'Thủng ngay từ nhân viên BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chứ không ở đâu cả'

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM 'thủng' ngay từ nhân viên và để lại bài học rất sâu sắc trong phòng, chống dịch.

TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần là kết luận được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 14/6. Quyết định nhận được sự đồng tình của Bí thư Nguyễn Văn Nên và Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong nhận định chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là bài học sâu sắc và lưu ý các cơ quan, đơn vị không để tái diễn.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ 18/5 đến 13/6, thành phố ghi nhận 821 ca mắc Covid-19, dịch lan rộng ra 22/22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Trong đó, quận Gò Vấp nhiều nhất với 115 ca.

Thử thách lớn của TP.HCM

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhận định dù TP.HCM đã thực hiện tất cả các biện pháp, tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất, đến nay vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại.

Bí thư Nên nhấn mạnh điều đáng chú ý nhất là số lượng ca F1, F2 phải cách ly đang ngày càng lớn. Số lượng bệnh nhân nặng đang tăng dần trong khi năng lực cấp cứu có hạn. Một số bệnh viện đã thực hiện hết công suất.

Một người coi thường, cả phường phải cách ly

Bí thư Nguyễn Văn Nên

Trong khi đó, ngoài xã hội vẫn tồn tại nguy cơ có mầm bệnh chưa được xác định, khả năng chưa có triệu chứng và đang âm thầm lây nhiễm, rất khó đoán định. Nhiều đoạn trong các chuỗi lây nhiễm cộng đồng còn chưa xác định được nguồn. Một số chùm ca bệnh chưa kịp truy vết.

Người đứng đầu Thành ủy nhận định ngày càng xuất hiện nhiều ca lây nhiễm bất ngờ. Một số trường hợp do chủ quan, lơ là, mất cảnh giác gây ra. Ông dẫn chứng các trường hợp như người bán nước giải khát, nhân viên hành chính, hay đơn vị tuyến đầu chống dịch...

“Tình hình trên đã đặt cho thành phố thử thách rất lớn tiếp theo. Đó là chúng ta phải đặt các câu hỏi về biện pháp nào để kiểm soát dịch bệnh, đồng thời phục hồi dần sản xuất theo tinh thần bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép", ông nói.

 Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: HMC.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Ảnh: HMC.

Bí thư Thành ủy thống nhất với đề xuất trước đó của Sở Y tế về việc tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách toàn thành phố tương ứng với chu kỳ lây nhiễm. Theo ông, trước đây, thành phố cách ly khoảng 2 tuần, nhưng hiện nay, thời gian ủ bệnh âm thầm và kéo dài. Do đó, thời gian cách ly cũng phải kéo dài, có chu kỳ giãn cách xã hội tương ứng để an tâm.

"Nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, dự liệu tiềm ẩn, khó đoán định, không thể kiểm soát thì có thể áp dụng một số biện pháp cao hơn theo Chỉ thị 15. Nơi nào bảo đảm an toàn cao, kiểm soát được có biện pháp căn bản có thể thực hiện Chỉ thị 19", Bí thư Nên đề nghị.

Trong bối cảnh thành phố áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt, ông Nên đề nghị các ban, ngành có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kế hoạch cụ thể.

Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban chỉ đạo phối hợp, hỗ trợ xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM trong thời gian sớm nhất, chặt đứt điểm lây nhiễm tại đây. Ông đề nghị lãnh đạo thành phố, người đứng đầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, xem xét ngay nơi lây nhiễm. Trường hợp phát hiện người không làm đúng chức trách, cơ quan chức năng thẳng thắn nhìn nhận, xử lý công bằng.

"Ta phải tăng cường tự quản theo chỉ đạo của Thủ tướng vì cứ một người lơ là thì cả xã hội phải chịu khổ, một người chủ quan cả làng vất vả và một người coi thường cả phường phải cách ly", Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Kết quả chưa như mong muốn sau 2 tuần giãn cách

Tại buổi họp, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá thành phố đã nỗ lực phòng, chống dịch nhưng kết quả chưa đáp ứng được như mong muốn. Ông cho rằng nếu chỉ có ổ dịch điểm nhóm truyền giáo thì thành phố đã cơ bản kiểm soát được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy xuất hiện nhiều chuỗi lây mới trong cộng đồng.

