Thuế nhà nước và nợ của dân

LTS: Theo dự án Luật sửa đổi bổ sung các luật thuế vừa được Bộ Tài chính công bố, nhiều luật thuế sẽ được đồng loạt sửa đổi, bổ sung ở các mức độ khác nhau. Trong khi với Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất nới rộng bậc chịu thuế, giảm mức thuế đóng bậc cao, với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, đề xuất giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì với Luật Thuế GTGT, bộ này đề xuất tăng thuế suất 10% hiện nay lên 12%. Bên cạnh đa số ý kiến phản đối việc tăng thuế nói chung một khi chưa giảm chi ngân sách hữu hiệu, có luồng ý kiến mang tính học thuật bàn luận về bản chất của thuế GTGT mà Bộ Tài chính lựa chọn để tăng, trong tương quan so sánh với thuế thu nhập. TBKTSG xin giới thiệu một số góc nhìn khác nhau để bạn đọc tham khảo.

Năm tháng đầu năm nay, chi thường xuyên đã lên tới 362.000 tỉ đồng trong tổng chi ngân sách 485.000 tỉ đồng, tương ứng với gần 74,6%. Vì vậy đề xuất tăng thuế GTGT lúc này có vẻ như nằm trong một tổng thể chính sách tài khóa cố gắng “co kéo” cho vừa lỗ hổng ngân sách. Ảnh: THÀNH HOA

Gần đây, các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều về việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản và tăng các loại thuế, từ thuế giá trị gia tăng (GTGT), đến thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sao phải tăng thuế lúc này?

Nếu quan sát diễn tiến của quan điểm chính sách về thuế và quản lý nợ công, diễn biến này không bất ngờ. Bởi vì từ năm 2016, Nghị quyết số 07-NQ/TW đã đề cập đến chuyện “bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế”. Do đó, có thể dự đoán trước sau gì thì các loại thuế mới cũng sẽ được đề xuất, đối tượng chịu thuế sẽ tăng lên và một số loại thuế suất sẽ tăng.

Tuy nhiên, về thời điểm thì diễn biến này có phần bất ngờ với một số người vì tăng thuế dù gì cũng sẽ ảnh hưởng đến túi tiền của người dân, có thể đe dọa ổn định giá cả và làm suy giảm niềm tin tiêu dùng và đầu tư, gián tiếp ảnh hưởng xấu đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Dường như nó đi ngược với mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nới lỏng tín dụng mà Thủ tướng đang đặt ra cho năm 2017.

Sao không quyết liệt hơn trong chuyện giảm chi thường xuyên thay vì quyết liệt tăng thuế? Không nên để tình trạng dân cứ phải có nghĩa vụ đóng thuế để trả nợ công và thu hẹp thâm hụt ngân sách; còn xài tiền thuế nhà nước thế nào thì là chuyện của người khác.

Dù vậy, nếu nhìn sâu xa hơn, việc nới lỏng chính sách tiền tệ và mạnh tay tăng nguồn thu lại có thể là bộ đôi chính sách phải thực thi để giải quyết một vấn đề. Đó là gánh nặng nợ công đang lớn dần, chi trả nợ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong chi ngân sách. Một mặt Nhà nước phải tăng nguồn thu ngân sách thông qua các luật thuế mới và điều chỉnh các luật thuế hiện có để mở rộng nguồn thu và tăng tỷ lệ thu. Mặt khác, để giảm nhẹ áp lực lên tăng trưởng kinh tế, Nhà nước thực hiện chính sách bơm tín dụng ra nền kinh tế. Nói một cách đơn giản, kinh tế có tăng trưởng nhanh hơn lãi suất nợ vay thì Nhà nước mới có thể tăng thu đủ nhanh để đáp ứng trả lãi. Con số GDP tăng trưởng có tốt, thâm hụt ngân sách trong kiểm soát thì bộ mặt an toàn tài chính mới khả quan để mà đi vay nợ tiếp và thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, do những đề xuất điều chỉnh trong thuế thu nhập cá nhân (theo ước tính của Bộ Tài chính thì nhiều cá nhân sẽ giảm số thuế phải nộp) và giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể dự đoán rằng đây cũng là một bước đi của Bộ Tài chính để song song với việc nguồn thu từ các nguồn thuế có thể bị hụt đi hoặc không thể tăng nữa thì phải có nguồn thu khác bù vào.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính thì những bước đi này là nhằm để hệ thống thuế của Việt Nam hoàn thiện hơn, nguồn thu rộng hơn và có một hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp “thông lệ quốc tế”. Tuy nhiên, có thể dễ thấy nguyên nhân sâu xa hơn dường như là ở chỗ sức ép chi ngân sách lớn, trong đó chi thường xuyên và trả nợ là gánh nặng lớn. Theo công bố của Bộ Tài chính, năm tháng đầu năm nay, chi thường xuyên đã lên tới 362.000 tỉ đồng trong tổng chi ngân sách 485.000 tỉ đồng, tương ứng với gần 74,6%. Trong bài viết trên TBKTSG năm 2016, tác giả Vũ Thành Tự Anh đã chỉ ra rằng thu ngân sách đã không còn đáp ứng nổi cho chi thường xuyên và trả nợ (xem bài Không còn dư địa ngân sách, TBKTSG tháng 4-2016).

