Thuế thương mại điện tử: Dư địa hay lỗ hổng?

Nền tảng xem phim trực tuyến Netflix chính thức có mặt ở Việt Nam và chưa đóng thuế 3 năm nay lại đặt ra câu chuyện, quản lý doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trên nền tảng internet ra sao cho hiệu quả?

Thương mại điện tử bùng nổ đi cùng với việc khó kiểm soát thuế.

Thương mại điện tử bùng nổ đi cùng với việc khó kiểm soát thuế.

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Netflix thống kê doanh thu trong 3 năm từ khi vào Việt Nam để truy thu thuế.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng yêu cầu Netflix xúc tiến làm việc với Bộ Tài chính đặt văn phòng đại diện, máy chủ lưu dữ liệu tại Việt Nam để kê khai thuế.

Nền tảng xem phim trực tuyến Netflix chưa chịu sự quản lý của pháp luật hiện hành tại Việt Nam do là doanh nghiệp nước ngoài, hoạt động trên nền tảng internet và không đặt chi nhánh công ty tại Việt Nam. Vì vậy, chưa được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ.

Từ năm 2016, Netflix chính thức có mặt ở thị trường Việt Nam cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến trên nền tảng này. Hiện có khoảng hơn 300.000 thuê bao trong nước đang sử dụng dịch vụ, với mức phí từ 180.000 - 260.000 đồng/tháng/thuê bao. Hầu hết các khách hàng của Netflix tại Việt Nam đều trả qua thẻ tín dụng trực tiếp cho Netflix. Ước tính Netflix đang thu về hàng trăm tỷ đồng/năm. Chính vì thế, Nhà nước Việt Nam cũng thất thu thuế từ nguồn này.

Các con số từ hoạt động kinh doanh của Netflix cho thấy, kinh doanh thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực mà dư địa để thu thuế vẫn còn rất lớn. Vì thế, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước ngày càng khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì việc bàn cách thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử là việc phải làm. Riêng tại Hà Nội, qua rà soát từ các ngân hàng thương mại có 18.304 cá nhân, tổ chức cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, tổng thu nhập từ Google và Facebook, Youtube là 1.462 tỷ đồng. Cục Thuế Hà Nội đã tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế khai nộp, qua đó truy thu được 13,9 tỷ đồng tiền thuế.

Câu chuyện đóng thuế của Netflix cũng như WeTV, Iflix, Amazon TV… đã được Tổng cục Thuế nhắc đến nhiều lần. Thời điểm 1 năm về trước, tháng 9/2019 chính Netflix đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để cấp phép tại Việt Nam. Tổng cục Thuế cũng đã làm việc với Netflix và Netflix muốn đăng ký, kê khai nộp thuế theo quy định Việt Nam.

Phía Tổng cục Thuế cũng từng khẳng định, cơ quan thuế khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam để không phải áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn. Đối với trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không đăng ký, khai và nộp thuế tại Việt Nam, cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn. Khi áp dụng quy định này, có hai dạng là người mua là tổ chức và người mua là cá nhân. Với người mua là tổ chức, sẽ áp dụng Thông tư 103/2014/TT-BTC; còn đối với người mua là cá nhân, sẽ phải quản lý qua dòng tiền thanh toán của các cá nhân này.

Để làm được việc này, tại Khoản 3 Điều 27 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định, các ngân hàng thương mại phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định của pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, để quản chặt thuế thương mại điện tử, Tổng cục Thuế buộc phải phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để xác định được các tiêu chí, từ đó hướng dẫn cho các ngân hàng thương mại khấu trừ các khoản thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế đối với các giao dịch xuyên biên giới.

H. Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thue-thuong-mai-dien-tu-du-dia-hay-lo-hong-522638.html