Thuê tài chính: Còn dư địa phát triển

Thuê tài chính là một kênh huy động vốn phổ biến trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, cho thuê tài chính vẫn là một thị trường nhỏ bé.

Lễ khai trương Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – SuMi TRUST (SBL). Ảnh: H.Dịu

Đây là ý kiến của các chuyên gia tại tọa đàm với chủ đề “Thuê tài chính – kênh huy động vốn trung dài hạn; kinh nghiệm Nhật Bản và triển vọng phát triển tại Việt Nam” được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp cùng Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) tổ chức chiều ngày 8/9.

Theo các chuyên gia, tổng doanh số thuê tài chính toàn cầu hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD. Tại Mỹ, 80% các DN từ DN nhỏ cho tới các DN lớn trong danh sách Fortune 500 đều thuê một phần máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng tại Nhật Bản, doanh số cho thuê tài chính hàng năm cũng vào khoảng 50 tỷ USD.

Nhưng theo ông Nguyễn Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nước ta mới có 11 DN cho thuê tài chính và sự phát triển còn rất hạn chế.

Thống kê tại tọa đàm cho biết, cho thuê tài chính vẫn là một thị trường nhỏ bé, với dư nợ chỉ ở mức 8.700 tỷ đồng, chiếm 0,16% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng.

Vì thế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện sự “ngạc nhiên” với vị thế của cho thuê tài chính tại Việt Nam, bởi họ đã sử dụng dịch vụ này như một “thói quen” tại thị trường các nước phát triển. Do đó, dư địa để cho thuế tài chính phát triển tại Việt Nam còn nhiều.

Chuyên gia của công ty cho thuê tài chính thuộc tập đoàn SuMi TRUST cho biết, tại Nhật Bản, có tới 96,7% DN sử dụng thuê tài chính. Theo phân tích, thuê tài chính giữ một vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Nhật Bản cũng như sự phát triển của các DN.

Ông Shimizu, Giám đốc Bộ phát triển kinh doanh của công ty cho thuê tài chính SuMi TRUST Panasonic finance cho rằng, các DN Nhật sử dụng sản phẩm cho thuê tài chính rất nhiều bởi chúng không cần vốn ban đầu khi đầu tư thiết bị, tiết kiệm được nguồn lực cho việc quản lý hành chính, dễ dàng nắm bắt được chi phí, dễ dàng xác định thời gian cho thuê phù hợp với thời gian dự kiến sử dụng, có lợi thế hơn so với đi vay/mua và đáp ứng được các quy định liên quan đến môi trường.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực nhận định rằng kinh tế Việt Nam đang tiếp đà tăng trưởng ổn định, tạo nhu cầu lớn về máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải đường bộ phục vụ đầu tư phát triển.

“Thuê tài chính sẽ là một giải pháp quan trọng giúp DN vượt qua các rào cản tiếp cận vốn (nhất là nguồn vốn trung - dài hạn, trong bối cảnh định hướng hạn chế sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của hệ thống ngân hàng, và đặc thù thiếu tài sản đảm bảo cho việc cấp tín dụng của các DN vừa và nhỏ, DN đang tăng trưởng nhanh”, TS. Cấn Văn Lực nêu rõ.

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, thuê tài chính có thời gian cho thuê tương đối linh hoạt, thủ tục hành chính đơn giản. DN đi thuê còn có thể sở hữu, nhận lại tài sản được cho thuê đó. Đặc biệt đây cũng là 1 kênh thúc đẩy bán hàng cho DN.

Cùng ngày, Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV – SuMi TRUST (SBL) - Công ty liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) của Nhật Bản, đã chính thức khai trương. SBL là công ty cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình liên doanh giữa một Ngân hàng thương mại trong nước với một định chế tài chính nước ngoài, vốn điều lệ 895,6 tỷ đồng, trong đó BIDV sở hữu 50% và SuMi TRUST sở hữu 49%.

BSL sẽ phát triển sản phẩm cho thuê tài chính cho cộng đồng DN bao gồm các DN lớn, DN vừa và nhỏ của Việt Nam và các DN FDI đầu tư vào Việt Nam. BSL cũng sẽ kết nối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp thiết bị để hỗ trợ người sử dụng cuối cùng tìm được máy móc, thiết bị đáp ứng nhu cầu sản xuất của mình và có giải pháp tài chính phù hợp thông qua thuê tài chính.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thue-tai-chinh-con-du-dia-phat-trien.aspx