Thung lũng Silicon của Trung Quốc chuyển từ sao chép thành sáng tạo như thế nào?

Trước đây khi nói đến Thâm Quyến, mọi người thường nghĩ đến trung tâm hàng nhái của thế giới. Nhưng việc sao chép không thể làm mãi.

Ảnh minh họa.

Tại Thâm Quyến, có những khu chợ cho phép mọi khách hàng tới đây mua đủ linh kiện để tự lắp cho mình một chiếc điện thoại. Từ cụm camera, bo mạch chủ, màn hình, khung…, tất cả đều được bày bán trong một diện tích rộng hàng trăm mét vuông.

Người dùng chỉ cần biết mình cần linh kiện gì và biết cách lắp các linh kiện này với nhau như thế nào. Ngoài điện thoại ra những khu chợ đồ công nghệ này còn bán cả linh kiện cho máy bay không người lái (drone), máy ảnh, thiết bị để sửa chữa.

Vậy nếu đặt câu hỏi có hàng nhái hay tình trạng làm giả thiết kế của các hãng lớn ở đây không? Câu trả lời là chắc chắn. Luật sở hữu trí tuệ có vẻ không có hiệu lực tại đây.

Thế nhưng bên cạnh việc sao chép các sáng tạo của những nhà sản xuất quốc tế, Thâm Quyến vẫn có những sáng tạo của riêng mình.

Điện thoại có thể lắp ráp như đồ chơi Lego tại đây.

Do nguồn linh kiện có lớn, thiết bị để gia công sẵn, nhiều nhà sản xuất tại đây đang hằng ngày tìm cách cải tiến những công nghệ đã có.

CNN dẫn lại ý kiến của nhiều chuyên gia, tất cả đều đồng ý rằng nếu coi Trung Quốc là nơi chỉ để đầu tư sản xuất hàng loạt thì đây là tư duy cũ.

Giáo sư Christian Grewell của Đại học New York Thượng Hải cho biết: “Có rất nhiều sự đổi mới đang diễn ra với quy mô lớn ở Trung Quốc. Và tốc độ của sự đổi mới này rất nhanh”.

Ông đã chỉ ra ví dụ là nhà sản xuất điện thoại Xiaomi, hãng này cập nhật phần mềm của minh dựa vào những phản hồi của khách hàng. Hay hàng loạt dịch vụ thanh toán điện tử khác của nước này là WeChat và Alipay.

Trung tâm phát triển phần cứng

Ít người biết Thâm Quyến trước đây là một làng chài nghèo. Và đối diện Thâm Quyến là Hồng Kông. Khi đó Hồng Kông vẫn thuộc quyền quản lý của chính phủ Anh. Nhìn sang một mảnh đất giàu có và thịnh vượng, Trung Quốc muốn làm một điều gì đó để mình có một vùng đất như vậy.

Trong những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, chính phủ nước này đã có nhiều hành động để Thâm Quyến trở thành nơi sản xuất các mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng. Thành quả đã đến, hiện nay khu vực này được biết đến là Thung lũng Silicon của Trung Quốc, quê nhà của hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới như Huawei, Tencent.

Cả những công ty sáng tạo hàng đầu được người Mỹ tin tưởng như DJI cũng xuất thân từ thành phố này.

Theo Jasen Wang, Giám đốc điều hành của startup công nghệ giáo dục Makeblock: “Tại đây, nếu bạn có ý tưởng, bạn có thể nhanh chóng đánh giá ý tưởng của mình và tìm được nhà máy để sản xuất nó”.

Ngoài linh kiện, phương tiện sản xuất, thành phố này còn có sẵn cả kỹ sư.

Pin, sạc Anker là thứ khá nổi tiếng với khách hàng Việt Nam, nhiều người nghĩ đó là hàng Mỹ nhưng thực tế đây là sản phẩm thuần Trung Quốc.

Anker do một cựu nhân viên Google sáng lập, anh này tên là Steven Yang và trụ sở cũng ở Thâm Quyến. Theo anh: “Nếu bạn muốn sản xuất cái gì đó thật nhanh, thì bạn phải làm ở Thâm Quyến. Ở chỗ khác, một sản phẩm mẫu làm ra phải mất một ngày hoặc một tuần thì ở Thâm Quyến chỉ mất một giờ”.

10 năm trước, 90% sản phẩm ở Thâm Quyến là hàng nhái, chỉ có 10% là sự sáng tạo thì nay đã có 70% là sản phẩm được tạo phát triển ở Thâm Quyến, chỉ còn 30% hàng nhái.

Nhiều sản phẩm sáng tạo đã được tạo ra tại Thâm Quyến.

Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu tại Trung Quốc đã thực hiện một khảo sát, kết quả cho thấy các công ty Trung Quốc hiện nay đang có mức sao tạo ngang bằng hoặc cao hơn các công ty châu Âu.

Hàng nhái trong các lĩnh vực cũ

30% hàng nhái tại Thâm Quyến đang nằm ở đâu? 10 năm trước, đầu DVD Thâm Quyến được coi là bản sao của đầu đĩa Sony, JVC. Sau đó là điện thoại nhái iPhone.

Tới nay vẫn Thâm Quyến vẫn đi sao chép, thậm chí họ sao chép chính sản phẩm của công ty lớn ở Thâm Quyến. Sạc Anker đã bị làm nhái. Công ty này buộc phải tạo ra một dòng sản phẩm khó làm nhái hơn.

Giày thể thao Nike cũng bị làm nhái. Mức độ làm nhái tinh vi đến mức người dùng khi đặt cạnh đôi giày do Nike sản xuất cũng khó thấy sự khác biệt.

Chính phủ Mỹ gần như bất lực khi làm thuyết phục chính phủ Trung Quốc hỗ trợ họ bảo vệ bản quyền tại nước này. Đây cũng là một trong những lý do dẫn tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Các chuyên gia nhận định, nếu Trung Quốc muốn thành cường quốc công nghệ, họ buộc phải làm nhiều việc hơn. Và để đưa công ty Trung Quốc ra quốc tế, tất cả buộc phải thực hiện theo đúng luật quốc tế, trong đó có vân đề bản quyền trí tuệ.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/thung-lung-silicon-cua-trung-quoc-chuyen-tu-sao-chep-thanh-sang-tao-nhu-the-nao-3481186.html