Thực trạng và định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam

Công tác giáo dục nghề nghiệp đã được Nhà nước quan tâm phát triển và đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên, phát triển giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Bài viết phân tích thực trạng giáo dục nghề nghiệp hiện nay và đề xuất một số giải pháp định hướng phát triển trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực trạng giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp (GDNN), năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật GDNN với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá như: hợp nhất các trình độ đào tạo; đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở GDNN, cũng như bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa GDNN, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và xã hội.

Cơ chế, chính sách về dạy nghề đã tạo cơ hội để người có nhu cầu học nghề đều được tham gia, đồng thời hình thành và phát triển đội ngũ người dạy nghề cả ở trong các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, làng nghề... Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dạy nghề, đầu tư phát triển các trường nghề chất lượng cao, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dạy nghề được mở rộng, các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế đang được quan tâm đầu tư.

Các nguồn lực đầu tư cho GDNN đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng xã hội hóa. Mạng lưới cơ sở dạy nghề được mở rộng, phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng miền. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến quý II/2019, cả nước có 1.940 cơ sở GDNN (bằng 1,576 lần so với năm 2010), trong đó: có 397 trường cao đẳng; 512 trường Trung cấp và 1031 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (1263 công lập, 670 tư thục và 7 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài).

Đội ngũ cán bộ giảng viên tăng nhanh về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ từng bước được nâng lên. Đội ngũ cán bộ quản lý các cơ sở GDNN tăng nhanh về số lượng và từng bước đạt chuẩn. Chất lượng và số lượng đào tạo nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng tuyển sinh tăng đều qua các năm; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp dạy nghề có việc làm tăng lên. Đào tạo nghề từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và cầu việc làm của thị trường lao động.

Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, quy mô tuyển sinh đào tạo chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường; công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông còn bất cập; cơ cấu ngành, nghề đào tạo còn bất hợp lý, nhất là các ngành, nghề kinh tế mũi nhọn; chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa cao, chưa gắn và đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các ngành, địa phương và đơn vị sử dụng lao động.

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.

Định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển GDNN trong bối cảnh mới, cụ thể:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin và truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN.

Hai là, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù. Khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của doanh nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài.

Ba là, tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo; hình thành cơ sở dữ liệu về cung cầu thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN.

Bốn là, đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội. Chuyển đổi hoạt động của các cơ sở GDNN công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp. Đối với các cơ sở GDNN đang hoạt động có hiệu quả, có khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì tiếp tục triển khai thực hiện đào tạo theo quy định hiện hành sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021 - 2030.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và phù hợp với yêu cầu thực tiễn; xây dựng chương trình mục tiêu, đề án, dự án đổi mới GDNN, gắn với đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thúc đẩy xã hội hóa GDNN, xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh hình thức vừa làm, vừa học của người lao động trong các doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương (2019), Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

2. Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Báo cáo đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020;

3. Lê Quân, Thực trạng và định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, https://gdnn.edu.vn/giao-duc-nghe-nghiep/thuc-trangva-dinh-huong-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-viet-nam-trong-thoigian-toi-192.html.

Hoàng Hùng Mạnh

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 10/2020

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/thuc-trang-va-dinh-huong-phat-trien-giao-duc-nghe-nghiep-o-viet-nam-330940.html