Thước đo lòng tin chiến lược Nga - Ấn Độ

Kết quả hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn Độ lần thứ 19 với hàng loạt thỏa thuận và hiệp định hợp tác được ký ngày 5/10 đã minh chứng cho mức độ sâu sắc và bền chặt của mối quan hệ đối tác chiến lược lâu đời giữa Moskva và New Delhi.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tại cuộc gặp ở New Delhi ngày 4/10. Ảnh: THX/TTXVN

Mặc dù tình hình địa - chính trị biến đổi nhanh chóng thời gian qua đang tạo ra những áp lực khiến mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Nga gặp không ít sóng gió, song rõ ràng những lợi ích giao thoa cũng tạo động lực để hai bên duy trì và củng cố đối tác hợp tác cùng có lợi.

Quân sự và các hợp đồng mua bán vũ khí với New Delhi là trọng tâm chuyến thăm chính thức của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Ấn Độ.

Sau hội nghị thượng đỉnh ngày 5/10, hai bên đã ký kết hàng loạt văn kiện quan trọng trong các lĩnh vực từ quốc phòng đến năng lượng hạt nhân, không gian và kinh tế - thương mại, trong đó đáng kể nhất - dù không được tuyên bố công khai - là thỏa thuận Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 tối tân của Nga trị giá 5,43 tỷ USD.

Việc Nga là Ấn Độ ký thỏa thuận này được đánh giá đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử hợp tác kỹ thuật - quân sự hai nước, cũng cho thấy mức độ tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Trong số các thỏa thuận quan trọng khác còn có văn kiện về phát triển 6 dự án điện hạt nhân ở Ấn Độ và việc Nga hỗ trợ chương trình không gian có người điều khiển của quốc gia Nam Án này.

Phát biểu họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Narendra Modi đánh giá "cùng với thời gian, quan hệ song phương ngày càng trở nên vững mạnh", khẳng định điều này không chỉ có ý nghĩa đối với hai nước mà còn quan trọng đối với một thế giới đa cực.

Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định "mối quan hệ với Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu. Nga và Ấn Độ sẽ cùng nhau hợp tác hướng tới một nền hòa bình lớn hơn của khu vực và trên toàn cầu".

Và với loạt thỏa thuận quan trọng mà hai bên vừa ký kết, Nga - Ấn Độ đã tiếp tục duy trì được chiều sâu của mối quan hệ đối tác chiến lược lâu đời, đúng như mục đích thực hiện chuyến thăm này của Tổng thống Nga, muốn tìm kiếm phương thức củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với New Delhi.

Đối với Nga, việc củng cố mối quan hệ truyền thống với Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh Tổng thống Putin đang muốn vươn tầm chiến lược của Nga từ Tây Á tới Nam Á, nhất là khi Moskva đang bị phương Tây cô lập kể từ năm 2014.

Vai trò và tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực, đặc biệt trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà các cường quốc như Mỹ đang triển khai, trở thành yếu tố khiến Moskva coi New Delhi là đối tác chủ chốt. Hai bên vừa qua đã nâng cấp quan hệ lên mức “đối tác chiến lược đặc quyền và đặc lợi”.

Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh Nga - Ấn lần thứ 19 cũng là dịp để Ấn Độ tái khẳng định lập trường rằng việc mở rộng quan hệ với Nga là một phần không thể thiếu trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tầm nhìn của Ấn Độ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở đã được nhắc lại, phản ánh tinh thần trong bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 6 vừa qua tại Đối thoại Shangri-La, trong đó ông Modi khẳng định New Delhi sẽ không tham gia bất cứ tổ chức hay chính sách nào nhằm kiềm chế bất cứ quyền lực cụ thể nào. Ý chí tự chủ chiến lược của Ấn Độ, một lần nữa được thể hiện qua chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nga lần này.

Những kết quả trên đặc biệt có ý nghĩa khi mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Nga và Ấn Độ gần đây đã trải qua những thử thách nhất định. Thời gian qua, Ấn Độ bất ngờ giữ vị trí quan trọng chiến lược đối với Mỹ, với việc Washington đổi tên Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Không chỉ là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 sang Ấn Độ, Mỹ cũng muốn đưa Ấn Độ vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình, và điều này dường như đang gây trở ngại cho quan hệ Ấn Độ - Nga.

Ngay cả thương vụ S-400 giữa Ấn Độ và Nga cũng có nguy cơ khiến New Delhi chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Hiện Mỹ đang áp dụng Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), và Washington đã cho thấy quyết tâm của mình ra sao khi trừng phạt một cơ quan thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc do việc Bắc Kinh mua S-400 và chiến đấu cơ Su-35 của Nga.

Một diễn biến đáng chú ý khác là Tổng thống Vladimir Putin đang thúc đẩy quan hệ gần gũi với Pakistan, nước láng giềng và là đối thủ của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ vừa hủy cuộc họp cấp ngoại trưởng với Islamabad bên lề khóa họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. New Delhi vốn đã tỏ ra không hài lòng với một loạt cuộc gặp ba bên Nga - Pakistan - Trung Quốc về Afghanistan mà Moskva đăng cai trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, Nga còn cung cấp 4 trực thăng Mi-35 cho Islamabad và đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên với Pakistan, bên cạnh việc thúc đẩy Pakistan tham gia nỗ lực đưa Taliban vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, Ấn Độ thực sự không quá bận tâm với những yếu tố "gây khó chịu" ấy, thay vào đó tiếp tục phát triển mối quan hệ đặc biệt hiện có với Nga, bởi Moskva không chỉ là nguồn cung cấp vũ khí có chất lượng, mà còn là đồng minh lâu năm. Cả Ấn Độ và Nga đều tham gia một số tổ chức quốc tế lớn như Nhóm các quốc gia mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vốn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh ở Nam Á.

Đối với Ấn Độ, việc sở hữu S-400 có thể là một nhân tố "làm thay đổi cuộc chơi" ở Nam Á, giúp Ấn Độ giành ưu thế quân sự trước đối thủ truyền thống Pakistan, đưa New Delhi trở thành một đối trọng đáng kể với Trung Quốc trong khu vực, đồng thời là một trục vững mạnh hơn trong chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Còn nhiều ví dụ khác có thể nêu ra. Cả máy bay Sukhoi-30 và xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 hiện đang được chế tạo tại Ấn Độ theo giấy phép sản xuất của Nga. Hơn 60% vũ khí và đạn được của lực lượng vũ trang Ấn Độ có nguồn gốc từ Nga. Hai nước đã nhất trí thành lập một liên doanh sản xuất trực thăng KA-226T. Trên hết, đó là tên lửa Brahmos, một minh chứng hoàn hảo cho sự hợp tác song phương Nga - Ấn.

Hơn thế nữa, vai trò và lợi ích chiến lược của hai nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng là yếu tố khiến Nga và Ấn Độ xích lại gần nhau, dù vẫn có những khác biệt. Hai nhà lãnh đạo vì thế ủng hộ và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền giữa hai nước, vì hòa bình, ổn định toàn cầu cũng như vai trò trong việc định hình “một trật tự thế giới công bằng và cởi mở”.

Những điểm tương đồng ấy khiến lòng tin chiến lược giữa hai bên được củng cố. Chuyến thăm của Tổng thống Nga tới Ấn Độ lần này cũng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, như tuyên bố chung sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước đã nêu rõ: “Nga và Ấn Độ là đối tác tin cậy trong một thế giới đang biến đổi”.

Huy Lê (Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thuoc-do-long-tin-chien-luoc-nga-an-do-20181005202155482.htm