Thước đo minh bạch

Khái niệm 'minh bạch trong quảng cáo chính trị' hiếm khi được đề cập tới trong các cuộc chạy đua đầy cam go và hấp dẫn trên lịch sử chính trường Mỹ trước đây. Nhưng nay thì khái niệm ấy đã xuất hiện thường xuyên hơn, thậm chí trở thành chủ đề bàn cãi nhiều nhất mỗi khi xứ Cờ hoa bước vào các cuộc bầu cử.

Như thông báo của Google, kể từ ngày 15-8 vừa qua, hãng này đã triển khai biện pháp mới nhằm bảo đảm các hoạt động quảng cáo chính trị trở nên minh bạch hơn, bao gồm việc đưa vào sử dụng một thư viện quảng cáo chính trị trực tuyến tại Mỹ và công bố báo cáo chi tiết về chi phí cho những hoạt động quảng cáo. Có thể hiểu đơn giản rằng với công cụ mới này, danh tính của những người mua quảng cáo cho chiến dịch tranh cử tại Mỹ sẽ được công khai, đồng thời số tiền mà họ phải trả cho việc triển khai quảng cáo, thời gian đăng quảng cáo và số lượng người truy cập xem quảng cáo cũng không còn là một ẩn số… chỉ sau một cái click chuột máy tính.

Một ví dụ đơn giản mà Google đưa ra là báo cáo minh bạch của hãng này chỉ rõ, Ủy ban “Trump đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại” ủng hộ ông Donald Trump là “khách hàng” chi đậm nhất tại nước Mỹ, khi đã bỏ ra tới 629.500USD vào các hoạt động quảng cáo trong chưa đầy 3 tháng, kể từ ngày 31-5 tới nay.

Không quá khó để tìm ra nguyên nhân dẫn đến sáng kiến mới của Google. Đó là bởi hiện nay, những lùm xùm về chuyện bầu cử vẫn bao trùm lên dư luận nước Mỹ, nhất là sau khi Washington tiến hành điều tra về khả năng Nga sử dụng tên giả để mua các quảng cáo chính trị nhằm tác động tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Bản thân hai “ông lớn” về công nghệ là Facebook và Google cũng đang phải đối mặt với án phạt lên tới hàng triệu USD sau khi chính quyền bang Washington và thành phố Seattle của Mỹ đệ đơn kiện, cáo buộc hai nhà cung cấp dịch vụ internet này không tuân thủ các đạo luật của bang và địa phương về quảng cáo liên quan tới bầu cử. Kể từ những năm 70 của thế kỷ trước, bang Washington và thành phố Seattle đã có quy định yêu cầu các công ty bán quảng cáo, trong đó có cả các đài phát thanh, phải công bố thông tin về người mua các quảng cáo chính trị.

Thế nên, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 9 tới chính là cơ hội hiếm có để Google gỡ gạc lại tiếng tăm của mình, trước hết là thông qua nỗ lực giải quyết vấn đề minh bạch trong hoạt động quảng cáo chính trị, vốn đã nổi lên như một chủ đề gây tranh cãi kể từ trước khi tỷ phú Donald Trump chính thức nắm quyền tại Nhà Trắng.

Đúng là hiếm khi nào các đại gia công nghệ tại Thung lũng Silicon lại phải lao đao vì những chuyện liên quan đến bầu bán như hiện nay. Cũng hiếm khi nào các cuộc bầu cử tại Mỹ lại bị chi phối bởi điện thoại thông minh, máy tính bảng đến thế. Nhưng thực tế đó phần nào cho thấy các cuộc chạy đua chính trị ở nước Mỹ đã bước vào một giai đoạn mới, mà ở đó các cử tri đưa ra quyết định của mình không chỉ dựa vào những lời hô hào và hứa hẹn đanh thép của các nhân vật tranh cử, mà còn phụ thuộc vào những gì họ tiếp nhận từ “thế giới ảo”.

Các chính trị gia ở cường quốc số một thế giới, đặc biệt là Tổng thống Donald Trump-người đang chuẩn bị phải đối mặt với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy nan giải, dường như cũng thừa hiểu rằng, xem nhẹ hoạt động quảng cáo chính trị trên internet chẳng khác gì chấp nhận cầm lái một chiếc xe có phân khối nhỏ hơn so với các đối thủ khác trên đường đua.

Thư viện quảng cáo chính trị trực tuyến mà Google đưa ra được kỳ vọng sẽ trở thành thước đo cho tính minh bạch trong hoạt động bầu cử tại Mỹ, đồng thời là thước đo về tác động của công nghệ tới các cuộc chạy đua trên chính trường Mỹ, bởi rất có thể số tiền mà mỗi chính trị gia đổ vào các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội sẽ tỷ lệ thuận với số lá phiếu ủng hộ mà họ nhận được, đúng như những gì thể hiện trên công cụ trực tuyến này.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thuoc-do-minh-bach-547234