Thuế nhập khẩu đang cản trở doanh nghiệp cơ khí trong nước

Trong khi máy móc nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% thì các linh kiện, thiết bị nhập khẩu để sản xuất các loại máy móc này lại đang chịu thuế 10-15%, khiến doanh nghiệp ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn, khó cạnh tranh hàng nhập khẩu.

Ông Đỗ Phước Tống, đang trao đổi với báo chí -Ảnh: Hùng Lê

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, nêu khó khăn trên của các doanh nghiệp hội viên tại buổi họp báo về Hội chợ Vietnam Expo HCMC 2017 và Triển lãm quốc tế sản phẩm ngũ kim và dụng cụ cầm tay tổ chức ngày 23-11.

Theo ông Tống, để khuyến khích tạo lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực sản xuất máy móc, thiết bị trong nước thì Nhà nước cần đánh thuế hàng nhập khẩu. Thế nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Máy móc nhập khẩu hưởng thuế 0%, trong khi các linh kiện, thiết bị nhập khẩu để lắp ráp cho sản xuất máy móc trong nước lại chịu thuế 10-15%.

Đơn cử như đối với các máy dược phẩm thuế nhập khẩu nguyên chiếc là 0%, nhưng những nguyên vật liệu nhập để lắp ráp làm ra loại máy này như tấm thép không gỉ (thuế 10%) hay tất cả các linh kiện điều khiển tự đồng (thuế nhập khẩu 15%)...

Điều này đã đẩy chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp trong nước tăng cao, ông Tống bức xúc nói, và cho rằng chính sách "ngược" này đang làm cản trở doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, kém cạnh tranh với máy móc cùng loại nhập khẩu.

Ông Tống cho rằng, do chính sách "ngược" này dẫn đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành rất thấp, và rất ít doanh nghiệp tham gia sản xuất. "Điều này cũng lý giải vì sao ngành này cho đến nay không thu hút được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn", người đứng đầu Hội Cơ khí điện TPHCM trăn trở.

Do khó cạnh tranh máy móc, sản phẩm nhập khẩu nên các doanh nghiệp trong ngành không dám đầu tư mới. Trao đổi với phóng viên, ông Tống cho biết hiện nay chỉ những người thực sự tâm huyết với ngành mới chịu bỏ vốn đầu tư cho cơ khí kỹ thuật cao. Khi đầu tư thì phải hướng tới thị trường, khách hàng lớn hơn và cạnh tranh với sản phẩm cơ khí nước ngoài nên rất khó khăn và đầy rủi ro.

Trong khi đó, những doanh nghiệp cơ khí nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thì đã có sẵn khách hàng nên chỉ lo việc sản xuất để cung ứng. Ông dẫn trường hợp các nhà cung cấp của Nhật Bản và Hàn Quốc thường đi theo các tập đoàn có dự án sản xuất sản phẩm ở Việt Nam, nên khó có doanh nghiệp trong nước nào chen chân vào được, nhất là các dự án đầu tư mới của ngành đang được chính sách ưu đãi. Điều này khiến doanh nghiệp trong nước đã yếu còn phải chịu thiệt thòi trước các ưu đãi cho khối doanh nghiệp FDI.

Bị thua ngay trên "sân nhà", ông Tống cho biết các doanh nghiệp trong ngành lâu nay chủ yếu khai thác, tìm thị trường ở nước ngoài. Và đến nay, có một số doanh nghiệp trong nước đã cung cấp các sản phẩm linh phụ kiện chính xác cao cấp cho máy bay dân dụng, tàu điện ngầm, metro... đi nhiều nước.

Hiện số lượng doanh nghiệp cơ khí nhỏ lẻ thì nhiều, nhưng số doanh nghiệp chịu đầu tư lớn cho cơ khí kỹ thuật cao của thành phố chỉ có vài doanh nghiệp.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/265398/thue-nhap-khau-dang-can-tro-doanh-nghiep-co-khi-trong-nuoc.html