Thuở làm dâu có cô Hai

Lúc đó là cuối thập niên 1950, mẹ của Út là bà Mạnh coi như đã hết thời rồi. Nhiều năm trước, bà Mạnh từ Chợ Lớn về Thủ Dầu Một làm ăn, tạo dựng được một tiệm bán rượu và một tiệm bán xe đạp bên kia sông, đối diện chợ Thủ. Rồi xảy ra chiến tranh, chồng bệnh, bà bán hết cả hai cái tiệm đang hưng thịnh để chữa trị cho chồng nhưng bệnh không hết, cơ ngơi không còn và chồng cũng mất.

Năm 1961, bà dắt díu các con quay về xóm I-wai này kiếm miếng đất, cất cái nhà nhỏ xíu vách ván chỉ ở một góc phần đất vì không đủ tiền. Lúc đó, Xóm I-wai thuộc Phú Nhuận, gần một cái xưởng của người Nhật. Khu này còn nhiều những hàng cây dầu cây sao rợp mát và những khoảng đất rộng.

Trong xóm, gia đình bà Mạnh được chú ý vì: Một là quá nghèo, gia tài dọn về chỉ đủ chứa một cái xe bò. Hai là phụ nữ nhà nghèo nhưng ai nấy đều có nước da trắng bóc, tay chân thanh mảnh từ bà Mạnh đến hai cô con gái. Cô Út xinh xắn với đôi mắt hiền, dáng gầy. Lúc đó, cô mới học xong trường sư phạm, mỗi ngày bận áo dài đi dạy học ở trường Đình. Trai trong xóm có vài người để ý nhưng thấy nhà nghèo, họ ngần ngại.

Bà Út trong ngôi nhà bà đã làm dâu hơn nửa thế kỷ

Một buổi sáng chủ nhật, bà Mạnh ngồi trước cửa nhà kể chuyện về cha của bà cho hai cô con gái nghe. Cha của bà là người Tàu gốc Quảng Đông di cư vào Chợ Lớn từ rất lâu, có tiệm bán đồ gốm ở đó. Ông cho bà đi học trường Tây, nhưng vì không được học cao, bà biết tiếng Tây nhưng không giỏi. Ông còn cho học đánh đàn tranh,chú ý dạy dỗ bà từ lời ăn tiếng nói.

Bà nhớ có một buổi sáng khi còn nhỏ, bà lấy mấy thứ trái cây ra ăn và bị ông la: “Xì Manh, tảo bất thực quả!” (Mạnh, Buổi sáng không được ăn trái cây). Vừa kể chuyện, bà quan sát cô con gái lớn đang lặt rau và càu nhàu: “Sao mà chậm rì vậy cô, ngồi thêu cải thêu rau hả?”. Cô gái lớn khá đảm đang, trong khi cô Út được cưng, chỉ lo đi dạy, ít phải làm gì. Bà Mạnh bảo cô Út: “Không cần học nấu nướng chi nhiều, biết nhiều chỉ cực thêm thôi”. Bà rút kinh nghiệm đời làm dâu của bà.

Đang nghe chuyện thì có vài người ăn bận sang trọng xuất hiện đầu ngõ, có già có trẻ. Trong đó có một thanh niên tóc dợn sóng, bảnh trai. Cô Út đứng dậy trốn vào nhà trong. Cô nhận ra đó là cậu Hai, trước kia là cùng làm quốc sự với anh trai của cô là Công Tư, cùng bị Tây bắt giam trong nhà tù Cẩm Giang.

Trong tù, thấy tội nghiệp người bạn thư sinh, anh Công Tư nhận hết tội thay cho anh ấy. Ra tù, cả hai thề kết bạn dài lâu, cậu Hai mong được làm em rể vì biết Công Tư có em gái tốt nết dễ thương. Cậu đó đã viết thư cho Út, lui tới nhiều lần, tặng cô cây bút, lọ mực. Hôm nay, cậu đưa mẹ đến coi mắt Út. Tuy nhiên, chuyện không thành. Nhà cậu Hai giàu có, nên bà mẹ không chấp nhận cưới cô con gái nhà nghèo như vậy.

Chuyện buồn đó qua đi. Rồi cô đi dạy kèm cho một cậu bé con nhà khá giả gần nhà. Cậu bé có người chị giỏi tiếng Pháp nên có lúc cô Út phải nhờ cô ấy chỉ thêm. Ai dè trong nhà còn có một người anh của cậu bé, học bên Pháp về cơ khí hàng không mới về, nho nhã và trí thức.

Anh ta có đôi lúc giải thích thêm tiếng Pháp cho cô, rồi về quê xin ba má hỏi cưới cô. Ba má của anh ấy được gọi là ông bà Phán, từ dưới quê lên đến nhà cô thăm viếng. Rồi ông bà ra về, từ chối vì hai bên không “môn đăng hộ đối”.

