'Thùng nhân' - Vở diễn đậm tính thời sự

'Thùng nhân' là tên một vở kịch mới nhất mà Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh vừa dàn dựng và tổ chức biểu diễn. Vở kịch đề cập đến một vấn đề thời sự nóng hổi.

Một cảnh trong vở diễn.

Một cảnh trong vở diễn.

Nội dung vở kịch kể về các nhân vật chính là cô gái tên Hằng đi xuất khẩu lao động chui với giá chỉ 30 triệu đồng. Toàn bộ vở kịch đưa người xem dõi theo hành trình lênh đênh gian khổ của Hằng đến xứ người, bị bỏ vào công-ten-nơ, xuống tàu như thùng nhân (người bị đóng vào thùng), bị đối xử tàn tệ, bị bóc lột sức lao động. Vở kịch góp phần tuyên truyền về việc ngăn chặn nạn lao động chui và buôn người sang nước ngoài. Đây là hồi chuông cảnh báo những hệ lụy khôn lường của tệ nạn lao động chui.

Tuy chỉ là vở kịch ngắn nhưng đã có đến 30 vai diễn. Đó là các vai Hằng, Nhung, Mơ, Quỳnh, Quyên, Kỳ, Quân, Cần là những nạn nhân của tệ nạn buôn bán người. Đó là vai Hưng vai Dũng, những kẻ môi giới buôn người. Ông Chính là bố của Hằng, bà Hoa là mẹ của hai chị em Mơ và Quỳnh, ông Bình- bà Thủy là bố mẹ của Quyên.

Ngoài ra, còn có vai quản đốc Thái và các vai diễn quần chúng là nạn nhân của đường dây buôn bán người, môi giới buôn người. Các đối tượng buôn người đã lừa gạt được 39 người để đưa đi xuất khẩu lao động chui ở nước ngoài.

Vở kịch của tác giả kịch bản Thế Song, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai do các nghệ sĩ diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh thể hiện. Đây là vở kịch được dàn dựng theo đặt hàng của Hội đồng Anh (Tổ chức quốc tế về hợp tác văn hóa và cơ hội giáo dục của Vương quốc Anh).

Vở kịch nằm trong dự án của Hội đồng Anh thực hiện tại Quảng Ninh cùng với các vở kịch khác ở các địa phương như: Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhằm đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại. Đây là dự án tiếp cận liên ngành, thay đổi hành vi tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân.

Kinh phí thực hiện dàn dựng do Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, Tổ chức di cư quốc tế tại Việt Nam, Hội đồng Anh, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tài trợ. Mục tiêu của dự án nhằm giảm thiểu tình trạng mua bán người tại Việt Nam thông qua truyền thông thay đổi nhận thức hành vi, tăng cường truy tố xét xử các vụ án mua bán người.

"Thùng nhân" mô tả bi kịch của những người đi xuất khẩu lao động chui.

Trong kịch bản vở diễn, có hai đoạn tương tác trực tiếp với khán giả tạo ra sự gắn kết, gần gũi. Người dẫn chuyện sẽ mớm lời, phát vấn và để cho khán giả nêu quan điểm cá nhân của mình. Khán giả sẽ có được cảm giác tham gia vào tình huống kịch, cùng khóc cười đau xót với nhân vật, cùng trải nghiệm và rút ra những bài học cuộc sống.

Nghệ sĩ Ưu tú Từ Diệu Hương, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh, Chỉ đạo nghệ thuật của vở diễn, cho biết: Chúng tôi sẽ biểu diễn 6 buổi ở thành phố Hạ Long tại các nhà văn hóa thôn, khu phố, sân khấu cộng đồng các phường xã. Đây là cách đưa kịch đến gần hơn với công chúng, tạo ra sự lan tỏa tốt, thông điệp tuyên truyền của vở diễn được tiếp cận dễ dàng hơn.

Sau đó, chúng tôi có thể dùng gói sản phẩm này để biểu diễn tại các địa phương khác trong tỉnh, ngoài tỉnh. Tại mỗi điểm diễn, khi khán giả tham gia vào câu chuyện kịch trả lời câu hỏi chúng tôi đều có những phần quà thiết thực tặng cho bà con.

Các tác giả đã đưa vũ đạo vào kịch các nhân vật múa hình thể cùng với sự tham gia của vũ đoàn tạo hiệu ứng tác động mạnh mẽ đến khán giả. Diễn viên bằng lối diễn hình thể diễn tả cảnh tên Dũng buôn người xâm hại nạn nhân Mơ và cảnh thể hiện sự đau đớn thân xác và tinh thần của Mơ.

Các vai diễn những nạn nhân bị buôn bán người đa số là phụ nữ.

Bên cạnh đó là việc sử dụng âm nhạc, tiếng động, tiếng còi tàu, tiếng vọng nổ neo. Âm nhạc ánh sáng và diễn viên múa hình thể để biểu hiện cảnh chạy trốn cảnh sát trong bão tuyết dữ dội. Tất cả mọi người phải níu kéo vào nhau để vượt qua. Múa hình thể biểu hiện cảnh mọi người suy sụp trong tuyết lạnh, tím tái bò đến bên nhau động viên nhau vượt qua cơn hiểm nghèo.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Quỳnh Mai nhận định: Các diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh hiện nay gồm nhiều loại hình cộng lại nhưng đã nỗ lực cố gắng rất nhiều trong việc dàn dựng một vở kịch mới. Các bạn ấy đã bằng sức trẻ, nhiệt huyết, lòng đam mê, yêu nghề của mình tìm hiểu và thỏa sức sáng tạo ở loại hình kịch nói mà lại là kịch phong cách đương đại.

Các nghệ sĩ đã tập luyện quên thời gian, quên mình thực hiện tốt ý đồ của đạo diễn, đã lột tả nội dung kịch bản bằng ngôn ngữ nói, bằng lối diễn và bằng ngôn ngữ hình thể. Do đó, vấn đề thời sự nóng hổi mà nội dung kịch bản đề cập đã được chuyển tải rất tốt đến khán giả. Tôi thấy rằng, qua vở diễn này, các nghệ sĩ diễn viên Quảng Ninh đã xóa nhòa được ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau.

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/202006/thung-nhan-vo-dien-dam-tinh-thoi-su-2487614/