Thực trạng tàu cá gặp nạn trên biển: Nhiều vấn đề cần giải quyết

Hiện tại 28 tỉnh, thành phố ven biển, có trên 126.200 tàu cá, trong đó có nhiều tàu, thuyền đánh bắt xa bờ, với trên 6 triệu ngư dân hành nghề khai thác hải sản. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 1-2007 đến tháng 9-2012, cả nước đã xảy ra 5.709 vụ phương tiện nghề cá gặp tai nạn và thiên tai trên biển. Những con số trên không chỉ cho thấy những thiệt hại trực tiếp về người và tài sản, mà hệ lụy của nó là sự 'thấp thỏm', không yên tâm của ngư dân, khi mà đời sống của họ gắn liền với biển.

Niềm vui của ngư dân sau một chuyến đi biển trở về an toàn.

Nhiều thách thức

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân của các trường hợp tàu cá gặp nạn trên biển, Đại tá Lê Bá Tơ, Trưởng phòng Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP cho biết: Trước mỗi đợt bão, sóng cồn là thời điểm cá nổi nhiều nhất, nên mặc dù đã nhận được thông tin về vị trí, hướng di chuyển của bão nhưng một bộ phận không nhỏ ngư dân vẫn cố bám biển những mong kiếm được mẻ cá “hời” để bù đắp vào những khoản chi phí vốn không nhỏ đầu tư cho chuyến đi biển.

Bên cạnh đó, do khả năng kinh tế có hạn nên phần lớn tàu đánh cá của ngư dân có công suất máy nhỏ, vỏ tàu hầu hết đóng theo kinh nghiệm dân gian, thiếu trang thiết bị đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển, không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm nhưng vẫn vươn khơi xa. Chính vì vậy, khi gặp sự cố trên biển, do chạy với tốc độ lớn nên rất dễ xảy ra tai nạn. “Một yếu tố nữa, nhiều thuyền trưởng, máy trưởng thuộc các phương tiện khai thác hải sản chưa qua các lớp đào tạo chuyên môn mà chủ yếu điều khiển tàu, vận hành máy theo kinh nghiệm và tự học lẫn nhau cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc...”.

Cũng theo Đại tá Lê Bá Tơ, nâng cao ý thức của ngư dân về sự an toàn trước mỗi chuyến ra khơi luôn là công việc mang nhiều thách thức, bởi nó gắn liền với khả năng kinh tế của mỗi người dân vùng biển. Tuy nhiên, gánh nặng này không thể đổ dồn lên vai người dân mà cần có những chính sách hỗ trợ đồng bộ và cụ thể từ phía các cơ quan, ban, ngành chức năng.

Nỗ lực của BĐBP

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn trên biển, đặt ra những vấn đề cấp thiết cần giải quyết, trong đó, công tác cứu hộ, cứu nạn được xem là “mắt xích” rất quan trọng. Bên cạnh nhiệm vụ chính là quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, lực lượng BĐBP luôn xác định công tác cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Trong đó, đảm bảo thông tin thông suốt giữa biển và bờ được Bộ Tư lệnh BĐBP coi là yếu tố tiên quyết để ứng phó kịp thời với các tai nạn xảy ra trên biển.

Theo Đại tá Lê Bá Tơ, cùng với việc thực hiện dự án “Đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống thông tin vô tuyến điện của BĐBP tại các tỉnh, thành phố ven biển”, đến nay, các đơn vị tuyến biển đã xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của 85 đài trực canh bằng máy vô tuyến điện (trong đó có 3 trung tâm thông tin đặt tại Bộ Tư lệnh, khu vực miền Trung (Đà Nẵng) và khu vực miền Nam (TP Hồ Chí Minh). Qua hệ thống các đài trực canh này, Trung tâm thông tin tại Bộ Tư lệnh BĐBP đã nhận được 1.668 vụ đề nghị được cứu hộ cứu nạn, cũng như thông tin báo nạn trực tiếp của gia đình chủ tàu, các thuyền trưởng và ngư dân hoạt động trên biển.

Trong số đó, có 955 vụ/ 924 phương tiện/ 6.315 người được lực lượng BĐBP trực tiếp sử dụng lực lượng, phương tiện của đơn vị cứu hộ, cứu nạn. “Để đảm bảo thông tin hai chiều được thông suốt, ngoài việc thông báo với ngư dân tần số liên lạc của hệ thống đài canh của BĐBP, việc đăng ký tần số máy thông tin của ngư dân trong địa bàn quản lý thường xuyên được các đơn vị chức năng rà soát và bổ sung, đặc biệt là những phương tiện đánh bắt xa bờ.

Ngoài ra, lực lượng BĐBP còn tổ chức gắn bảng hướng dẫn thông tin tìm kiếm cứu nạn trong ca - bin các tàu đánh bắt xa bờ, trong đó, ghi rõ tần số cứu nạn khẩn cấp, sóng ngày, sóng đêm và phương pháp gọi đơn giản, dễ nhớ để ngư dân kịp thời gọi báo tình hình xảy ra trên biển cho BĐBP. Đến nay, phần lớn các phương tiện nghề cá đã được trang bị hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu và bờ với các thiết bị hiện đại như máy Icom, máy sóng ngắn, điện thoại di động...” - Đại tá Lê Bá Tơ cho biết.

Tuy nhiên, Đại tá Lê Bá Tơ cảnh báo: Không phải lúc nào các lực lượng chức năng BĐBP cũng nhận được sự phối hợp chặt chẽ của ngư dân. Hiện nay, vì lợi ích kinh tế trước mắt, một số bộ phận ngư dân giấu ngư trường hoạt động, thường xuyên hoạt động đánh bắt xa bờ ở những vùng biển nhạy cảm tiếp giáp với các nước trong khu vực nên khi gặp thiên tai, tai nạn không cung cấp thông tin đầy đủ về vị trí, tần số liên lạc, hoặc tắt máy thông tin... gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn của cả Việt Nam và nước ngoài.

Trước thực tế đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có giải pháp chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh cắt cử lực lượng BĐBP tại địa bàn thường xuyên theo dõi, nắm chắc số lượng người và phương tiện, tần số liên lạc, số điện thoại của chủ tàu, thuyền trưởng, gia đình nhằm củng cố và phát huy hiệu quả hệ thống thông tin tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn giữa BĐBP và gia đình chủ tàu, thuyền trưởng...

Thay lời kết

Có thể nói, thực tế các vụ tai nạn trên biển đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết từ chính mỗi ngư dân cũng như từ phía các cơ quan, ban, ngành chức năng. Trong thời gian tới, một trong những việc không kém phần quan trọng là các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện các dự án như: Dự án đóng mới tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu nạn; dự án Nghiên cứu lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh cho các tàu cá xa bờ; xây dựng các tháp báo thiên tai tại các tỉnh, thành ven biển cũng như đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị làm công tác dự báo thiên tai theo hướng hiện đại và đồng bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác cứu hộ, cứu nạn.

“Với quan điểm phòng, chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn là trách nhiệm của toàn dân, Bộ Tư lệnh BĐBP luôn nhấn mạnh sự phối hợp giữa các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn địa phương và sự đồng tâm, hợp lực và cao hơn cả là sự tự giác của chính ngư dân trong chủ động phòng chống tai nạn trên biển. Đây chính là một trong nhưng giải pháp phòng chống tai nạn trên biển kịp thời, hiệu quả và đỡ tốn kém nhất, dễ thực hiện nhất...” - Đại tá Lê Bá Tơ khẳng định.

Khánh Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thuc-trang-tau-ca-gap-nan-tren-bien-nhieu-van-de-can-giai-quyet/