Cô Út tủi thân. Bà Mạnh và cô con gái lớn thương con, thương em nhưng chỉ biết thở dài. Thời buổi đó, gia thế là quan trọng, chuyện hôn nhân cô Út phải chi xảy đến khi gia đình đang hồi hưng thịnh như xưa kia, cha đang làm thư ký cho Tây hay mẹ đang có tiệm buôn.

Rồi có một ngày, người mai mối dẫn mấy người phụ nữ bận áo dài và một thanh niên đến nhà cô. Cô không biết người trai mặt mũi hiền lành, vui vẻ kia là ai. Những phụ nữ cùng đi đặt vấn đề rõ ràng là xin cưới cô cho anh thanh niên đi cùng, là con cháu của họ.

Trong buồng, cô im lặng suy nghĩ. Nếu mẹ hỏi ý kiến, cô sẽ trả lời sao? Anh này trông đàng hoàng, những phụ nữ cùng đi có vẻ phúc hậu. Nghề của anh ấy là làm quản lý một hiệu thuốc tây.

Cô cắn môi và nghĩ đến những người trước đã đến với cô, chỉ coi trọng chuyện gia thế, hơn là bản thân người con gái. Còn gia đình này có thiện ý và coi trọng gia đình cô, coi trọng mẹ của cô, ăn nói chừng mực và thông hiểu. Cô đồng ý.

Cô Hai như là một nhân vật phụ nữ điển hình còn sót lại trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Cô giỏi làm các loại bánh khéo, biết nấu nhiều món ăn từ tây đến ta, cho bữa cơm hàng ngày đến bữa tiệc tùng.

Ngày cưới, cô về nhà chồng ở Bà Chiểu, mà thấy ngỡ ngàng. Đi qua cái cổng lớn, cái sân rộng mới vào đến ngôi nhà lợp ngói đỏ, sàn lót gạch bông. Trong nhà có hoành phi, câu đối, hai bộ ván ngựa dày cả tấc, ba cái tủ thở cẩn xà cừ, bộ bàn ghế Louis chân cong.

Cạnh nhà là cái garage có chiếc xe hơi Traction đen to đùng. Trước sân, mấy cây xoài to, nhiều chậu mai chiếu thủy, mai vàng, sứ Thái. Nhà gì mà từ trước ra sau mênh mông, khiến cô chạnh lòng nghĩ đến căn nhà nhỏ của cô. Cảm giác lo lắng dần xâm chiếm. Cô không ngại ông bố chồng to cao bệ vệ, mà ngại có mẹ chồng từng là một tiểu thơ nhà giàu ở Phú Nhuận.

Trong nhà còn có người chị của cha chồng, gọi là cô Hai, một phụ nữ lớn tuổi độc thân điều hành trường Nữ công Gia Định, chuyên dạy các thiếu nữ làm bánh và may vá. Cô Út nghĩ tới câu chuyện “Bà cô bên chồng” mà nhân gian thường nói. Chồng cô là con trai cả, có một người chị sống ở gần đó có hai cô em gái ở cùng nhà.

Trong vuông sân chung còn có nhà các em chồng và các em dâu, mà cô là dâu cả. Bên cạnh nhà còn có một dãy phố của gia đình chồng cho thuê. Bức tranh toàn cảnh trong gia đình khá điển hình về những gì gọi là áp lực đối với một cô dâu mới. Chỉ có một điều khiến cô đỡ lo là chồng cô vui tính, suốt ngày cười nói rổn rảng, thương vợ mới hết mực, rảnh là đánh xe hơi chở cô đi chơi.

Nhưng sự đời khó đoán. Cha chồng cô có một kế thất. Bà cao lớn, khỏe mạnh và đảm đang, thường lo việc nhà, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ nên bỗng dưng, cô Út dù là con dâu cả có đủ thời gian đi dạy và chăm sóc con cái. Ngoài cô Hai, người chị cả cũng đi dạy học khiến cô thấy mình không đơn độc.

Nhập cuộc về làm dâu, cô Út học lại nhiều điều mà cô tưởng rằng một cô giáo đã hiểu đầy đủ. Cô Hai như là một nhân vật phụ nữ điển hình còn sót lại trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Cô giỏi làm các loại bánh khéo, biết nấu nhiều món ăn từ tây đến ta, cho bữa cơm hàng ngày đến bữa tiệc tùng.

Không chỉ vậy, cô rành rẽ cách chưng bày bàn thờ bằng các loại hoa lá, cách bày bàn ăn để đón khách quý. Cô giỏi may vá thêu thùa nữa. Không có chồng con, cô Hai dồn sức dạy dỗ đám con cháu đông đúc trong nhà. Cô thật sự là một vị chỉ huy, Út cùng các chị em gái, em dâu của chồng nghe lời cô răm rắp, vì cô dạy gì cũng rất thuyết phục, chưa kể có sự uy nghiêm trong đó.

