Thực trạng sinh viên nghiện cờ bạc, cá độ bóng đá

Mới đây, nhiều trường đại học đã ra quyết định cảnh cáo, buộc thôi học hàng nghìn sinh viên vì kết quả học tập kém. Không ít trong số này là những 'con nghiện' cá độ bóng đá, game online hay lô đề... Khi đã 'lao' vào vòng xoáy này, nhiều sinh viên không thể dứt ra được, hậu quả để lại hết sức nặng nề.

Phạm Thanh Tùng - đối tượng gây ra vụ án mạng tại chung cư Royal City vào đầu tháng 11. Ảnh: Q.S

Từ bị đuổi học đến giết người

Mới đây, trường ĐH Luật TPHCM đã công bố danh sách hàng trăm sinh viên chính quy và văn bằng hai chính quy, dự kiến bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học một năm hoặc buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng vừa ra quyết định cảnh báo học vụ và buộc thôi học hơn 600 sinh viên. Đây là những sinh viên có điểm trung bình học kỳ dưới 2.0/4.0 (học kỳ đầu tiên) và dưới 2.5/4.0 điểm (các học kỳ tiếp theo).

Còn theo chia sẻ của lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội, mỗi năm có tới 700-800 sinh viên của trường bị buộc thôi học. Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội - TS Trần Văn Tớp - khẳng định, thời gian tới, trường sẽ tiếp tục đào thải những sinh viên không nỗ lực học tập. “Số sinh viên bị thôi học phần lớn do mải chơi chứ không phải chương trình học quá khó. Khi lên ĐH, các em thường được bố mẹ nuông chiều và có tâm lý xả hơi” - TS Trần Văn Tớp - Hiệu phó ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết.

Có lẽ hệ lụy từ việc ham chơi, mê cờ bạc, lô đề hay cá độ bóng đá của nhiều sinh viên không chỉ dừng lại ở việc bị thôi học mà còn có những vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra. Cách đây không lâu, Công an TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã tạm giữ Dương Quốc Cường (21 tuổi, trú KV1, P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản. Cường là sinh viên năm thứ 2 của Trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn nhưng vẫn lún sâu vào cờ bạc qua mạng. Bị thua quá nhiều, Cường lao vào con đường trộm cắp để lấy tiền trả nợ. Cho đến khi bị bắt, Cường thú nhận đã gây ra hơn 10 vụ trộm. Chỉ riêng chiều 9.11, trước khi đột nhập nhà chị Ngô Thị Như Hà (tạm trú đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu vực 5, P.Lý Thường Kiệt, TP.Quy Nhơn), Cường đã gây ra 4 vụ trộm cắp khác. Còn vào đầu tháng 11, Công an Q.Thanh Xuân phối hợp cùng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.Hà Nội bắt Phạm Thanh Tùng - nguyên là sinh viên năm thứ 3 trường Sư phạm TDTT ở Hà Nội.

Theo cơ quan công an, qua mạng xã hội, Phạm Thanh Tùng (21 tuổi, quê Ninh Bình) quen người phụ nữ tên Hằng (36 tuổi, ở tầng 6 chung cư R4B Royal City, Thanh Xuân, Hà Nội). Ngày 31.10, Tùng đến khu chung cư cao cấp gặp nữ chủ nhà. Sau khi “quan hệ” và được chị Hằng cho 1 triệu đồng, Tùng bất ngờ siết cổ và dùng dao, kéo có sẵn trong phòng đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Trước khi bỏ đi, Tùng vào phòng ngủ lục túi xách của chị Hằng lấy 15 triệu đồng cùng 2 chiếc điện thoại Vertu và iPhone 7.

Theo bạn bè và thầy cô trong trường đánh giá, vốn là sinh viên ngoan, nhưng vì sa đà vào cá cược bóng đá, nhà trường đã có những biện pháp nhắc nhở, nhưng Tùng vẫn “chứng nào tật nấy”, nhà trường đã quyết định buộc Tùng thôi học. Về phía mình, do bị chủ nợ thúc giục khoản nợ 60 triệu đồng, nên trong cơn quẫn bách, Tùng đã ra tay giết người, cướp tài sản để trả nợ.

Để “kéo” sinh viên khỏi nạn cờ bạc

Phân tích về vấn đề này, TS xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, đây là một sự việc đáng tiếc. Tuy nhiên, nó là lời cảnh tỉnh mọi người về những mối quan hệ ảo. Theo TS Bình, sinh viên sa đà vào cờ bạc, phần do có ham mê từ trước, phần do bạn bè lôi kéo, rồi trở nên mê muội với trò đỏ đen lúc nào không hay. Hình thức chơi cờ bạc trong sinh viên cũng rất đa dạng như rủ nhau đánh bài, đánh chắn; chơi lô, đề qua điện thoại hay cá cược bóng đá qua mạng. Con đường sinh viên nghiện cờ bạc thường giống nhau: Ban đầu lấy tiền ăn, tiền tiêu vặt bố mẹ cho nướng vào cờ bạc; hết thì vay bạn; không vay được sẽ nghĩ cách cắm thẻ sinh viên và những tài sản như xe máy, điện thoại, laptop, bất kể là của mình hay đi mượn được - TS Bình nói thêm.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với Lao Động, PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn - chuyên gia nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm - cho hay, hiện nay, một số giới trẻ do đặc điểm nhận thức chưa đầy đủ và chưa có bản lĩnh hoàn thành nhân cách. Tâm lý một số bộ phận giới trẻ là thích thể hiện cá nhân, thể hiện mình, chạy theo trào lưu mới lạ, sống tự do, mạo hiểm. Trong khi điều kiện nhận thức, nghề nghiệp chưa ổn định, khi sa vào thì không thể tỉnh táo. Chính vì vậy, một số bộ phận sa vào hiện tượng tiêu cực này đã không dứt ra được.

“Do sự tuột dốc về đạo đức, lối sống, nhân cách như vậy nên chạy theo nhu cầu thỏa mãn cá nhân. Trong khi đó không có môi trường đề kháng, ngăn cản nên dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Những cám dỗ không lành mạnh, những trò chơi, tệ nạn, tiêu cực trái với xã hội, chống lại xã hội thường dẫn đến hậu quả tiêu cực. Khi sa chân vào những tệ nạn này thì sẽ có những tương lai mù mịt, giá phải trả cho bản thân, gia đình…” - PSG-TS Thìn chia sẻ thêm. Các tệ nạn ngày càng ăn sâu trong giới sinh viên và trở thành vấn nạn của xã hội. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh tới gia đình, nhà trường và tới toàn xã hội, cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn tình trạng trên. Với chính mỗi sinh viên, hãy nhận thức đúng và nỗ lực vượt qua những tệ nạn ấy.

CAO NGUYÊN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/thuc-trang-sinh-vien-nghien-co-bac-ca-do-bong-da-577911.ldo