Thực trạng xử lý chất thải gyps của các nhà máy hóa chất phân bón

Các vấn đề xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón; vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực VLXD; các cơ chế chính sách của Chính phủ đối với doanh nghiệp xử lý chất thải đang được Báo điện tử Xây dựng tổ chức giải đáp tại buổi Đối thoại trực tuyến: Thực trạng xử lý chất thải gyps của các nhà máy hóa chất phân bón.

Thực trạng: Ngày 7/9/2018 vừa qua, hàng nghìn m³ nước thải, chất thải gyps từ nhà máy hóa chất phân bón của Cty CP DAP số 2 thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem, tràn vào hàng chục hộ dân tại thị trấn Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, tại tỉnh Lào Cai) làm hư hỏng đồ đạc và ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân, các tuyến đường liên thôn, liên xã cũng như môi trường sống xung quanh và các vùng lân cận. Đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố vỡ đập chứa chất thải của các nhà máy hóa chất phân bón.

Cũng theo Quyết định 1696 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/09/2014 về một số giải pháp xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất VLXD; giao Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, tổ chức giám sát, kiểm tra việc xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón; Đồng thời, bổ sung quy định, thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón phải hoàn chỉnh đến khâu xử lý và có phương án thu hồi tro, xỉ, thạch cao.

Hiện nay, đã có một vài đơn vị thành công trong xử lý chất thải gyps của một nhà máy hóa chất phân bón khác là Cty CP DAP số 1 cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam – Vinachem, tại KCN Đình Vũ, TP Hải Phòng, thành thạch cao nhân tạo, có khả năng thay thế thạch cao tự nhiên, làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất VLXD như xi măng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang hoạt động cầm chừng, hoặc chậm triển khai dự án do đầu ra tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.

Như vậy, cần phải khẳng định rằng, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng xử lý được chất thải gyps của các nhà máy hóa chất phân bón.

Ban biên tập Báo Xây dựng tặng hoa các khách mời đối thoại

Nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin mới nhất và có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, hôm nay, Báo điện tử Xây dựng đã mời đến trường quay ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng); ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) và ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thạch cao Đình Vũ – đơn vị đã đạt được thành công trong xử lý chất thải gyps của Nhà máy DAP số 1 tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương)

PV: Qua sự việc xảy ra đối với Nhà máy DAP số 2 của Vinachem tại Lào Cai, một lần nữa khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc kiểm soát, kiểm tra, giám sát của doanh nghiệp cũng như của các cơ quan quản lý nhà nước đối với các đơn vị sản xuất với ngành nghề có khả năng, nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường. Xin ông cho biết, Bộ Công thương đã có giải pháp gì đối với trường hợp của nhà máy này? Giải pháp ngắn hạn, giải pháp dài hạn ở đây là gì?

Ông Nguyễn Văn Thanh: Về trách nhiệm đối với việc sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn môi trường, chúng tôi cho rằng: Bộ Công Thương là Bộ quản lý ngành đóng vai trò rất quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành các đơn vị sản xuất hoạt động tuân thủ quy định và đảm bảo hiệu quả, an toàn môi trường.

Hằng năm, chúng tôi xây dựng các chương trình kiểm tra thường xuyên, kiểm tra độc lập hoặc kiểm tra phối hợp với các cơ quan địa phương.

Đối với Nhà máy DAP 2, chúng tôi có xây dựng chương trình kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an… kiểm tra hệ thống quản lý chất thải. Về lâu dài, phải có khuôn khổ pháp lý khả thi để các doanh nghiệp thực hiện. Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm của doanh nghiệp, nếu không thực thi cần có biện pháp xử lý và Nhà máy DAP2 đã bị xử phạt trong 2018. Mấu chốt trong các giải pháp là khâu hướng dẫn phải minh bạch hóa hoạt động quản lý.

Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng)

PV: Xin ông cho biết, vai trò của Bộ Xây dựng đối với vấn đề xử lý chất thải của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón là gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng)

Ông Phạm Văn Bắc: Hiện Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Thông tư “Hướng dẫn sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng”. Theo kế hoạch, sẽ ban hành vào tháng 12/2018.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đã hoàn thành đến tháng 6/2018: Về tiêu chuẩn, hướng dẫn và chỉ dẫn kỹ thuật: Hiện đã có 14 tiêu chuẩn và 01 chỉ dẫn kỹ thuật được ban hành. Các tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử cho việc sử dụng tro, xỉ làm phụ gia cho xi măng, bê tông, vữa, gia cố đất nền.

Về quy chuẩn kỹ thuật: Hiện đã sửa đổi ban hành quy chuẩn QCVN 16:2017/BXD - Quy chuẩn quốc gia về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Trong đó có các yêu cầu kỹ thuật đối với tro, xỉ, thạch cao dùng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

Các tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật đang xây dựng và đang lấy ý kiến của người dân, các địa phương chịu ảnh hưởng của Thông tư nhưng chưa được công bố: Về tiêu chuẩn (7 nhiệm vụ); về biên soạn hướng dẫn và chỉ dẫn kỹ thuật (12 nhiệm vụ); về biên soạn các định mức kinh tế kỹ thuật (4 nhiệm vụ).

Ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT Cty CP Thạch cao Đình Vũ

PV: Nhà máy xử lý chất thải gyps của Thạch cao Đình Vũ đã cho ra đời những sẩn phẩm thạch cao nhân tạo đầu tiên từ khi nào, thưa ông?

Ông Kiều Văn Mát: Từ năm 2017, Thạch cao Đình Vũ đã đầu tư xong Dự án Nhà máy sản xuất Thạch cao với công suất thiết kế là 600.000 tấn thạch cao dạng viên/năm.

Năm 2014, Thạch cao Đình Vũ đã thí nghiệm sản xuất tại nhà máy xi măng. Đến năm 2017, đã sản xuất tấn sản phẩm thạch cao nhân tạo (thạch cao photpho) đầu tiên đạt tiêu chuẩn Việt Nam số: TCVN 11833:2017 – Thạch cao photpho dùng để sản xuất xi măng.

Hiện nay sản phẩm thạch cao nhân tạo (thạch cao photpho) đã và đang được các nhà máy xi măng sử dụng vào làm phụ gia trong sản xuất xi măng và phối liệu nung clinke gồm: Xi măng Nghi Sơn; Xi măng Sông Thao; Xi măng Cẩm Phả; Xi măng Thăng Long; Xi măng Bút Sơn; Xi măng Long Sơn; Xi măng Bắc Giang; Xi măng Hạ Long; Xi măng Tân Quang, Xi măng Trung Hải; Tập đoàn xi măng The VISSAI (VISSAI Sông Lam; VISSAI Ninh Bình; VISSAI Hà Nam).

PV: Xin được trở lại với ông Nguyễn Văn Thanh

Đã có một số doanh nghiệp thực hiện xử lý chất thải gyps của Nhà máy DAP số 1 tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng. Tuy nhiên, trong khi vẫn còn khối lượng rất lớn chất thải gyps đang nằm ở các bể chứa chất thải, thì các doanh nghiệp này lại hoạt động cầm chừng, hoặc chậm triển khai dự án. Ông có thể cho biết, Bộ Công thương có phương án gì để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý chất thải, hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ trực tiếp, hỗ trợ gián tiếp ở đây là gì để doanh nghiệp tiếp tục có động lực đồng hành cùng ngành Công thương xử lý chất thải của các nhà máy hóa chất phân bón?

Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương)

Ông Nguyễn Văn Thanh: Tôi xin nói về đặc điểm các nhà máy sản xuất DAP, sản xuất quặng gắn liền với lượng chất thải rất lớn, về cơ bản cho đến thời điểm này bán thải gyps chưa có biện pháp sử dụng lâu dài. Tại thời điểm phê duyệt dự án, khu vực TP Hải Phòng còn hoang vu chưa có đường vào nên việc phê duyệt một bãi thải gyps tạm thời tại khuôn viên nhà máy là hết sức cần thiết.

Về xử lý bãi thải gyps này như ông Mát đã phát biểu, cho đến thời điểm này chúng ta đã có công nghệ sau một thời gian nghiên cứu của rất nhiều cơ quan, nhà khoa học. Vì vậy, chúng ta có thể tự tin về mặt kỹ thuật. Về giá thành, Cty đang tìm phương án giảm giá thành xuống mức thấp nhất để có thể cạnh tranh trên thị trường.

