Thuế nhập khẩu giảm theo cam kết: Lo cho sản xuất ô tô trong nước

Lượng ô tô nhập khẩu gia tăng sau khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực (1/1/2018) đang trở thành áp lực lớn đối với sản xuất ô tô trong nước. Các cơ quan quản lý đang đứng trước bài toán khuyến khích sản xuất trong nước với cân đối nguồn thu từ ô tô nhập khẩu.

Sản xuất trong nước liệu có hụt hơi khi lượng ô tô nhập khẩu với lợi thế giảm giá đang ngày một gia tăng? Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Hyundai Thành Công. Ảnh: ANH VINH.

Sản xuất trong nước liệu có hụt hơi khi lượng ô tô nhập khẩu với lợi thế giảm giá đang ngày một gia tăng? Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Hyundai Thành Công. Ảnh: ANH VINH.

Xe nhập khẩu tăng do thuế giảm

Hiệp định ATIGA có hiệu lực, thuế nhập khẩu ô tô trong khu vực ASEAN xuống 0%. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động nhập khẩu ô tô vào Việt Nam gần như chững lại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này. Trước tiên, hầu hết doanh nghiệp nhập khẩu chưa đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP ngày 17/10/2017 (NĐ 116), cụ thể là chưa được cấp giấy phép nhập khẩu hoặc chưa có Giấy chứng nhận kiểu loại (VTA). Bản thân các doanh nghiệp cũng thận trọng chưa đặt hàng để dành thời gian nghiên cứu chính sách mới, nhất là quy định về VTA. Trong khi đó thời gian chờ sản xuất từ khi đặt hàng đến khi có hàng mất khoảng 4-5 tháng (chưa kể thời gian vận chuyển về Việt Nam-PV).

Mặt khác một số doanh nghiệp trong nước, trong đó đặc biệt là Hyundai Thành Công (TC Motor) đã chuyển mạnh sang sản xuất trong nước, không nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc.

Song nửa cuối năm 2018, các doanh nghiệp đều đã giải quyết được vướng mắc liên quan đến NĐ 116, lượng ô tô nhập khẩu lập tức gia tăng nhanh chóng, trung bình mỗi tháng đạt 12.570 xe (tăng cao so với trung bình 8.000 xe/tháng của năm 2017).

Không còn vướng mắc về thủ tục, lợi thế thuế giảm khiến lượng xe nhập khẩu tiếp tục gia tăng nhanh chóng trong năm 2019 khi lượng ô tô trung bình hàng tháng luôn đạt trên 11.000 xe, cao điểm có tháng lên tới 14-15.000 xe. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có 75.438 xe ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam, đạt trị giá 1,68 tỷ USD.

Số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng số ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu từ đầu năm đến hết tháng 8/2019 đạt 96.000 chiếc, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 229% về lượng và tăng 205,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Phân tích kỹ hơn sẽ thấy chiếm phần lớn lượng ô tô nhập khẩu là xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi (72,8%, tăng 652 % so với cùng kỳ) và chủ yếu là xe đến từ các nước trong khu vực ASEAN (được hưởng thuế nhập khẩu 0%), trong đó có Thái Lan và Indonesia. Số liệu thống kê cũng cho thấy, hết tháng 7 cả nước nhập 52.526 ô tô nguyên chiếc các loại từ Thái Lan (tổng trị giá 1,046 tỷ USD), chiếm 67,8% lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam (tăng rất nhiều so với 39,4% của năm 2017). Cũng tương tự như vậy, 7 tháng năm 2019, Việt Nam nhập 24.155 ô tô nguyên chiếc các loại từ Indonesia (tổng kim ngạch đạt 342,3 triệu USD), chiếm 21% thị phần ô tô cả nước.

Như vậy sau khi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0% (đầu năm 2018), nhập khẩu ô tô từ khu vực thị trường này tăng mạnh, hiện chiếm đến 88,8% tổng lượng ô tô nhập khẩu trong cả nước.

