Thuế nhập khẩu xăng dầu lại bị 'chê'

Việc ấn định thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở thuế hiện nay đang được cho rằng có sự bất cập, phức tạp, dễ gây hiểu lầm là không cần thiết, thậm chí là thiếu minh bạch… có thể dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội.

Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa quyết định chỉ tăng giá dầu diesel, trong khi vẫn giữ ổn định giá các mặt hàng xăng khoáng trong kỳ điều chỉnh giá lần này. Ảnh: P.V

Liên quan tới điều hành giá xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị một số giải pháp tháo gỡ về thuế trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng này. Theo Hiệp hội, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền để tính giá cơ sở mặt hàng xăng làm căn cứ điều hành giá bán lẻ đang gây ra một số khó khăn nhất định cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu mối. Từ đầu năm 2017, loại thuế này được áp dụng là 10,56%, sau đó được điều chỉnh xuống mức 10,21%, rồi giảm tiếp còn 9,31% và hiện tại mức áp dụng là 8,56%.

Với cách tính như trên, Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, kể từ ngày 5.7.2017 đến nay, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền cho mặt hàng xăng còn thấp hơn cả thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc từ 0,69-1,44% dẫn đến nguồn lực của doanh nghiệp bị giảm từ 65-140 đồng/lít (giá cơ sở giảm). Hiệp hội Xăng dầu cho rằng, việc ấn định thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở thuế hiện nay có sự bất cập, phức tạp, dễ gây hiểu lầm là không cần thiết thậm chí là thiếu minh bạch… có thể dẫn đến dư luận không tốt trong xã hội.

Do vậy, hiệp hội đề xuất 3 phương án về thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở. Trong đó, nếu vẫn giữ nguyên thuế hiện nay thì cần áp dụng việc điều tiết đối với xăng dầu sản xuất trong nước tương đương với mức thuế nhập khẩu thấp nhất (khoảng 10%). Trường hợp nếu không giữ nguyên thì hiệp hội đề xuất lấy mức thấp nhất mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế để tính giá cơ sở làm căn cứ điều hành giá bán lẻ trong nước. Trong đó mức áp dụng với mặt hàng xăng là 10% và diezel là 0%. Ngoài ra, hiệp hội này cũng đề xuất rà soát điều chỉnh lại “chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam” vì mức đang áp dụng tính giá cơ sở hiện nay sau 3 năm chưa được điều chỉnh đã thoát ly so với thực tiễn.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, thuế bình quân gia quyền để tính giá cơ sở đối với xăng dầu bị phàn nàn. Mà, ngay tại thời điểm nó ra đời đã gây ra rất nhiều tranh cãi, thậm chí có quan điểm khác nhau giữa liên Bộ Tài chính - Công Thương. Cho đến tận bây giờ, nhiều doanh nghiệp xăng dầu và Hiệp hội Xăng dầu (VINPA) đều không bị thuyết phục bởi “vận dụng” này của Bộ Tài chính.

Chia sẻ với PV Báo Lao Động, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu phía Nam cho hay: “Hiện doanh nghiệp đang nhập khẩu ở mức 10% là thấp nhất nhưng giá cơ sở lại chỉ tính thuế dưới 10% thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khi người tiêu dùng hưởng lợi. Để cân bằng, Bộ Tài chính có thể sẽ phải tính tới phương án cho tăng phụ phí lên để bù cho khoản chênh lệch trong cách tính thuế, kỳ vọng sẽ áp dụng từ đầu năm 2018”.

Chia sẻ với báo chí, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng, mức thiệt hại của mỗi doanh nghiệp có thể khác nhau, phụ thuộc vào nguồn cung của doanh nghiệp đó, thậm chí vẫn có doanh nghiệp hưởng lợi nếu nguồn nhập chính từ thị trường trong nước như Dung Quất. Tuy nhiên, nhìn chung, cách tính này sẽ “làm lợi” cho các “ông lớn”, trong khi doanh nghiệp nhỏ sẽ bị thiệt hại hơn do khó tiếp cận hơn với những thị trường có mức thuế thấp.

Thậm chí, có một số ý kiến cho rằng, với mức thuế bình quân gia quyền là 8,56%, thấp hơn mức thấp nhất nhập khẩu từ Hàn Quốc, có thể dẫn đến nguy cơ đứt nguồn cung. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để kịp thời điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.

LÂM AN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/thue-nhap-khau-xang-dau-lai-bi-che-579950.ldo