Thung lũng chết đạt nhiệt độ nóng nhất một thế kỷ qua

Giữa đợt nắng nóng gay gắt khắp miền Tây nước Mỹ, một địa điểm hẻo lánh ở Thung lũng Chết (California) vừa đạt 'danh hiệu' trở thành nơi nóng nhất trái đất trong gần một thế kỷ qua.

Thung lũng Chết nằm ở phần phía Bắc sa mạc Mojave, dọc biên giới phía Đông bang California, gần Nevada và sa mạc Great Basin. Đây cũng là vườn quốc gia nóng, khô và thấp nhất ở Mỹ với độ cao 86m bên dưới mực nước biển. Nhiệt độ tại đây chịu ảnh hưởng từ hiện tượng ấm lên toàn cầu do biến đổi khí hậu và đợt nắng nóng kéo dài ở miền Tây nước Mỹ.

Ngày 16/8 vừa qua, địa điểm tại Thung lũng Chết - được đặt tên là Furnace Creek, với dân số 24 người - đã ghi nhận nhiệt độ là 130 độ F (54,4 độ C).

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết đây là nhiệt độ nóng nhất toàn cầu được ghi nhận chính thức từ năm 1931, cũng là mức nhiệt cao nhất tại Thung lũng Chết trong vòng 107 năm qua.

Thung lũng Chết cũng giữ kỷ lục về nhiệt độ nóng nhất trên Trái đất được ghi nhận vào năm 1913 với 134 độ F (56,7 độ C). Ở vị trí thứ hai là Kebili (Tunisia) với nhiệt độ ghi nhận là 55 độ C vào ngày 7/7/1931.

Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ khuyến cáo người dân sống ở phía đông California, Nevada, Arizona và Utah hạn chế ra khỏi nhà từ 5-8 giờ sáng. Gần 60 triệu người Mỹ sinh sống từ bang Arizona tới biên giới giáp Canada có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự nóng lên của toàn cầu. Nhiệt độ cao là kết quả từ rãnh áp suất cao trải rộng khắp bờ tây nước Mỹ.

Thông thường, thời gian này, miền Tây và Tây Nam nước Mỹ sẽ trải qua mùa mưa - Daniel Berc, nhà khí tượng học của NWS tại Las Vegas cho biết. Nhưng năm nay, mùa mưa vẫn chưa đến, Thung lũng Chết trở nên nóng tột độ do áp suất cao.

Dù chưa có dữ liệu chính xác nhưng hiện tượng này vẫn được ghi nhận. Randall Cerveny, Giám đốc kho lưu trữ, nhà khí tượng học tại Đại học bang Arizona ở Tempe cho biết, quá trình xác minh các hồ sơ toàn cầu về thời tiết khắc nghiệt được lưu trữ tại WMO có thể phải lấy dữ liệu mất hàng tháng. Nhưng “dựa trên bằng chứng có sẵn, chúng tôi có thể chấp nhận những dữ liệu dựa trên quan sát”, Cerveny nói.

Thực tế, California đang phải đương đầu với những đám cháy rừng mạnh trên khắp cả bang. Nhà chức trách ở Mỹ cũng phải cắt điện luân phiên lần đầu tiên từ năm 2001 do nhu cầu dùng điện tăng vọt vì nắng nóng.

L.P.

Theo Science News

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/khoa-hoc/thung-lung-chet-dat-nhiet-do-nong-nhat-mot-the-ky-qua-179531.html