Làm dâu nhà này, Út ngại nhất là những ngày giỗ Tết. Trước ngày giỗ, cô Hai gọi một đứa cháu đi cùng xách theo một cái giỏ lớn. Cô ra chợ Bà Chiểu lựa từng miếng thịt, cọng rau, miếng đậu hũ… rất tỉ mỉ, so đo, trả giá từng chút.

Tối đó, cả đám phụ nữ xúm lại làm nhân, nhào bột gói bánh ít rồi đem hấp. Rồi làm cơm rượu, bánh bò trong, bánh bò bông. Út nhớ nhất món bánh bò bông, dùng bột tàng mì, hấp trong xửng. Trước khi hấp bánh, phải lấy một cái que dẹp nhúng vào nước cốt chanh quẹt ba khía trên mặt bánh. Đến khi bánh chín, mặt bánh phồng lên, nứt ra làm ba như ba cánh hoa rất đẹp. Món bánh bò bông này cô Hai rất tự hào vì ai ăn cũng khen ngon. Không chỉ lễ hay Tết, khi được mời đám cưới, cô Hai cũng cùng con cháu làm bánh bò bông, để cô sắp đầy cái quả sơn đỏ đem mừng cưới người ta.

Trở lại với những buổi đám giỗ. Đám đàn ông chủ yếu lo dọn dẹp, lau chùi lư, lau đèn và xem lại mấy cái bóng xem còn dùng được không. Việc của họ chỉ mất khoảng một giờ trong buổi sáng. Còn phụ nữ vất vả làm bánh đêm trước, sáng hôm sau lo bày đồ cúng kiến.

Khách khứa đến là mọi chuyện phải xong xuôi. Nhà có hai bộ ván lớn hai bên, thì khách nữ ngồi bên phải, đàn ông ngồi bên trái, đông khách thì kê bàn thêm. Mâm của các ông nói chuyện rôm rả do có rượu bia tạo hứng, mâm của các bà thì nói chuyện nho nhỏ, lâu lâu cười rộ lên.

Đó là khách, chứ dâu con trong nhà dưới sự chỉ huy của cô Hai phải luôn để ý khi nào cần thêm thức ăn, mang đồ tráng miệng lên. Cô Hai tủm tỉm cười khi khách khen bánh ngon, cơm rượu ngon. Đến khi khách về, mỗi người được cô tặng cho một gói quà, trong đó có chục bánh ít, bánh bò, trái cây. Nhà có con nít đông, cô Hai đã cẩn thận giấu bánh ít trong tủ đợi khách gần về mới lấy ra biếu.

Bà Út luôn nhớ lại chuyện khi cô Hai đã già yếu, gọi Út vào căn buồng nhỏ độc thân của bà, cho xem vài món đồ và nói: “Cô Hai đã chuẩn bị từ lâu, dặn con cho nhớ. Đây là vải vóc, quần áo, nếu khi cô đi theo ông bà thì con mặc cho cô!”.

Ngày giỗ còn bận rộn như vậy, thì ngày Tết còn cực hơn cho đám phụ nữ. Cái sân được trưng dụng nấu bánh Tét. Hoặc có khi em dâu của Út gốc người Bắc thì nấu bánh chưng. Cô Hai chỉ huy chưng bàn thờ bằng hoa lá, xong làm bánh khéo, nấu món chay và làm bánh mứt. Cô nhắc mua tàu hủ ky, nấm rơm, nấm mèo... nấu đồ chay. Bánh mứt thì bày làm bông hồng bằng mứt dừa, các thứ trái cây tạo hình bằng bột, như trái cà, trái hồng và trái vải.

Những món độc đáo đó, cô Hai từng dạy học trò ở trường nữ công, bày ra làm để vừa cúng Phật, cúng tổ tiên, vừa tiếp khách quý. Nhìn cái bánh thành hình trái cây quá đẹp, ai cũng thích nhưng không ai muốn ăn vì thấy tiếc.

Riêng ngày gần lễ Giáng sinh, cô Hai ít bày biện hơn nhưng vẫn phải làm bánh Buche de Noel, hình cây thông hay khúc cây. Cô bảo bây giờ sướng quá, khuôn nhôm làm bánh, mấy cái “đui” bắt bông kem đủ cỡ đủ kiểu bán đầy, không như hồi xưa cô học với Tây, bà hiệu trưởng Goze. Hồi đó, cô cũng làm bánh buche tặng bà Goze mỗi Noel nhưng không đủ phương tiện cầu kỳ như bây giờ.