Đe dọa sản xuất trong nước

Có thể khẳng định thời gian gần đây các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã có sự nỗ lực cao trong việc đầu tư cũng như nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tung ra nhiều sản phẩm mới để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Đánh giá của cơ quan chức năng cho rằng, sản xuất trong nước đã bước đầu khẳng định được vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tuy nhiên ưu thế của xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ không giữ được lâu nếu các doanh nghiệp không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được hưởng ưu đãi về thuế.

Thực tế so với Thái Lan và Indonesia, sản lượng ô tô của Việt Nam đang rất thấp. Thái Lan có sản lượng khoảng 2 triệu xe/năm, Indonesia có sản lượng khoảng 1,3 triệu xe/năm, trong khi đó Việt Nam có sản lượng hơn 200.000 xe/năm. Tỷ lệ nội địa hóa ô tô của Thái Lan từ 9 chỗ ngồi trở xuống từ 60-80%, Indonesia từ 45-70%, trong khi đó của Việt Nam chủ yếu dưới 20%, có một số ít mẫu đạt từ 37-40%.

Điều này dẫn tới chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn đang khá cao, vì vậy dù có nỗ lực, các DN cũng khó cạnh tranh ngang ngửa với xe nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, với tốc độ nhập khẩu như các tháng vừa qua, lượng ô tô nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng mạnh, duy trì ở mức cao trong những năm tới.

Đặc biệt, cơ quan này đã đưa ra một thực tế tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đang thay đổi đáng kể. Nếu như năm 2017, sản lượng xe sản xuất trong nước cao gấp 2,5 lần xe nhập và năm 2018 cao gấp 3,72 lần thì trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ còn cao gấp 1,74 lần so với cùng kỳ.

Tiếp tục “trợ lực” cho sản xuất

Để tiếp tục “trợ lực” cho sản xuất trong nước, Bộ Công Thương vừa đề xuất lên Chính phủ hàng loạt giải pháp, trong đó ngoài giải pháp liên quan đến đơn giản hóa thủ tục, chính sách, còn có giải pháp quan trọng liên quan đến thuế và thu ngân sách.

Điểm đáng chú ý là, Bộ Công Thương kiến nghị không áp dụng thuế TTĐB với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ô tô và điều chỉnh “nâng thuế TTĐB đối với một số dòng xe áp dụng ở mức hợp lý”.

Nếu kiến nghị được thông qua, thời gian tới thuế suất thuế TTĐB với ô tô có thể được nâng lên. Hiện thuế suất thuế TTĐB với ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500cm3 trở xuống là 35%, từ 1.500-2.000cm3 là 40%, từ 2.000-2.500cm3 là 50%, từ 2.500-3.000cm3 là 60% và từ 3.000cm3 trở lên là 90-150%.

Một doanh nghiệp sản xuất ô tô tính toán, với đề xuất tăng các mức thuế TTĐB chung lên cao hơn hiện nay và miễn khoản thuế này cho phần linh kiện mua trong nước, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước mới có khả năng cạnh tranh được với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đề nghị ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô. Cùng với đó là một loạt ưu đãi đối với những dự án sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ có quy mô từ 50 nghìn xe/năm trở lên, có sản phẩm xuất khẩu trong 5 năm, làm chủ công nghệ sản xuất động cơ - hộp số,... được miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp...

Việc thực hiện Hiệp định ATIGA và tới đây Hiệp định Thương mại tự do EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư-IPA (có hiệu lực sau 9-10 năm nữa), ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Nếu không có chính sách khuyến khích phát triển đồng bộ, ô tô trong nước khó cạnh tranh để giữ được thị trường. Tuy nhiên đây cũng được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp khi Chính phủ đã và đang có nhiều giải pháp quyết liệt, cụ thể để hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô trên 500.000 xe/năm vào sau 2020 và đạt 1 triệu xe/năm sau 2025. Thu nhập của người dân tăng cao và giai đoạn ô tô hóa đang tới. Thị trường tiềm năng này rất có thể thuộc về xe nhập khẩu khi hiện Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu ô tô sang Việt Nam nhiều nhất. Nếu không có chính sách khuyến khích phát triển đồng bộ, ô tô trong nước khó cạnh tranh giữ được thị trường.

Nguyễn Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thue-nhap-khau-giam-theo-cam-ket-lo-cho-san-xuat-o-to-trong-nuoc-111405.html