“Không còn dư địa ngân sách” là cách nói phản ánh chính xác tình trạng hiện tại của Việt Nam. Một mặt Chính phủ muốn kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng mặt khác thì không còn nhiều dư địa về mặt tài khóa để làm điều đó, dẫn đến hỗ trợ bên này thì phải đẩy mạnh thu chỗ khác.

Vì vậy đề xuất tăng thuế GTGT lúc này có vẻ như nằm trong một tổng thể chính sách tài khóa cố gắng “co kéo” cho vừa lỗ hổng ngân sách. Nói cho cùng, Nhà nước đang phải tìm cách “huy động” thêm nguồn thu vào ngân sách (mà bản chất là thu thêm tiền của dân) để trang trải chi phí vận hành lớn của bộ máy (chủ yếu phải chi thường xuyên và trả nợ, thay vì chi đầu tư phát triển).

Đây giống như là lấy thêm tiền của dân để trả nợ công. Một số khoản thất thoát, lãng phí, vay nợ và bảo lãnh nợ do các doanh nghiệp nhà nước do vậy đang được người dân tài trợ để mà trả cho xong. Các khoản gọi là “nợ công” này đã biến thành “nợ của dân”, và người dân đang dần phải trả một cách gián tiếp qua các khoản thuế Nhà nước thu ngày càng tăng trong một hệ thống thuế hướng tới tiếp cận “thông lệ quốc tế”.

Sao không quyết liệt giảm chi thường xuyên?

Nói tới thuế khóa mà nói tới thông lệ quốc tế thì có một câu hỏi cần phải đặt ra: đó là thông lệ quốc tế nào?
Những ai quan sát và làm nghiên cứu về thuế có thể thấy nhiều bài viết và bài nghiên cứu có tính “phát hiện” là rất nhiều nước thu thuế rất khác nhau, nhiều khi kỳ lạ và khó hiểu. Mặt khác, các quan điểm chủ lưu về thuế cũng không hề thống nhất cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn. Chẳng hạn, lập luận đánh thuế tài sản của người giàu để tạo công bằng xã hội hơn đã gây tranh luận mạnh mẽ trong giới tinh hoa đầu ngành kinh tế học nhiều năm nay mà chưa có kết luận cuối cùng. Hay việc đánh thuế trực tiếp lên hàng hóa tiêu thụ (liệu nó có làm tăng lạm phát hay không, có ảnh hưởng tới tăng trưởng hay không?) cũng là một chủ đề tranh luận bao năm nay của giới nghiên cứu và thường xuyên có nhiều kết quả khác nhau. Nói vậy để thấy, không có một quan điểm lý luận về thuế nào là ưu việt, khi nào nên điều chỉnh loại thuế nào thì tốt. Vậy thì về mặt lý luận về thuế, làm gì có cái gọi là “thông lệ quốc tế”?

