Thuốc điều trị sùi mào gà cho trẻ

Nhắc đến sùi mào gà, chúng ta hầu hết đều nghĩ rằng đây là một bệnh lý ở đường sinh dục và thường chỉ gặp phải ở người lớn.

Song, thực tế cho thấy trẻ nhỏ cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Nếu không biết cách điều trị đúng, bệnh rất dễ tái phát và có thể gây những tổn thương lâu dài cho trẻ.

Sùi mào gà ở trẻ có gì đặc biệt?

Sùi mào gà có tên khoa học là Genital warts hay Condylomata acuminata. Bệnh gây ra bởi Human papillomavirus (HPV), biểu hiện là những mảng sần ở da và niêm mạc, nhất là vùng sinh dục. Sùi mào gà ở người lớn đa phần do lây truyền qua đường tình dục. Ngược lại, ở trẻ nhỏ HPV lây nhiễm qua những con đường khác có thể kể đến như lây từ mẹ sang con, phơi nhiễm do da trẻ rất mỏng, dễ bị xước xát, sức đề kháng còn yếu nên rất dễ bị phơi nhiễm sùi mào gà do tiếp xúc với những người bị mắc bệnh như bố, mẹ, bảo mẫu... hoặc do dùng khăn mặt, quần áo, đồ chơi... mang virut. Một số thủ thuật y tế không đảm bảo vô trùng như cắt bao quy đầu, điều trị chít hẹp hoặc dài bao quy đầu ở trẻ cũng là nguyên nhân gây nhiễm virut HPV dẫn đến sùi ở vùng kín, dương vật của trẻ nam.

Biểu hiện của sùi mào gà là những tổn thương sẩn mềm màu da, màu hồng hoặc màu nâu, đường kính khác nhau từ khoảng vài mm đến hàng chục mm. Những tổn thương này sau một thời gian dễ tiến triển thành mảng lớn hơn. Ở bé trai, sùi mào gà thường gặp ở vị trí quanh hậu môn và thân dương vật. Ở bé gái, bệnh có thể gặp ở quanh hậu môn, âm hộ, màng trinh, phía ngoài âm đạo, khu vực quanh lỗ niệu đạo, một vài trường hợp gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng. Sùi mào gà thường ít có triệu chứng cơ năng, có khi gây ngứa, đau hoặc chảy máu. Khi virut gây bệnh ở miệng - họng khiến trẻ khó bú, quấy khóc và nôn trớ nhiều.

Một số thuốc điều trị phổ biến nhất

Trong nhiều trường hợp, sùi mào gà ở trẻ em có thể tự khỏi trong vòng 2 năm. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng khi tổn thương lan rộng hoặc kéo dài kèm theo các triệu chứng ngứa ngáy, khó chịu, đau hay chảy máu. Trẻ mắc sùi mào gà nếu được điều trị triệt để sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng phác đồ, bệnh dễ tái phát và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc tiến triển thành ung thư.

Để điều trị cho trẻ, trước hết các bác sĩ sẽ kê thuốc bôi tại chỗ. Thuốc được khuyến cáo có thể dùng cho trẻ em bao gồm: imiquimod, podophyllotoxin và acid salicylic.

U xơ tử cung - Một trong những nguyên nhân gây khó đậu thai, hiếm muộn

Thoát nỗi khổ 23 năm Đờm ho, Khó thở, Hen suyễn

Imiquimod: Dạng kem bôi hàm lượng 3,5% hoặc 5% được khuyến cáo sử dụng cho trẻ trên 12 tuổi. Thời gian điều trị kéo dài từ 6-12 tháng. Tác dụng không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc này là gây kích ứng da tại chỗ (đỏ, ngứa rát da, da tăng nhạy cảm với ánh sáng).

Podophyllotoxin: Dạng dung dịch có nồng độ 5%; 11,5%; 25%. Hiệu quả điều trị khá cao, tuy nhiên gây kích ứng mạnh và có nguy cơ độc toàn thân nên không bôi trên vùng da lành và hạn chế bôi diện rộng. Sau khi dùng thuốc khoảng 4 giờ phải rửa sạch vùng da đã bôi.

Acid salicylic: Là chất tiêu sừng dùng bôi tại chỗ, với nồng độ từ 5- 40% được bào chế dưới những dạng khác nhau như kem bôi, dung dịch, gel... Tỷ lệ khỏi lên tới 70-80% nhưng phải dùng kéo dài 6 tháng đến 1 năm.

Một số thuốc khác có thể được sử dụng để điều trị sùi mào gà như: thuốc bôi acid tricloacetic, 5- fluorouracil, sinecatechins, cidofovir; thuốc uống retinol, cidofovir, cimetidine và thuốc tiêm bleomycin, alpha interferon. Tuy nhiên, hiệu quả và tính an toàn đối với trẻ em chưa được chứng minh.

Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với thuốc bôi tại chỗ, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp quang lạnh hoặc laser để cắt bỏ tổn thương. Những biện pháp này sẽ gây đau và trẻ thường không hợp tác nên bác sĩ sẽ phải tiến hành gây tê hoặc gây mê nếu cần.

Dùng thuốc không dễ

Vì mỗi chế phẩm thuốc có nồng độ, hàm lượng, chỉ định, chống chỉ định khác nhau nên cách dùng, liều dùng cũng khác, do đó cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. Nên dùng lượng thuốc vừa phải, chấm bằng tăm bông lên vùng da bị tổn thương. Không bôi thuốc trên diện rộng để tránh lây sang vùng da lành gây đau rát. Nếu có biểu hiện kích ứng, dị ứng hoặc bệnh tiến triển xấu đi cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.

Điều trị sùi mào gà ở trẻ em bằng thuốc bôi có tỷ lệ tái phát khá cao, vì vậy việc phòng bệnh cho trẻ là rất quan trọng. Trước hết, người mẹ khi có ý định mang thai cần khám định kỳ các bệnh phụ khoa để phát hiện bệnh và điều trị tích cực, triệt để. Nếu đã nhiễm HPV, nên sinh mổ để tránh lây nhiễm sang cho con. Ở bé trai, khi làm các thủ thuật ở vùng kín của trẻ liên quan đến bao quy đầu cần tới những cơ sở y tế có uy tín nhằm đảm bảo dụng cụ được sử dụng tuyệt đối vô trùng, tránh lây nhiễm HPV gây sùi mào gà. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc sùi mào gà nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám chữa kịp thời tránh gây những biến chứng nặng nề cho trẻ. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cho trẻ theo kinh nghiệm dân gian hoặc truyền miệng, đồng thời cần có biện pháp ngừa lây nhiễm virut sang người thân và trẻ khác.

ThS. Mai Ngọc Tú

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-sui-mao-ga-cho-tre-n134754.html