Thuế 'kỹ thuật số'

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang đề xuất đánh thuế nhằm vào các tập đoàn lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Động thái này được đưa ra giữa bối cảnh nhiều nước EU cho rằng, khung pháp lý hiện nay 'ưu ái' các doanh nghiệp kỹ thuật số hơn các doanh nghiệp truyền thống và khiến các quốc gia mất nguồn thu thuế quan trọng.

Thông tin sau cuộc họp không chính thức của bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo mới đây cho thấy, thỏa thuận thuế mới nhiều khả năng sẽ được thông qua vào cuối năm 2018. Theo Bộ trưởng Tài chính Áo Hartwig Loger, các nước EU muốn sớm kết thúc vấn đề này. Ông cho biết các bộ trưởng đã cùng thống nhất sẽ tiếp tục làm việc tích cực trong những tháng tới với mục tiêu đạt được một quyết định vào cuối năm nay.

Theo quan chức này, luật thuế phải dựa trên đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) và nên áp dụng điều khoản cho phép bảo lưu một sắc thuế cho tới khi đạt thỏa thuận với các “đối tác quốc tế”. Điều này sẽ bảo đảm nền kinh tế kỹ thuật số “đóng góp công bằng” cho số thu từ thuế của các quốc gia EU.

Lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ hàng đầu nước Mỹ trong một cuộc họp tại New York hồi tháng 12-2016. Ảnh: The Washington Post.

Câu chuyện đánh thuế đối với các hãng công nghệ lớn từ lâu đã là chủ đề nóng trên bàn nghị sự của các nước thành viên EU. Điều này xuất phát từ thực tế các ông lớn công nghệ dù có doanh thu cao nhưng thường sử dụng những thủ pháp sắp xếp tài khóa tinh vi, nhằm chuyển lợi nhuận sang các nước đánh thuế thấp trong EU, như Ireland, Hà Lan hay Luxembourg, mặc dù những khoản tiền này thực chất thu được từ hoạt động tại một nước khác. Bởi vậy mới có chuyện, trung bình các công ty kỹ thuật số phải trả 9,5% thuế thu nhập, trong khi các doanh nghiệp truyền thống phải trả đến 23,2%, theo nguồn tin của CNBC.

Lỗ hổng pháp lý này tạo ra một sự thiếu hụt nghiêm trọng trong ngân khố của các nước thành viên. Để “vá” lỗ hổng này, hồi tháng 3 vừa qua, EC-cơ quan hành pháp của EU-đã đề xuất biện pháp thuế mới. Theo đó, một mức thuế là 3% sẽ được áp dụng đối với các tập đoàn kỹ thuật số lớn có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro/năm. Thuế sẽ đánh vào thu nhập từ quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số (ví dụ đối với Facebook), hay vào các loại phí thu được từ người dùng (ví dụ người mua ứng dụng của Apple) và từ việc bán dữ liệu sinh ra từ thông tin do người dùng cung cấp (ví dụ các công ty nghiên cứu thị trường). Tại thời điểm đó, giới chức châu Âu cho biết có khoảng 120 đến 150 “đại gia” internet nằm trong phạm vi chịu ảnh hưởng của đề xuất thuế nói trên, vốn được dự đoán sẽ mang về thêm khoảng 5 tỷ euro nguồn thu từ thuế mỗi năm.

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu đa phần các ông lớn công nghệ bị nhắm đánh thuế không phải là các tập đoàn đến từ Mỹ-đối tác hàng đầu, đồng minh lâu năm của EU. Hubert Fuchs, đại diện của Hội đồng châu Âu tại hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tháng 7 vừa qua, từng nhận định rằng một trong những thách thức lớn nhất là việc đánh thuế nền kinh tế kỹ thuật số hầu như chắc chắn đồng nghĩa với việc đánh thuế các doanh nghiệp Mỹ, vì họ là những “người chơi” chủ chốt trên thế giới. Vì vậy, ông H.Fuchs cho rằng Mỹ sẽ có cảm giác đây là một “đòn tấn công” nhằm vào nền kinh tế kỹ thuật số của nước này.

Thực tế đúng như lời nhận định của ông H.Fuchs, bởi phía Mỹ đã đưa ra lời phản đối kiên quyết đối với những đề xuất đánh thuế nhằm vào các công ty kỹ thuật số, vì các công ty này là những đối tượng đóng góp chủ chốt cho nền kinh tế Mỹ.

Để tránh tình hình căng thẳng, phía EU đã nghĩ ra phương án ban hành một loại thuế doanh thu trước cuối năm nay như một giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên EU bày tỏ quan ngại rằng một loại thuế như vậy có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của nước mình và các đối tác quốc tế có thể đáp trả bằng những biện pháp trả đũa.

Trong khi đó, Pháp và Đức-hai quốc gia đầu tàu của EU vẫn chủ trương theo đuổi một chương trình đánh thuế mới nghiêm khắc hơn đối với các “đại gia” công nghệ nhằm bảo đảm các công ty này phải “đóng thuế công bằng” tại những nước mà họ hoạt động. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông sẽ thắt chặt chính sách đánh thuế đối với các “đại gia” internet của Mỹ, cho rằng chính sách thuế “mập mờ” của các công ty này là bất công đối với các công ty châu Âu và là một phần nguồn gốc của làn sóng bất mãn đối với toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu vẫn đang trong thời kỳ ảm đạm sau khi Tổng thống Mỹ DonalD Trump công bố luật thuế mới về thép và nhôm nhập khẩu, quyết định đánh thuế của EU nhằm vào các “đại gia” công nghệ nếu được thực hiện có thể sẽ tạo ra một đợt sóng gió mới trong mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.

NGỌC THƯ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thue-ky-thuat-so-549426