Còn về thông lệ thực tế, theo số liệu của Ernst and Young tính đến tháng 2-2017, thuế suất GTGT hiện tại của Việt Nam so với nhóm ASEAN-5 (được xem là nhóm nền kinh tế mạnh hơn và phát triển hơn trong khối ASEAN) chỉ thấp hơn Philippines mà thôi. Nếu nói đi theo thông lệ, có lẽ Việt Nam phải giảm thuế GTGT thay vì tăng thuế mới đúng hơn chăng?

Nếu là nói thông lệ thì có một thông lệ khác. Đó là Chính phủ sẽ luôn bị chỉ trích là đánh thuế vào người nghèo khi tăng thuế GTGT. Chẳng hạn ở Anh vào năm 2011, chính phủ tăng thuế GTGT từ 17,5% lên 20% để kiếm cho đủ 13 tỉ bảng Anh bù thâm hụt ngân sách. Đảng Lao động là đảng đối lập lúc đó đã chỉ trích rất mạnh mẽ và có hẳn một nghị trình nhấn mạnh vào quan điểm thuế GTGT sẽ ảnh hưởng xấu nhất tới người nghèo và cho rằng đây là một chính sách thuế sai lầm, thời điểm áp dụng cũng sai nốt (wrong tax at the wrong time) vì nó giáng thêm một cú đánh vào gia đình nghèo trong lúc trợ cấp xã hội bị cắt giảm. Nghị trình này đã buộc Bộ trưởng Tài chính khi đó là George Osborne phải vất vả giải trình nhiều lần về việc vì sao nhắm vào GTGT thay vì tăng thuế thu nhập hay là tăng bảo hiểm xã hội.

Cho đến nay George Osborne đôi khi bào chữa rằng mình đã làm những điều để kinh tế Anh tốt hơn khi ông tiếp nhận nó vào năm 2010. Mặc dù có những bằng chứng rằng tình trạng vay mượn và thâm hụt ngân sách của Chính phủ Anh đã khá hơn sau những nỗ lực tăng thuế và cắt giảm chi tiêu (khi ông nhậm chức, người ta nói tới tình hình ngân sách của Anh là “không còn đồng nào”), mục tiêu khống chế thâm hụt ngân sách của ông vẫn chỉ là một “giấc mơ” (từ mà tờ Telegraph dùng khi nói về di sản của George Osborne đối với tình hình tài khóa của Anh).

Người ta sẽ chỉ nhớ tới ông như người gắn liền với chính sách cắt giảm chi tiêu, trợ cấp xã hội và gọi ông là “bộ trưởng tài chính chuyên thắt lưng buộc bụng” (austerity chancellor) và lấy đi tiền người nghèo khi họ cần chúng nhất. Có lẽ những người đứng đầu Nhà nước hiện nay không hề muốn tên mình được gắn liền với một di sản như vậy. Thế thì hãy cân nhắc kỹ về chuyện tăng thuế.

Di sản của George Osborne cũng có một số gợi ý thú vị cho Việt Nam. Mặc dù hai chính sách quan trọng nhất của ông là tăng thuế (thuế GTGT và thuế thu nhập vốn) và giảm chi tiêu, thành công lớn nhất không đến từ tăng thuế. Osborne từng thừa nhận rằng 77% thành quả giảm thâm hụt ngân sách đến từ cắt chi tiêu và chỉ 23% đến từ tăng thuế.

Từ nhiều năm nay, đã rất nhiều lần các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng cần phải giảm chi thường xuyên thì mới có cơ hội cân bằng được ngân sách của Việt Nam. Bài học của Anh cũng chỉ ra rằng tăng thu sẽ không được bao nhiêu thành quả nếu thất bại trong giảm chi. Thế thì vì sao không quyết liệt hơn trong chuyện giảm chi thường xuyên thay vì quyết liệt tăng thuế? Không nên để tình trạng dân cứ phải có nghĩa vụ đóng thuế để trả nợ công và thu hẹp thâm hụt ngân sách; còn xài tiền thuế nhà nước thế nào thì là chuyện của người khác.

(*) Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Hồ Quốc Tuấn (*)

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/163906/thue-nha-nuoc-va-no-cua-dan.html