Thuế công nghệ của Pháp: 'Mũi tên' có nhắm đúng đích?

Pháp vừa thông qua luật đánh thuế thu nhập đối với các 'gã khổng lồ' Internet toàn cầu như Google, Amazon và Facebook.

Thuế công nghệ mới của Pháp có đang nhắm đúng mục tiêu?

Thuế công nghệ mới của Pháp có đang nhắm đúng mục tiêu?

Viết tắt từ tên 4 công ty Google, Apple, Facebook và Amazon, luật "GAFA" sẽ quy phạm mức thuế 3% đối với tổng doanh thu hàng năm của những công ty trên khi cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng Pháp.

Thuế này cũng sẽ được áp dụng cho các công ty tạo ra doanh thu trên toàn thế giới với các dịch vụ kỹ thuật số ít nhất 750 triệu euro (845 triệu USD), trong đó có 25 triệu euro (28 triệu USD) đến từ Pháp.

Theo đó, đây sẽ là một biện pháp tạm thời cho đến khi các quốc gia thành viên EU đạt được thỏa thuận mới trong vẫn đề này. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hiện đang xem xét các bước để hiện đại hóa hệ thống thuế cho nền kinh tế kỹ thuật số. Tuy nhiên, đại diện tổ chức này cho biết họ sẽ không đưa ra kết luận nào cho đến năm 2020.

Thông tin về dự luật được công bố đã mở một mặt trận mới trong tranh cãi thương mại giữa Washington và Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh mở một cuộc điều tra về chính sách thuế và điều này có thể dẫn đến kết quả Washington áp thuế mới hoặt đưa ra những hạn chế thương mại đối với Pháp.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Mỹ sẽ điều tra xem thuế của Pháp có phải là “phân biệt đối xử hoặc là gánh nặng bất hợp lý, hoặc hạn chế thương mại Mỹ” hay không.

Bằng cách chọn đi một mình, Pháp đã tạo tiền đề để các quốc gia trong khối Liên minh châu Âu EU xây dựng cách thức đánh thuế các công ty công nghệ đanh có hoạt động tại châu Âu. Vài giờ sau cuộc bỏ phiếu của Pháp, Vương quốc Anh đã đưa ra đề xuất dự thảo sẽ áp thuế 2% với các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số

Các đề xuất đánh thuế theo từng quốc gia riêng lẻ manh nha sau nỗ lực đưa ra mức thuế chung cho EU thất bại vào năm ngoái do sự phủ quyết của các quốc gia như Ireland và Hà Lan. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại cách tiếp cận đơn phương của Pháp trong việc đánh thuế kỹ thuật số sẽ gây tác dụng ngược và gây hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ hơn là bảo vệ họ.

Phòng Thương mại Mỹ cũng khẳng định trong một tuyên bố rằng kế hoạch này sẽ gây tổn hại cho các doanh nghiệp và công nhân Mỹ.

Không giống như thuế VAT, thuế dịch vụ kỹ thuật số không nhằm vào người tiêu dùng. Thay vào đó, đây là một biện pháp nhắm mục tiêu vào ba loại hoạt động kỹ thuật số bao gồm: Quảng cáo trực tuyến, hoạt động trung gian trực tuyến và bán dữ liệu người dùng.

Nhưng theo nghiên cứu được công bố đầu năm nay bởi Deloitte, chỉ 5% gánh nặng do áp thuế kỹ thuật số sẽ rơi vào các ông lớn công nghệ. Thay vào đó, nghiên cứu này chỉ ra, người tiêu dùng sẽ phải hứng chịu 55% chi phí và 40% còn lại sẽ do các doanh nghiệp sử dụng nền tảng kỹ thuật số chi trả.

Ví dụ, Amazon có thể tăng phần trăm hoa hồng mà các doanh nghiệp phải trả khi sử dụng nền tảng do họ cung cấp, từ đó có thể dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng đề bù đắp. Theo Giles Derrington, Phó giám đốc chính sách của cơ quan công nghệ TechUK cho biết, mức thuế hiện tại rất có thể dẫn đến một số phản ứng tiêu cực, bao gồm tăng chi phí, giảm tỷ lệ đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) cũng như giảm sự cạnh tranh giữa các công ty.

Do đó, chuyên gia này nhận định, các quốc gia trong EU nên tránh đi một mình với hành động đơn phương đe dọa hệ sinh thái công nghệ của chính đất nước họ. Thay vào đó, OECD cần đẩy nhanh nỗ lực để tìm phương án đánh thuế chung một cách phù hợp nhất.

"Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách không nên đánh giá thấp sự đóng góp của các công ty công nghệ lớn cho nền kinh tế thông qua đầu tư, chuyển giao kiến thức và việc làm", ông Giles khẳng định.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thue-cong-nghe-cua-phap-mui-ten-co-nham-dung-dich-153925.html