Thuế, phí của Việt Nam ở mức trung bình thấp

Ngày 1-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN). Các yêu cầu về phát triển những ngành kinh tế nền tảng như logistics, đầu tư cho vùng sâu, vùng xa... được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) rất quan tâm. Trước lo ngại của ĐBQH về tỷ lệ thu ngân sách của Việt Nam thuộc loại cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Thuế, phí của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với khu vực và thế giới.

Đã thực hiện miễn, giảm thuế nhanh và mạnh hơn so với dự kiến

Phát biểu giải trình làm rõ vấn đề vì sao tăng thu chỉ vượt 2,3% so với dự toán trong năm 2017, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, về bản chất, NSNN là thước đo quan trọng phản ánh hiệu quả của nền kinh tế. Vì vậy, kết quả thu NSNN chịu sự chi phối cả từ yếu tố tích cực và những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế. Trong điều kiện tăng trưởng kinh tế đạt kế hoạch (tăng trưởng GDP đạt 6,7%) thì thu ngân sách ước vượt 2,3% so với dự toán là tích cực.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, tỷ lệ huy động ngân sách của Việt Nam không phải quá cao như một số đại biểu phát biểu. Cụ thể, tỷ lệ huy động vào NSNN trên GDP của Việt Nam dự toán năm 2018 là 23,9% GDP, trong đó huy động từ thuế và phí là 19,7% GDP. Thời gian vừa qua, thông qua chính sách tài khóa, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp miễn, giảm thuế nhanh và mạnh hơn so với dự kiến nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu.

Dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay, tỷ lệ này tại các nước EU là 44,3%; các nước phát triển trong khu vực là 25,5%; Ấn Độ 21,3%; Malaysia 23,4%... “Chúng tôi có dữ liệu so sánh để thấy rằng quy định thuế, phí của Việt Nam ở mức trung bình thấp trong khu vực, thế giới”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Về dự toán chi NSNN năm 2018, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ bản các chính sách đã ban hành đều được bảo đảm kinh phí theo chương trình. Một số chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi triển khai chậm do văn bản hướng dẫn của các cơ quan liên quan ban hành chậm, các địa phương chưa xây dựng đề án nên không kịp triển khai...

Trước ý kiến của nhiều đại biểu về vấn đề điện sinh hoạt vùng nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến thời điểm cuối năm 2016, số hộ dân nông thôn trong cả nước được sử dụng điện đã đạt tỷ lệ hơn 98%. Số hộ dân còn lại chưa được sử dụng điện chủ yếu sống ở những vùng khó khăn nhất của Tổ quốc. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ bảo đảm cung cấp 100% điện lưới cho các hộ dân ở vùng khó khăn, với quy mô của dự án này cần hơn 30.000 tỷ đồng. Với dự kiến cân đối ngân sách Trung ương trung hạn 2016-2020 cho chương trình khoảng 2.218 tỷ đồng và sử dụng các nguồn tài trợ ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Liên minh châu Âu thì nhu cầu vốn để triển khai toàn bộ dự án thành phần trong chương trình sẽ được thu xếp đủ. Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo để triển khai thực hiện chương trình bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đầu tư có trọng điểm để thu hẹp khoảng cách vùng, miền

Đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đưa ra thực tế: Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo các tỉnh Tây Bắc là 34,52%, các tỉnh Đông Bắc: 20,74%, khu vực Tây Nguyên: 17,14%; vẫn còn hơn 50.000 hộ thiếu đất ở, 74.000 hộ thiếu đất sản xuất... và khoảng cách phát triển giữa những vùng này với cả nước ngày càng lớn.

Đề xuất một số giải pháp mang lại những bước phát triển đột phá, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, Chính phủ cần quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt vì thực tiễn cho thấy, vùng nào có đường giao thông thuận lợi thì vùng đó có điều kiện phát triển nhanh hơn, ổn định hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm rà soát, nghiên cứu để tích hợp các chính sách và đầu tư hỗ trợ theo nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số cho sát thực hơn.

Chú trọng những lĩnh vực đầu tư ít nhưng hiệu quả cao

Đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tế, góp phần tăng trưởng GDP bền vững, đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương tiếp cận, bắt nhịp với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bao gồm kết hợp thông tin trong quản lý Nhà nước, trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ nhằm tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng cho nền kinh tế từ năm 2018 trở đi, góp phần tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng, Chính phủ và Quốc hội nên cho xây dựng đề án đường sắt cao tốc Bắc-Nam vì giá thành vận chuyện đường sắt bằng 40% chi phí đường bộ và giảm thêm khi kết nối với các cảng biển; lượng hành khách sẽ tăng mạnh, giảm áp lực cho ngành hàng không và đường bộ. Trong khi nguồn lực đầu tư của nước ta có hạn, đại biểu Lê Công Nhường kiến nghị Chính phủ nên nghiên cứu đầu tư những lĩnh vực chỉ bỏ ra 20% nguồn lực nhưng mang lại 80% hiệu quả cho đất nước.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, dịch vụ logistics là ngành kinh tế quan trọng, rất có điều kiện phát triển ở Việt Nam, là giải pháp trực tiếp góp phần tăng trưởng nhanh, bền vững GDP và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đưa ra thực tế: Nước ta ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương về vận tải biển, hàng không và sở hữu những vị trí có thể xây dựng cảng biển nước sâu và sân bay trung chuyển quốc tế lý tưởng. Trong khi đó, vì năng lực vận tải biển của nước ta rất yếu nên thị phần dịch vụ logistics lớn nhất là vận tải biển (chiếm 60% cơ cấu của logistics) rơi vào tay các hãng tàu biển quốc tế; 90% lượng hàng xuất, nhập khẩu của nước ta phải trung chuyển qua một vài cảng lớn trong khu vực... Vì vậy, đại biểu cho rằng Chính phủ cần quản lý tập trung về logistics, cần gấp rút xác định vị trí xây dựng cảng trực tuyến quốc gia, đón tàu đi thẳng đến thị trường quốc tế, không qua trung chuyển; nhanh chóng xây dựng phát triển đội tàu viễn dương, giành lại thị trường vận tải biển đang nằm trong tay các công ty nước ngoài...

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Trong lĩnh vực nông nghiệp, riêng nhóm hàng rau, quả, hoa tăng bình quân 30%/năm. Dự báo đến năm 2022, giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này đạt khoảng 9 đến 10 tỷ USD, tức là hơn giá trị xuất khẩu dầu thô lúc cao nhất của đất nước. Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét để đưa nhóm hàng rau, quả, hoa trở thành nhóm hàng sản phẩm chủ lực của đất nước. Đại biểu cho rằng, nhóm hàng rau, quả, hoa xuất khẩu không cần cánh đồng lớn, từng khu vườn, đồi dốc nghiêng vẫn trồng cây rất hiệu quả. Ở khu vực miền núi, hình thành nhiều hợp tác xã trồng các loại quả xuất khẩu như tỉnh Sơn La. Đối với đồng bằng, cần lựa chọn các loại rau, quả, hoa phù hợp với mỗi địa phương, trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ lực, góp phần giảm nghèo ở vùng nông thôn.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thue-phi-cua-viet-nam-o-muc-trung-binh-thap-522378