'Thuốc' đặc trị 'bệnh' chậm giải ngân

Bước sang năm 2021, hoạt động đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo Luật Ðầu tư công 2019 (Luật số 39) với nhiều quy định mới. Một trong những thay đổi đáng chú ý là quy định liên quan đến việc chuyển tiếp vốn đầu tư.

Bước sang năm 2021, hoạt động đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước được thực hiện theo Luật Ðầu tư công 2019 (Luật số 39) với nhiều quy định mới. Một trong những thay đổi đáng chú ý là quy định liên quan đến việc chuyển tiếp vốn đầu tư.

Theo đó, từ năm 2021, vốn đầu tư công đã phân bổ theo kế hoạch chỉ được giải ngân trong một năm, không được chuyển tiếp sang năm sau để thực hiện theo chu kỳ hai năm như trước đây. Các bộ, ngành, địa phương giải ngân không hết sẽ bị trừ khối lượng tương ứng vào kế hoạch vốn trung hạn.

Quy định này được xem như chế tài siết giải ngân vốn đầu tư công thông qua giải pháp kinh tế là "đánh thẳng vào túi tiền". Bộ, ngành, địa phương nào giải ngân thấp sẽ bị cắt giảm vốn trong những năm sau, ảnh hưởng ngay đến hoạt động đầu tư trên địa bàn. Không những thế, việc bị cắt giảm vốn đầu tư công còn tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vì đầu tư công có vai trò là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, Luật số 39 cũng đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa, nhằm đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây là chuyện "con gà, quả trứng", có vốn trước hay có dự án trước.

Theo quy trình đầu tư cũ, muốn quyết định chủ trương đầu tư của một dự án, cần xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Nhưng muốn xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn phải căn cứ vào dự án cụ thể. Vì thế, đã tạo một vòng luẩn quẩn từ chuẩn bị dự án -
thẩm định - phê duyệt - vốn - rồi lại chuẩn bị dự án - thẩm định,... mãi không thể xử lý. Luật số 39 quy định phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước (tạm gọi là số kiểm tra), từ đó có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Ðồng thời, đơn giản hóa mạnh mẽ quy trình giao kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm. Phân cấp thẩm quyền quyết định cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án trong danh mục nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch hằng năm,… Những thay đổi cơ bản này sẽ thúc đẩy các đơn vị lập kế hoạch đầu tư sát hơn thay vì "vẽ" dự án để được phân bổ càng nhiều tiền càng tốt. Bởi nếu được giao nhiều vốn nhưng giải ngân chậm sẽ không chỉ bị phê bình về mặt hành chính mà còn vi phạm chế tài về kinh tế.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công lâu nay đã trở thành căn bệnh trầm kha, không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, việc làm, huy động vốn xã hội mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Bằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Ðầu tư công với những quy định mới mang tính chất hóa giải nút thắt và bổ sung chế tài đối với trường hợp chậm giải ngân, kỳ vọng việc triển khai thực hiện luật mới sẽ thúc đẩy dòng vốn ngân sách nhà nước luân chuyển mạnh mẽ hơn, đóng góp quan trọng vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Bích Ngân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/kinhte/-thuoc-dac-tri-benh-cham-giai-ngan-632073/