'Thuốc đặc trị' phòng ngừa tham nhũng

TP Hà Nội đã và đang tăng cường các biện pháp công khai, minh bạch nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Biện pháp này được triển khai rộng khắp trên các lĩnh vực của thành phố. Đây được coi như 'thuốc đặc trị' tham nhũng.

Chữa “bệnh thành tích” trong công tác xây dựng Đảng

Hà Nội nỗ lực tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch. Ảnh: Hữu Tiệp

Toàn diện, rộng khắp

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa công bố danh sách 16 dự án bị thu hồi do chậm triển khai. Danh sách này được các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và thành phố đăng tải cụ thể, chi tiết. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sở sẽ tiếp tục phối hợp rà soát, báo cáo UBND thành phố công bố tiếp các dự án tương tự khác... Đây là một phần trong số rất nhiều nội dung công khai, minh bạch đã được TP Hà Nội tích cực thực hiện thời gian gần đây.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thế Toàn cho biết, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, thời gian qua, thành phố đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là đã chỉ đạo đẩy mạnh công khai, minh bạch. Việc công khai, minh bạch đã được thành phố tập trung vào các chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc cũng như một số lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng như quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, đất đai, xây dựng… Ngay trong lĩnh vực quy hoạch, Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác lập, thẩm định, phê duyệt các thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, quy hoạch chuyên ngành. Hay trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, hằng năm, trên cơ sở nghị quyết được HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố ban hành các quyết định giao dự toán, công khai số liệu dự toán, quyết toán ngân sách. Trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc công khai hoạt động tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ dần đi vào nền nếp. Việc xây dựng quy chế, tiêu chuẩn của Hà Nội được các cơ quan trung ương coi là điểm sáng.

Nâng cao tính công khai, minh bạch, Hà Nội đã và đang chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với mục tiêu đạt 55% trong năm nay. Thành phố đang tích cực triển khai hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp gắn với Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ. Đặc biệt, các chủ trương, chính sách quan trọng của thành phố trước khi ban hành đều được công bố công khai để lấy ý kiến nhân dân và tổ chức phản biện.

Gắn liền với tăng cường công khai, minh bạch, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát trên các lĩnh vực. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, việc kiểm tra từ Ban Thường vụ Thành ủy đã được đổi mới theo tinh thần là kiểm tra ngay trong năm đầu triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết; không để đến kỳ sơ kết, tổng kết mới kiểm tra, giám sát. Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng chỉ đạo sát sao công tác thanh tra công vụ, thực hiện ngay từ ngày đầu năm mới và tiếp tục tiến hành thường xuyên, đột xuất. Theo chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị thành phố cũng đã chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Cần làm tốt hơn

Tuy nhiên, thực tiễn đang đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền phải làm tốt hơn nữa công tác này. Theo đánh giá mới đây của Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội, trong số những giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp vẫn có cả công tác công khai, minh bạch, nhất là về minh bạch tài sản, thu nhập của tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, trong nhiều lĩnh vực, việc công khai, minh bạch vẫn chưa toàn diện, rộng khắp.

Vấn đề này không phải của riêng Hà Nội. Đơn cử như lĩnh vực đầu tư công, quy định pháp luật về yêu cầu phải công khai, minh bạch đã có, nhưng là quy định chung nên việc thực hiện chưa có chuẩn mực và chưa cung cấp được đúng thông tin người dân cần. Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội), dự án đầu tư công sử dụng tiền công thì phải công khai cho người dân biết. Cụ thể là phải cung cấp đầy đủ hồ sơ dự án đầu tư đến người dân, trừ những dự án thuộc diện bí mật nhà nước hay công trình an ninh quốc phòng quan trọng của quốc gia. Nếu thực hiện công khai như vậy, sẽ không thể có những khuất tất trong thiết kế, thẩm tra, không có cắt xén hay gian dối trong quá trình thi công và thực hiện dự án.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, công khai, minh bạch chính là "thanh bảo kiếm", là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Một mặt, công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần giải tỏa những bức xúc trong dư luận xã hội. Mặt khác, công khai, minh bạch sẽ làm cho công chức nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, đồng thời giúp thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Thành ủy Hà Nội luôn xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Nỗ lực tăng cường công khai, minh bạch của thành phố nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã bước đầu đáp ứng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Đây là tiền đề để thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương này nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả.

“Thuốc đặc trị” phòng ngừa tham nhũng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xay-dung-Dang/919736/thuoc-dac-tri-phong-ngua-tham-nhung