Thạch cao của Cty Đình Vũ đã được hơn 15 nhà máy sử dụng, như vậy có thể thấy được chất lượng của xi măng và không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên nếu chúng ta chỉ sử dụng cho xi măng thì mất rất lâu để xử lý hết bãi thải gyps. Cty đang nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn để sử dụng cho vật liệu xây dựng khác. Đồng thời cuối năm nay, Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến sử dụng sẽ được ban hành. Đấy là những hỗ trợ của Nhà nước để giảm thiểu những bãi thải gyps.

Bộ Công thương đã giao cho Cục Hóa chất xây dựng phương án, xin ý kiến các đơn vị của các Bộ, ngành liên quan để có những chính sách nhất định hỗ trợ đẩy nhanh việc xử lý bán thải gyps thành phụ phẩn, sản phẩm có giá trị. Thuế nhập khẩu đối với thạch cao cần được cân nhắc. Nếu chúng ta xem bán thải gyps cần được xử lý thì phải có phương hướng hạn chế nhập khẩu chất, tăng lượng thạch cao nhân tạo từ bán thải gyps trong nước.

Điều đó vừa giải quyết vấn đề môi trường vừa tạo công ăn việc làm. Đặc điểm của bán thái gyps là nặng, khó vận chuyển, tốn kém nên chúng ta cần có cơ chế tốt của Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể vận chuyển bán thải gyps từ Hải Phòng và Lào Cai đến các khu vực trong nước.

Nếu chúng ta quyết liệt để thực hiện thì mới có thể đẩy nhanh được lượng tồn trữ bán thải gyps ở trong các nhà máy.

PV: Xin được hỏi ông Phạm Văn Bắc. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Bộ Xây dựng trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực VLXD, ông đánh giá thế nào về chất lượng sản phẩm thạch cao nhân tạo của Thạch cao Đình Vũ?

Ông Phạm Văn Bắc: Theo thông tin và số liệu chúng tôi nắm được, trong quá trình theo dõi việc xử lý bán thải gyps, thì hiện nay nếu như sử dụng để làm thí nghiệm thì cũng có rất nhiều đơn vị, tuy nhiên, chỉ có 2 Cty thành công trong việc làm thí nghiệm đó là Cty Đình Vũ và Cty Ngọc Linh.

Việc nghiên cứu này tại Cty Đình Vũ đã có từ rất lâu, đưa vào sản xuất thử nghiệm năm 2014 đến năm 2017 đã sản xuất bán thương mại. Sản xuất theo dây chuyền công nghệ đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy theo quy định Việt Nam. Vì vậy, sản phẩm đó được phép lưu hành trên thị trường. Cty Ngọc Linh đã nghiên cứu trong mô hình thí nghiệm thành công và hiện nay đang làm thủ tục đầu tư để chuyển từ thí nghiệm thành sản phẩm hàng hóa.

PV: Thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước đã làm gì để giúp các doanh nghiệp xử lý chất thải tiêu thụ sản phẩm thạch cao nhân tạo?

Ông Phạm Văn Bắc: Trong thời gian vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như Bộ Xây dựng đã hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn để các doanh nghiệp xử lý chất thải đảm bảo theo quy định. Khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành thì sẽ đủ điều kiện để làm nguyên liệu sản xuất VLXD. Nếu như thạch cao nhân tạo đảm bảo tiêu chuẩn thì sẽ đủ điều kiện làm phụ gia cho sản xuất xi măng. Với lượng phụ gia để sản xuất xi măng có thể thay thế 5% sản phẩm nhập ngoại thì sản lượng thạch cao nhân tạo hàng năm tăng lên một số lượng rất lớn bởi hiện nay công suất sản xuất xi măng của Việt Nam là 82 - 84 triệu tấn/năm.

Tiếp tục cập nhật…

Báo điện tử Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/truc-tuyen-thuc-trang-xu-ly-chat-thai-gyps-cua-cac-nha-may-hoa-chat-phan-bon.html