Hy vọng 10 ngày nữa số ca sẽ giảm xuống

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình

Đặc biệt, chủng mới Delta lây nhiễm cực kỳ nhanh. Ngày 12/6, ông Bình nghe đánh giá ban đầu của Bộ Y tế thì chỉ có 3 ca nhiễm, sau đó tăng lên 22 ca và đến sáng 13/6 là 53 ca. Điều may mắn là các bệnh viện đều chưa bị lây lan trong khối điều trị.

Ông đánh giá việc áp dụng Chỉ thị 15 và 16 đã đạt được kết quả khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm nhóm truyền giáo. Tuy nhiên, vì có những bất cập khó lường nên tình hình kiểm soát khó khăn, chưa kiềm chế, đẩy lùi được dịch.

"Hy vọng 10 ngày nữa số ca sẽ giảm xuống", Phó thủ tướng nói.

Về phương án giãn cách, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng nếu chỉ áp dụng trong một tuần lễ thì "sợ không an toàn" và cần dựa trên đánh giá của ngành y tế để quyết định. Ông gợi ý những nơi cơ bản kiểm soát dịch tốt có thể hạ xuống Chỉ thị 15 còn nơi đang lây nhanh thì nâng lên Chỉ thị 16 nếu cần thiết.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Huyền Mai.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá đến nay, chuỗi lây nhiễm điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, từ ngày 2/6 đến nay, thành phố phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây.

Về tổng thể, sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, sự lây nhiễm của nhiều chuỗi cộng đồng cho thấy nhiều khả năng dịch đã len lỏi trong cộng đồng từ đầu tháng 5.

"Chính vì vậy, tôi đề nghị chúng ta tiếp tục giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần nữa. Riêng quận Gò Vấp và quận 12 chuyển từ giãn cách theo Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15", ông nói.

Lãnh đạo TP.HCM cho biết thêm sau một tuần áp dụng, tùy mức độ, một số khu vực có thể chuyển sang Chỉ thị 16 hoặc sang Chỉ thị 19.

"Quan trọng là tiếp tục thực hiện cho được mục tiêu kép, không để vì dịch mà ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội. Nhưng cũng không vì điều đó mà đề ra giải pháp không đủ mạnh", Chủ tịch khẳng định.

Không để xảy ra trường hợp như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM

Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong trong buổi họp đã nghiêm khắc phê bình những nơi vi phạm phòng chống dịch như tổ chức ăn nhậu, tụ tập đông người, không chấp hành chỉ thị của thành phố.

"Nếu để phát sinh ra dịch bệnh từ đây, chủ tịch UBND quận, huyện và TP Thủ Đức phải chịu trách nhiệm, tùy mức độ có thể xem xét trách nhiệm xử lý", ông quán triệt.

Toàn cảnh cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM. Ảnh: Huyền Mai.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu trụ sở các nơi làm việc phải tăng hệ thống kiểm tra phòng, chống dịch chặt chẽ hơn. Ông Phong dẫn chứng một số bệnh viện đã phát hiện ca mắc Covid-19 và nhắc nhở cơ sở, trụ sở UBND quận, huyện, TP, sở, ngành tuyệt đối "không để xảy ra trường hợp như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM".

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho chúng ta bài học rất sâu sắc

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong

"Nó 'thủng' ngay từ nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chứ không ở đâu cả. Xem lại công tác kiểm soát thế nào. Nếu không chặt chẽ, xuất hiện dịch từ cán bộ, nhân viên của sở, ngành, quận, huyện thì ảnh hưởng thế nào đến chỉ đạo và sự điều hành chung của thành phố", ông đặt câu hỏi.

Lãnh đạo TP nhắc nhở thêm: "Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho chúng ta bài học rất sâu sắc chỗ này, Sở Y tế cần đánh giá lại coi tình hình sao".

Về công tác truy vết, ông Phong đề nghị các F1 cố gắng làm trong 8h-12h, còn F2 có thể trong 24h.

Lãnh đạo thành phố đề nghị thực hiện triệt để giãn cách ở nơi làm việc toàn thời gian. Bếp ăn tập thể tại cơ quan chỉ được bán mang đi. "Cán bộ, công chức, người lao động gương mẫu ở nhà toàn thời gian sau giờ làm việc. Nếu xảy ra trường hợp gì thì rất không hay", ông nhắc nhở.

Thu Hằng - Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thung-ngay-tu-nhan-vien-bv-benh-nhiet-doi-tphcm-chu-khong-o-dau-ca-post1226620.html