Thuộc cấp lao lý, sếp yên vị!

Phiên tòa xét xử vụ án mất 245 tỉ đồng ở Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có nhiều giọt nước mắt của các bị cáo, người nhà bị cáo và của cả người mất tiền!

Vụ án mất 245 tỉ đồng ở Eximbank gây chấn động dự luận được đưa ra xét xử có tổng cộng 6 bị cáo. Hầu hết các bị cáo trong vụ án là nữ và đều là nhân viên của Eximbank.

Các bị cáo không thể ngờ, một ngày phải ra đứng trước vành móng ngựa vì nghe theo chỉ đạo của “sếp”. Đứng trước tòa, tất cả các bị cáo đều khóc, họ khóc cho số phận và cho bản thân vì cũng là nạn nhân của lãnh đạo Eximbank.

Còn nạn nhân là bà Chu Thị Bình cũng khóc, bà khóc cho tài sản của mình không cánh mà bay đi, để rồi phải mòn mỏi và “mất ăn mất ngủ” đi đòi công bằng cho mình.

Bà Chu Thị Bình tại tòa.

Lê Nguyễn Hưng (Phó giám đốc chi nhánh Eximbank TP.HCM), từ tháng 1/2012-3/2017 đã giả mạo chữ ký của chủ tài khoản để lập tài khoản giả mạo mang tên Nguyễn Thị Hồng Lê; lập giấy ủy quyền giả mạo việc bà Chu Thị Bình ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hồng Lê và Nguyễn Đăng Phong để rút tiền trong các tài khoản tiết kiệm của bà Chu Thị Bình, Phùng Thị Phẩm và Lê Thị Minh Quí ở Eximbank chi nhánh TP.HCM.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều khai làm theo chỉ đạo của Hưng. Lợi dụng lỗ hổng trong quản lý của Eximbank, Hưng đã lấy tiền của bà Bình rồi “cao chạy xa bay” mà đến nay vẫn chưa bắt được.

Trước khi tòa tuyên án, các bị cáo đều thừa nhận tội của mình vì quá tin tưởng Lê Nguyễn Hưng. Nhưng tất cả các bị cáo đều khẳng định không thông đồng hay hưởng lợi trong vụ việc. Các bị cáo đều mong HĐXX xem xét có một bản án “hợp tình hợp lý” để có thể trở về lo cho gia đình, con nhỏ.

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên 5 án tù treo và 1 án tù giam, Eximbank phải trả lại tiền gốc lẫn lãi cho bà Chu Thị Bình. Kết thúc phiên tòa, tiếng khóc của các bị cáo và người nhà càng lớn hơn. Tất cả các bị cáo đều hiểu, giờ đây họ đã có một “vết chàm” lớn mà về sau sẽ khó gột rửa và đi theo đến hết cuộc đời. Nhưng điều cay đắng nhất của các bị cáo, có lẽ là những năm tháng công hiến giờ lại bị phản bội và trở thành nạn nhân của chính lãnh đạo mà bấy lâu nay họ luôn tôn trọng.

Các bị cáo tại tòa.

Còn người dự phiên tòa thì hiểu được rằng, tất cả các bị cáo và bị hại cũng chỉ là nạn nhân của sự quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm soát tại Eximbank chi nhánh TP.HCM. Nếu như Eximbank quản lý, kiểm soát tốt, sớm phát hiện ra sự việc thì hậu quả đã không đến khiến phía ngân hàng mất uy tín, nhân viên phải nhận án phạt của pháp luật. Điều đáng nói là sự việc xảy ra vô cùng lớn nhưng không có bất cứ một vị lãnh đạo nào của Eximbank chịu trách về vụ việc và vẫn yên vị trong khi thuộc cấp phải đi tù.

Giờ đây, bà Bình cũng hiểu được rằng hành trình đi đòi lại tài sản của mình còn gian nan, khi có thông tin Eximbank tiếp tục kháng cáo vụ án lên cấp phúc thẩm.

“Nếu trách thì phải trách những người lãnh đạo của Eximbank khi họ đã không xây dựng được một ngân hàng đủ sự tử tế, uy tín để có thể tạo được niềm tin cho khách hàng. Thậm chí họ còn phản bội lại những gì cam kết với khách hàng. Nhưng điều lạ lùng thay, khi thuộc cấp mình vướng vào lao lý thì lãnh đạo vẫn yên vị”, một người dự phiên tòa chia sẻ.

Quang Thuận

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/thuoc-cap-lao-ly-sep-yen-vi-d73729.html