Nói cho cùng, cho dù ngại vất vả trong cả năm với bảy cái giỗ, một cái Tết lớn và Noel, Út không cực nhọc hơn người khác. Cô Hai huy động mọi người cùng làm, nhưng đến giờ Út đi dạy là giục buông tay, lo chuẩn bị tắm rửa thay đồ kẻo trễ giờ. Út làm bánh, phụ nấu ăn nhưng những việc khác như lau nhà, rửa chén thì không phải làm. Chị em chồng và chị em bạn dâu cũng thương và thông cảm cho Út.

Út ở nhà chồng một thời gian, ra riêng rồi lại quay về nhà chồng, sống nếp sống cũ.

Những lúc ra riêng, mới thấy mình có may mắn là có cô Hai dạy bảo đủ thứ, lại được các chị em trong nhà đối xử tốt. Còn có may mắn khác là có bà mẹ chồng hiền lành, không bao giờ nói nặng con dâu. Bà chỉ thích nằm võng chuyện trò, coi ti vi và ngày nào con gái, con dâu về đông vui thì kể chuyện xưa, lấy hột xoàn trong tủ ra để cùng ngắm, lấy kính lúp soi hay đánh bột cho sáng. Thỉnh thoảng thấy bà cười, lắc đầu khi cô Hai bày nhiều việc cho con cháu làm. Cuộc sống xoay quanh cô Hai, người trưởng thượng của ngôi nhà.

Vì vậy, cha chồng của Út thỉnh thoảng lại xách súng lên rừng săn bắn, vì yên tâm có bà chị Hai quán xuyến mọi việc. Thỉnh thoảng mẹ và chị ba của Út qua thăm ông bà sui và được cô Hai tiếp đón rất niềm nở, trọng thị. Điều đó khiến Út cảm kích trong lòng.

Một bữa giỗ trong ngôi nhà bà Út làm dâu hơn nửa thế kỷ

Út đi dạy ngày một buổi, chăm sóc đàn con. Út quen dần thói quen đi ra khỏi nhà là phải bận áo dài tươm tất, như lời cô Hai luôn nhắc. Út và các cô con gái sống thuận hòa, vui vẻ với nhau, trong nhà không ai dám mắc thói xấu“tụm năm tụm ba, chụm đầu nói xấu người ta, thêm nhưn thêm nhị” như lời Cô Hai luôn nhắc.

Út thấy mình luôn có mong muốn làm cho cô Hai vui. Đi đám tiệc nào nấu nướng khéo léo, Út về kể cho cô Hai nghe. Hoặc thấy người ta bày bàn tiệc bằng cách tỉa con công, con thỏ bằng củ cải trắng, cà rốt là Út mang về cho cô xem. Những món lạ trong các thực đơn mà Út kể khi đi ăn tiệc khiến cô lắng nghe, nghe xong còn ghi chép lại. Thỉnh thoảng, Út nghe có người kể là cô Hai đi đâu cũng hay khoe “Nhà tui có đứa cháu dâu đi dạy học!”. Cha chồng của Út cũng thường hay nói điều đó với bạn bè khi họ đến thăm ông, giọng tự hào.

Bà Út sống trong ngôi “nhà cao cửa rộng” đó từ gần sáu mươi năm nay. Nhà vẫn còn rộng nhưng khoảng sân đã thu hẹp lại vì có thêm nhà con cháu cất lên. Dãy phố cho thuê của nhà chồng không giữ được sau 1975. Cái garage đã bán cho người ta cất nhà.

Từ ngôi nhà đó, bà Út chứng kiến nhiều điều buồn vui, có đám tang của chồng và mấy đứa con mất hồi nhỏ. Bốn đứa con còn lại trưởng thành, thương yêu nhau và tôn kính bà nội cũng như bà cô Hai, nay đã khuất bóng.

Có điều lạ là câu chuyện nào các con của bà Út kể về ngày xưa luôn có hình ảnh, lời nói, câu chuyện của cô Hai. Cô luôn sinh động trong ký ức của người trong nhà này.

Bà Út luôn nhớ lại chuyện khi cô Hai đã già yếu, gọi Út vào căn buồng nhỏ độc thân của bà, cho xem vài món đồ và nói: “Cô Hai đã chuẩn bị từ lâu, dặn con cho nhớ. Đây là vải vóc, quần áo, nếu khi cô đi theo ông bà thì con mặc cho cô!”.

Nghĩ lại, bà Út muốn trào nước mắt, thương cho những người phụ nữ thân thương, nhân hậu và chịu thương chịu khó, đã đi qua cuộc đời tám mươi năm của mình, mẹ ruột và chị, mẹ chồng và nhất là cô Hai.

Bài: Phạm Công Luận - ảnh: Hoài Linh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thuo-lam-dau-co-co-hai-12520.html