Thực trạng và tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

Ngày 15-3-2018, tại thành phố Cần Thơ, Tạp chí Cộng sản phối hợp Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo khoa học 'Thực trạng và tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam thời kỳ đổi mới'. TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, dự và chỉ đạo hội thảo.

PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Điện tử - Tạp chí Cộng sản, Chủ nhiệm đề tài và PGS, TS. Phước Minh Hiệp, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Miền Nam - Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội thảo. Tham dự còn có hơn 30 đại biểu đại diện lãnh đạo Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ, Học viện Chính trị khu vực 4, Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ và một số viện, trường ở các tỉnh, thành phố phía Nam.

Hội thảo nằm trong chương trình triển khai thực hiện Đề tài khoa học “An ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp”, mã số CTDT 12.17/16-20, do Tạp chí Cộng sản chủ trì, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, mã số CTDT/16-20, do Ủy ban Dân tộc quản lý.

TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, phát biểu chỉ đạo hội thảo

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, TS. Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Mục tiêu nghiên cứu đề tài “An ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp” nhằm làm rõ thực trạng, xu hướng vận động, tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay; nhận diện những vấn đề đặt ra từ những thách thức an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số; đề xuất phương hướng, giải pháp ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số nước ta thời gian qua. Với việc tổ chức hội thảo tại Cần Thơ, nhóm nghiên cứu muốn đặt trọng tâm trao đổi về các vấn đề an ninh phi truyền thống từ thực tiễn tại các tỉnh Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Những vấn đề được Ban Tổ chức đặt ra tại hội thảo là những vấn đề rất căn bản, vừa mang tính lý luận, vừa mang tính thực tiễn sâu sắc lại vừa gắn liền với một vùng đất rộng lớn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc và đang phát triển năng động, mạnh mẽ.

Đọc báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Điện tử - Tạp chí Cộng sản, Chủ nhiệm đề tài, nhấn mạnh: An ninh phi truyền thống là những vấn đề rộng lớn, toàn diện và tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước cả tích cực và tiêu cực. Vì vây, mục tiêu của hội thảo nhằm làm rõ thực trạng, đánh giá tác động tích cực và tiêu cực của các yếu tố an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay; nguyên nhân của những tác động tích cực và tiêu cực; đồng thời, chỉ rõ những vấn đề đang đặt ra.

Thay mặt Ban Tổ chức, PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu đề nghị các vị đại biểu, các nhà khoa học tập trung làm rõ 20 chủ đề chính. Đó là: Thực trạng an ninh con người được bộc lộ qua tình trạng đói nghèo, suy dinh dưỡng, bạo lực gia đình và xã hội, an toàn tính mạng, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bảo đảm qua an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, bình đẳng giới. Thực trạng an ninh kinh tế thể hiện qua an ninh lương thực, phân hóa giàu nghèo, bóc lột, việc làm, thu nhập, tiếp cận thị trường, các kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế. Các vấn đề thông tin, truyền thông, an ninh truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xung đột tôn giáo - tín ngưỡng, mâu thuẫn tôn giáo; tình trạng chia rẽ dân tộc, ly khai, khủng bố; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; vấn đề “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ vùng dân tộc. Vấn đề phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội, bất bình đẳng xã hội giữa các cộng đồng dân tộc. Thực trạng y tế, giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay và những vấn đề đặt ra. Vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập văn hóa quốc tế; tệ nạn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số; trật tự, an toàn xã hội. Vấn đề biến đổi khí hậu; suy kiệt tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường sinh thái. Vấn đề tranh chấp đất đai, định canh, định cư, di cư tự do; việc quản lý, phân bổ, sử dụng và thụ hưởng các nguồn lực phát triển, các nguồn năng lượng. Vấn đề bản sắc tộc người, biến đổi cơ cấu tộc người, hôn nhân cận huyết, tảo hôn, hôn nhân xuyên biên giới; chia rẽ dân tộc, xung đột sắc tộc, mâu thuẫn sắc tộc.Vấn đề đoàn kết xã hội, hội nhập xã hội và bình đẳng dân tộc…

PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Điện tử - Tạp chí Cộng sản, Chủ nhiệm đề tài báo cáo đề dẫn Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS. Bùi Văn Trịnh - Trường Đại học Cần Thơ đã trình bày một số khái niệm và những đặc trưng của an ninh phi truyền thống; chuyển hóa từ an ninh phi truyền thống sang an ninh truyền thống, các yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng của an ninh phi truyền thống đến sự tồn vong của nhân loại. Trên cơ sở đó, PGS, TS. Bùi Văn Trịnh đề xuất một số giải pháp để chủ động ngăn ngừa tác hại của an ninh phi truyền thống. Một là, nâng cao nhận thức về các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đối với an ninh con người, an ninh cộng đồng, an ninh quốc gia và an ninh nhân loại. Hai là, chủ động, tích cực phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong quản trị và kiểm soát các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế về phòng ngừa, kiểm soát và ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Năm là, đầu tư nguồn lực tài chính cho hoạt động phòng ngừa, kiểm soát, ứng phó các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Trình bày tham luận: “Một số vấn đề an ninh phi truyền thống cần quan tâm trong quá trình thực hiện chính sách đối ngoại đối với phật giáo Nam Tông Khmer và đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Kiên Giang”, ThS. Hoàng Văn Khải, Học viện Chính trị khu vực 4, cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chính sách đối ngoại đối với đồng bào dân tộc Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng vẫn còn tồn tại những vấn đề an ninh phi truyền thống khá phức tạp. Để giải quyết những tồn tại này, cần chú trọng tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường giáo dục ý thức dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đối với đồng bào dân tộc Khmer, chư tăng, phật tử Nam tông Khmer; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào Khmer, chư tăng, phật tử theo Phật giáo Nam tông Khmer; đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt là với Cam-pu-chia trong việc giải quyết các vấn đề dân tộc, tôn giáo;…

Đề cập đến những nguy cơ do an ninh phi truyền thống gây ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nước ta hiện nay, TS. Trần Thanh Toàn - Đại học Công nghệ Sài Gòn cho rằng những nguy cơ này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động tổng hợp trên các lĩnh vực của đời sống; trong đó, quốc phòng - an ninh là lĩnh vực trọng yếu, chịu sự tác động lớn. Trong giai đoạn hiện nay, đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống vừa là yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc, vừa là điều kiện quan trọng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vừa bảo vệ chế độ, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Đề cập đến vấn đề an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, PGS, TS. Đào Ngọc Cảnh, Trường Đại học Cần Thơ đề nghị, phải quan tâm chăm lo, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất - tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là mức sống của người dân tộc Khmer còn quá thấp; trong tình hình biến đổi khí hậu, vùng đồng bào Khmer dễ bị tổn thương, làm gia tăng các tác động tiêu cực từ các yếu tố an ninh phi truyền thống. Vì thế, Đảng và Nhà nước cần quan tâm sâu hơn vàcó những giáp pháp đặc thù, hiệu quả hơn đối với đồng bào dân tộc Khmer.

PGS, TS. Đào Ngọc Cảnh, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo

Theo TS. Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, vấn đề đáng quan tâm ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ những năm gần đây là tình trạng chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn, bất bình đẳng trong thu nhập và các cơ hội phát triển đang có xu hướng tăng, dẫn đến những bất ổn về an ninh. Bên cạnh đó, tình trạng di dân - trong đó có nhiều người là dân tộc thiểu số - do thất bại về kinh tế, sự thay đổi về cấu trúc đô thị ở nông thôn, thay đổi về văn hóa,… đang gia tăng. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, đô thị hóa của nhiều địa phương.

TS. Huỳnh Văn Tùng, Viện Kinh tế - Xã hội thành phố Cần Thơ đề nghị: Cần có những khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo những yếu tố tác động của an ninh phi truyền thống đến vùng dân tộc thiểu số theo từng vùng miền, từng địa phương. Trên cơ sở đó mới có thể thực hiện tốt việc xây dựng chính sách tác động có tính đặc thù, thực hiện tốt công tác tuyên truyền và tăng cường giáo dục phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số.Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tác để thực hiện các chương trình hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

TS. Đinh Kiệm, Trường Đại học Lao động - Xã hội, đề xuất một số giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của các yếu tố an ninh phi truyền thống: Nâng cao nhận thức trong đồng bào dân tộc thiểu số về mối đe dọa của các yếu tố an ninh phi truyền thống; tạo việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế thông qua các tài nguyên bản địa, đảm bảo an sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trả lời câu hỏi: Vùng dân tộc thiểu số làm gì trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đối phó với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống, ThS. Phùng Ngọc Bảo, Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh: Giải pháp hàng đầu là phải phát huy vai trò của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số trong việc quán triệt quan điểm của Đảng về “đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nghiên cứu và triển khai, nhập khẩu công nghệ mới”.

Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Linh Khiếu, Chủ nhiệm đề tài, cảm ơn các đại biểu đã nhiệt tình đóng góp 22 tham luận và 11 ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội thảo. Các tham luận, ý kiến đã trình bày nhiều vấn đề rất có ý nghĩa và giá trị về tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận liên quan đến vấn đề an ninh phi truyền thống vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, giúp nhóm nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện thành công đề tài trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Huy Vũ

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/thong-tin-ly-luan/2018/49861/thuc-trang-va-tac-dong-cua-cac-yeu-to-an-ninh-phi.aspx