Thuế là chính sách quan trọng và hiệu quả nhất

Theo Mục tiêu chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đến năm 2020 thì tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành sẽ giảm xuống còn 39%. Tuy nhiên, đến năm 2015, tỷ lệ này vẫn là 45,3%. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia khuyến cáo thuế là công cụ chính sách quan trọng nhất và hiệu quả nhất.

Những bằng chứng về hiệu quả của chính sách thuế

Mục tiêu quốc gia về PCTHTL được Chính phủ đưa ra đến năm 2020 là: Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) giảm từ 26% còn 18%; tỷ lệ hút thuốc nam từ 47,4% còn 39%; tỷ lệ hút thuốc nữ dưới 1,4%. Thời điểm năm 2020 không còn xa, để đạt được mục tiêu quốc gia này thì chính sách quan trọng, hiệu quả nhất để kiểm soát việc hút thuốc lá chính là tăng thuế đối với thuốc lá.

Mới đây, tại phiên thảo luận về chính sách thuế thuốc lá trong khuôn khổ Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ 11 do ĐH Ngoại thương, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển và Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp phối hợp tổ chức, ông Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường ĐH Thương mại đã đưa ra những bằng chứng về hiệu quả của chính sách thuế thuốc lá đối với việc giảm tỷ lệ hút thuốc tại Việt Nam.

Ông Sơn đánh giá, chính sách thuế thuốc lá đóng góp ít nhất 50% mức giảm về tỷ lệ hút thuốc, phần giảm còn lại do các chính sách kiểm soát thuốc lá khác mang lại. Thống kê cho thấy, năm 2008, sau khi áp dụng mức thuế mới 65% (tăng 10% so với năm 2007), doanh thu từ thuế thuốc lá đã tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2007 mặc dù tiêu dùng trong năm 2008 giảm khoảng 8%. Tuy nhiên, việc tăng thuế chỉ trong 1 năm duy nhất và mức tăng khiêm tốn không có nhiều tác dụng, tiêu dùng lại có xu hướng tăng trở lại.

Năm 2009 tiêu thụ tăng 10% so với năm 2008 và tiếp tục tăng vào các năm sau đó. Năm 2016, sau khi áp dụng mức thuế mới 70% (tăng 5% so với với 65% năm 2015), thu thuế thuốc lá năm 2016 ước tính tăng khoảng 1.250 tỷ đồng so với năm 2015.

Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế thuốc lá theo 2 phương án: Một là tăng thuế với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm lên 80% vào năm 2020 và 85% vào năm 2021; hai là áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp, tức là bên cạnh biểu thuế theo tỷ lệ hiện hành thì bổ sung thêm thuế tuyệt đối ở mức 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 15.000 đồng/điếu xì gà.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với phương án bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc như trên thì vào năm 2020, tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới sẽ giảm được khoảng 1,5% so với tỷ lên hiện tại là 45,3%. Về mặt thu thuế của Nhà nước, ước tính mức tăng thuế như trên sẽ giúp cho nguồn thu từ thuế thuốc lá của tăng thêm 3.900 tỷ đồng mỗi năm.

WHO khuyến cáo, để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, nên áp dụng mức thuế cụ thể từ 2.000 đồng-5.000 đồng/bao. Phương án này sẽ giúp giảm 3%-6% tỷ lệ hút thuốc, đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc và tránh được 300.000-900.000 ca tử vong sớm do thuốc lá. Thu ngân sách Nhà nước từ thuế thuốc lá ước tính tăng thêm 6.300 tỷ đồng/năm (với phương án bổ sung thuế tuyệt đối 2.000 đồng/bao) và 10.700 tỷ đồng/năm (với phương án bổ sung thuế tuyệt đối 5000 đồng/bao)…

Ông Đào Thế Sơn, trường ĐH Thương mại: Thuế tuyệt đối có thể ngăn chặn được nhiều thanh niên hút thuốc hơn. (Ảnh: V.H)

Thuế thuốc lá không tác động tới việc làm

Bàn thêm về những tác động của việc tăng thuế đối với ngành công nghiệp thuốc lá, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, giảng viên trường ĐH Thương mại cho rằng: Ngành công nghiệp thuốc lá chiếm một tỷ lệ nhỏ trong sản lượng của nền kinh tế và có mối liên kết yếu với các ngành công nghiệp khác.

Đánh giá tác động trên toàn bộ nền kinh tế thì thu thuế cao hơn với thuốc lá sẽ tạo thêm việc làm và tác động tích cực đến nền kinh tế do khoản chi tiêu mà những người hút thuốc dùng mua thuốc lá sẽ được chuyển sang mua hàng hóa và dịch vụ khác, thúc đẩy tạo công ăn việc làm mới. Xét riêng trong ngành thuốc lá, thì ngay cả khi thuế thuốc lá không thay đổi thì lao động trong sản xuất thuốc lá vẫn giảm, trong khi sản xuất thuốc lá tăng do cải tiến công nghệ.

Xét trên toàn bộ nền kinh tế, tăng thuế thuốc lá sẽ có tác động tích cực tới một số việc làm ở Việt Nam; hiệu quả của thuế thuốc lá đối với việc làm xét trên toàn bộ nền kinh tế là tích cực, bà Hiền phân tích.

Cả nước hiện có khoảng 600.000 lao động trong ngành thuốc lá (chiếm 0,31-0,35% tổng số lao động toàn quốc), bao gồm cả công nhân, nông dân, người làm thương lại và dịch vụ. Với nông dân trồng thuốc lá, do tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá hiện chiếm đến ½, vì thế ngay cả khi tiêu dùng có giảm thì ngành thuốc lá có thể giảm nguyên liệu nhập và tăng sử dụng nguyên liệu trong nước; hoặc người nông dân có thể chuyển đổi trồng các loại cây khác với thu nhập không kém thuốc lá.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/thue-la-chinh-sach-quan-trong-va-hieu-qua-nhat-117318.html