'Thùng thuốc súng' Trung Đông vẫn âm ỉ

Sau những động thái giúp hạ nhiệt căng thẳng của Mỹ và Iran gần đây, Trung Đông chưa kịp 'thở phào nhẹ nhõm' lại có nguy cơ rơi vào vòng xoáy căng thẳng mới. Hai quốc gia thù địch nhiều khả năng lại bùng phát bất đồng với những màn 'thi gan' cũ trước đây liên quan đến lệnh cấm vận và làm giàu urani.

Cùng với đó là nguy cơ quốc gia láng giềng không đội trời chung với Iran là Israel sẽ mất dần sự kiên nhẫn…

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp đặt thêm những trừng phạt mới nhằm vào Iran liên quan tới hành động trả đũa Washington bằng tên lửa, lãnh đạo nước này vẫn thách thức sẽ tiếp tục làm giàu urani bất chấp việc đang phải chịu nhiều sức ép. Phát biểu trên truyền hình ngày 16-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định, Iran sẽ tiếp tục làm giàu urani nhiều hơn cả trước khi ký thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với các cường quốc thế giới năm 2015.

Phản ứng cứng rắn này chính là câu trả lời của Tehran đối với lời kêu gọi của Thủ tướng Anh Boris Johnson thay thế thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bằng một thỏa thuận mới được Mỹ hậu thuẫn. Iran đã thẳng thừng phản đối đề xuất này và cho rằng thỏa thuận năm 2015 “chưa chết” và châu Âu đang bị Mỹ “bắt nạt”.

Hàng nghìn tín đồ Hồi giáo Iran nghe Đại giáo chủ Ali Khamenei thuyết pháp khẳng định lập trường cứng rắn với Mỹ. Ảnh: Reuters

Hàng nghìn tín đồ Hồi giáo Iran nghe Đại giáo chủ Ali Khamenei thuyết pháp khẳng định lập trường cứng rắn với Mỹ. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên được Iran đưa ra một ngày sau khi Anh, Pháp và Đức tuyên bố kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân nói trên. Hành động này đồng nghĩa với việc các nước chính thức cáo buộc Iran không tuân thủ thỏa thuận. Nó có thể dẫn đến việc LHQ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Các cường quốc châu Âu cho biết họ quyết định hành động như vậy nhằm tránh một cuộc khủng hoảng phát triển hạt nhân trong bối cảnh leo thang căng thẳng tại Trung Đông.

Động thái trên của châu Âu cho dù vì mục đích gì cũng cho thấy “lục địa già” đang nghiêng về ủng hộ lập trường của Mỹ, đó là gây sức ép về ngoại giao và kinh tế với Nhà nước Hồi giáo để buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận mới.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ ra thông cáo cho biết, Washington sẽ cho phép một giai đoạn kéo dài 90 ngày để hủy các giao dịch với Iran trong các lĩnh vực bị tác động bởi những lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi những cá nhân bị ảnh hưởng nên thực hiện các bước đi cần thiết nhằm giảm dần các giao dịch trước khi kết thúc giai đoạn 90 ngày nhằm tránh bị áp đặt trừng phạt. Việc khởi động bất cứ giao dịch nào từ sau ngày 10-1 có thể vẫn bị trừng phạt, kể cả đang trong giai đoạn giảm dần giao dịch. Giai đoạn này sẽ hết hiệu lực vào ngày 9-4 tới.

Trong một động thái cho thấy Iran vẫn nỗ lực tìm cách chống lại các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, nhất là trong ngành năng lượng, đó là bán xăng sang các nước láng giềng. Để đối phó với việc bán các sản phẩm như dầu thô bị giảm sút vì trừng phạt của Mỹ, Tehran đã tăng đáng kể hoạt động xuất khẩu xăng những tháng gần đây sang các nước láng giềng trong khu vực như Iraq và Syria bằng cách giảm giá mạnh.

Cho đến nay, sau rất nhiều sức ép từ các phía, Iran vẫn kiên quyết bác bỏ ý định sở hữu vũ khí hạt nhân như bị Mỹ cáo buộc và tuyên bố chỉ đảo ngược hành động vi phạm thỏa thuận nếu Mỹ bãi bỏ lệnh trừng phạt. Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei ngày 17-1 đã lên tiếng chỉ trích Mỹ và bảo vệ quan điểm của chính phủ khi lần đầu tiên trở lại chủ trì lễ cầu nguyện thứ sáu hằng tuần sau gần 8 năm. Trong bài thuyết pháp trước hàng nghìn tín đồ Hồi giáo tại một thánh đường ở trung tâm thủ đô Tehran, Đại giáo chủ Iran tuyên bố các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 sẽ không khiến Iran phải nhượng bộ. Lãnh tụ tối cao về tinh thần của Iran còn khẳng định, những hành động của các nước châu Âu nhằm gia tăng sức ép lên Iran sẽ không bao giờ mang lại kết quả.

Những diễn biến nói trên cho thấy chưa bên nào có dấu hiệu nhượng bộ trước đối phương và có nguy cơ đẩy cả hai lún sâu vào bất đồng khi có thêm những dấu hiệu căng thẳng mới vì một bên gia tăng sức ép trừng phạt hơn trước, một bên vẫn tiếp tục tăng mức làm giàu urani. Giữa Mỹ và Iran, bế tắc vẫn hoàn bế tắc vì cả hai lại đang rơi vào “lối mòn” trước đây trong giải quyết bất đồng giữa hai bên.

Những mâu thuẫn hiện nay nếu không được kiểm soát rất dễ kéo theo những hệ lụy khó lường. Theo phân tích, việc Iran tuyên bố làm giàu urani vượt ngưỡng thỏa thuận năm 2015 có thể sẽ kích hoạt phản ứng “phủ đầu” của Israel. Động thái này được đưa ra sau khi Tehran tuyên bố không còn tuân thủ việc hạn chế làm giàu nguyên liệu hạt nhân theo thỏa thuận này.

Đối với Israel, nước đã vạch ra “lằn ranh đỏ” đối với chương trình hạt nhân của Iran, hành động của Iran chính là một sự khiêu khích có thể khiến nước này mất dần sự kiên nhẫn. Chuyên gia phân tích Tom Rogan của trang điện tử Washington Examiner cho rằng nếu Iran gia tăng làm giàu urani tới mức cao đủ để tạo ra vũ khí hạt nhân, Thủ tướng Israel Netanyahu có thể sẽ phát lệnh tung đòn tấn công phá hủy chương trình hạt nhân Iran.

Đến nay, Israel vẫn duy trì học thuyết quân sự “đánh đòn phủ đầu” để loại trừ mối đe dọa hạt nhân từ trong trứng nước khi nhận thấy các nước láng giềng trong khu vực có nguy cơ sở hữu vũ khí hạt nhân. Không quân Israel năm 1981 từng thực hiện chiến dịch Opera ném bom phá hủy lò phản ứng Osiris của Iraq, khiến 10 binh sĩ Iraq và một kỹ sư Pháp thiệt mạng. Israel còn lo ngại nếu Iran sở hữu bom hạt nhân, loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này có thể rơi vào tay những phần tử cực đoan luôn đòi “xóa sổ” dân tộc Do Thái.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thung-thuoc-sung-trung-dong-van-am-i-608131