Thuế cao sẽ kéo giảm tác hại từ thuốc lá

Trường Đại học Ngoại thương (FTU), Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên các nhà kinh tế Việt Nam lần thứ 11 (VEAM 2018).

Toàn cảnh hội thảo.

Tại Hội nghị, các nhà kinh tế hàng đầu trên thế giới và Việt Nam đã tập trung bàn thảo hai phiên về thuế thuốc lá gồm: Kinh tế (chính sách thuế) trong kiểm soát thuốc lá; Kiểm soát thuốc lá và buôn lậu.

Theo Giáo sư Hana Ross (Đại học Cape Town), biểu đồ cho thấy mối liên quan lớn giữa tham nhũng và buôn lậu, ở những nước có độ minh bạch yếu thì buôn lậu lại cao. Dữ liệu về quy mô thuốc lá lậu thường rất khác nhau.
Đơn cử, ở Nam Phi từ 1997 - 2010, ở cùng một giai đoạn và cùng nguồn thông tin từ các báo cáo của Euro Monitor thì cho ra ước tính đưa ra về tỷ lệ buôn lậu rất khác nhau. Tương tự như vậy ở Kenya, các ước tính về quy mô buôn lậu có sự khác biệt rất lớn. Về đo lường phạm vi, quy mô của buôn bán thuốc lá lậu, hiện có khoảng 11 phương pháp khác nhau. “Phương pháp xem xét các đặc điểm, đặc trưng của vỏ bao thuốc. Dựa vào hình thức vỏ bao có thể biết được bao thuốc đó là hợp pháp hay phi pháp. Phương pháp có thể là thu thập từ người hút, hay thu lượm vỏ bao thuốc đã bỏ đi trên đường phố. Sau đó dựa vào mã vạch để phân loại thuốc lá hợp pháp hay bất hợp pháp.
Còn tại Việt Nam, trước năm 1990 buôn lậu thuốc lá vào khoảng 12 - 17 tỷ đồng/năm. Vào năm 1990, một cuộc triệt phá thuốc lá lậu mạnh đã dẫn đến triệt tiêu thuốc lá lậu trên thị trường trong khoảng 18 tháng. Nhưng sau đó việc kiểm soát bị nới lỏng vào năm 1995 ước tính sản lượng thuốc lá lậu là khoảng 7 tỷ đồng.
Bàn về vấn đề này, ông Đào Thế Sơn (Đại học Thương mại) cho rằng, tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam là 15,6 triệu người hút thuốc (trong số 15 quốc gia hàng đầu), 43% nam giới, 1,1% nữ giới, 22,5% người trưởng thành hút thuốc (GATS 2015). Hút thuốc lá thụ động hơn 30 triệu người (bao gồm cả trẻ em) tiếp xúc với hút thuốc lá thụ động tại nhà, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng, trường học (GATS 2015). Hút thuốc là là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong sớm với 40.000 người chết mỗi năm, 31.000 tỷ đồng/năm cho chi tiêu, 24.000 tỷ đồng/năm cho chi phí y tế, chưa tính đến tác động đến môi trường…
Do đó, ông Sơn cho rằng, áp thuế cao với mặt hàng này là chính sách quan trọng và hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ hút thuốc lá để thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (Quyết định 229/QĐ-TTg do Thủ tướng ký năm 2013) kéo tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (15 - 24): giảm từ 26% năm 2012 xuống còn 18% vào năm 2020; Tỷ lệ hút thuốc nam: 47,4% (2011) xuống 39% vào năm 2020; Tỷ lệ hút thuốc nữ: dưới 1,4% vào năm 2020.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thue-cao-se-keo-giam-tac-hai-tu-thuoc-la-318509.html