục Quản lý dược đưa ra tại Hà Nội.

Các báo cáo sự cố liên tục đối với nhiều lô thuốc này đã không được Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có những động thái xử lý rõ ràng hơn. Mặc dù thuốc có vấn đề nhưng không có khuyến cáo nào cho tất cả địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết hiện nay số bệnh viện đang sử dụng thuốc Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy rất lớn. Một số Bệnh viện Từ Dũ, BV Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Hùng Vương cũng sử dụng thuốc này. Nếu quy kết do thuốc cũng cần xem xét.

Khi xảy ra phản ứng có hại có thể là phản vệ, ngộ độc thuốc, thuốc không an toàn, cũng có thể do cách xử dụng thuốc đó có đúng quy trình, quy chuẩn không, kỹ thuật không. Bây giờ để quy kết thuốc đó như thế nào cần xem xét, đánh giá trên bệnh án. PGS Sơn cho rằng cần có hội đồng chuyên môn, đánh giá xem xét rất kỹ vì đây là vụ việc nghiêm trọng gây hoang mang cho dư luận.

Khánh Ngọc

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/thuoc-gay-te-nghi-co-di-vat-lo-lung-nhieu-benh-vien-phu-san-lon-dung-post321991.info