Thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ một số ngành tại tỉnh Bình Dương

ThS. ĐỖ VĂN THẮNG (Phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế - Luật)

TÓM TẮT:

Mục đích của bài viết này là nghiên cứu, xem xét một số khía cạnh của phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở Bình Dương, tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng tình hình phát triển CNHT ở Bình Dương. Qua đó, không chỉ dừng lại ở việc đánh giá, phân tích thực trạng phát triển ngành CNHT trong ở Bình Dương mà mục tiêu hướng đến là tìm ra những nguyên nhân giải thích, từ đó đề xuất và xây dựng các giải pháp mang tính thiết thực và chiến lược nhằm phát triển và thúc đẩy ngành CNHT của Bình Dương trong thời gian tới.

Từ khóa: Thực trạng, công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Công nghiệp tỉnh Bình Dương phát triển mạnh từ năm 2005, chủ yếu thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo lý thuyết về phát triển CNHT thông qua 5 giai đoạn, thì CNHT tỉnh Bình Dương chủ yếu nằm ở giai đoạn thứ nhất. Điều này được thể hiện rõ nét đối với CNHT ngành điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo. Các ngành CNHT tỉnh Bình Dương còn non trẻ và vị trí còn nhỏ bé, chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp và hoạt động không có gì khác biệt với các ngành công nghiệp khác về mặt chính sách phát triển, các chế độ đãi ngộ. Vì vậy, phát triển CNHT tỉnh Bình Dương chủ yếu dựa vào những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai để thu hút đầu tư.

2. Thực trạng CNHT trong ngành Dệt may, Giầy da, Điện tử ở tỉnh Bình Dương 2.1. CNHT trong ngành Dệt may ở tỉnh Bình Dương

Ngành công nghiệp dệt tốc độ tăng bình quân 16,4%/ năm giai đoạn 2006 - 2009. CNHT ngành Dệt may năm 2009 chiếm tỷ trọng 8,9% tổng số cơ sở ngành Dệt - May và có xu hướng gia tăng. Đến năm 2016 có 230 doanh nghiệp (DN), giai đoạn 2011 - 2016 tốc độ tăng bình quân 12,19%/năm. Phần lớn các DN dệt tập trung ở khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Biểu đồ 1: Số lượng cơ sở sản xuất ngành Công nghiệp Dệt

(ĐVT: DN)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Tỷ trọng lao động ngành CNHT ngành Dệt may tăng từ 12% năm 2005 lên 13,7% năm 2009 trong toàn ngành Công nghiệp dệt may. Tỷ trọng này có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2006 - 2009. Tốc độ tăng lao động bình quân 22,2%/năm giai đoạn 2006 - 2009. Giai đoạn 2006 - 2009, lao động ngành CNHT ngành Dệt may tăng lên gấp đôi và tỷ trọng lao động ngành CNHT ngành Dệt may tăng từ 5,68% năm 2011 lên 9,06% năm 2015 trong toàn ngành Công nghiệp dệt may. Tỷ trọng này có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2011 - 2015. Tốc độ tăng lao động bình quân 4,83%/năm giai đoạn 2011 - 2015. Giai đoạn 2011 - 2015 lao động ngành CNHT ngành Dệt may tăng lên rõ rệt nhưng không nhiều.

Biểu đồ 2: Lao động ngành CNHT ngành Công nghiệp Dệt

(ĐVT: Người)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Giá trị sản xuất ngành CNHT ngành Dệt may năm 2015 đạt giá trị sản xuất theo giá thực tế là 47.817 tỷ đồng, chiếm 42,65% tổng giá trị sản xuất ngành Công nghiệp dệt may. Tỷ trọng này có xu hướng gia tăng trong giai đoạn 2010 - 2015.

Biểu đồ 3: GTSX CNHT ngành Công nghiệp Dệt theo giá thực tế

(ĐVT: Tỷ đồng)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Thị trường tiêu thụ ngành CNHT ngành Dệt may do nhu cầu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành Công nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong những năm qua là rất lớn. Nhu cầu nguyên phụ liệu cho ngành Công nghiệp dệt may tỉnh Bình Dương có xu hướng gia tăng qua các năm. Thị trường tiêu thụ ngành CNHT ngành Dệt may tỉnh Bình Dương chủ yếu phục vụ thị trường nước ngoài. Theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, có đến 52% giá trị doanh thu ngành CNHT ngành Dệt may được mang lại từ thị trường nước ngoài, 48% tổng doanh thu được mang lại từ thị trường trong nước. Khó khăn lớn nhất đối với các DN sản xuất sản phẩm CNHT ngành Dệt may khi tiêu thụ ở thị trường trong nước là vấn đề thâm nhập thị trường do DN sản suất có nguồn cung cấp ổn định là 30,19 % và thị trường bán buôn bị cạnh tranh bởi hàng ngoại nhập là 26,42 %. Khó khăn lớn nhất đối với thị trường tiêu thụ nước ngoài là tìm kiếm khách hàng tiêu thụ 42,11 %, bị ép giá 28,95 % và thủ tục hải quan là 26,32%.

Công tác xúc tiến thương mại CNHT ngành Dệt may được thực hiện thông qua nhiều hình thức, bao gồm: Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Qua trang web của doanh nghiệp; Qua công tác tiếp thị của DN; Qua các cuộc triển lãm, hội chợ; Nhờ công ty tiếp thị chuyên nghiệp quảng bá sản phẩm; Thông qua công ty mẹ;… Trong các hình thức trên, hình thức qua công tác tiếp thị của DN được cho là quan trọng nhất và mang lại hiệu quả cao nhất là 27,18 % .

Thực trạng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CNHT ngành Dệt may. Mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CNHT ngành Dệt may tỉnh Bình Dương đã được thể hiện thông qua thị trường tiêu thụ và đối tượng tiêu thụ sản phẩm. Theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, thị trường tiêu thụ trong nước của các DN sản xuất sản phẩm CNHT ngành Dệt may chiếm 48% doanh thu và thị trường nước ngoài chiếm 62,54 % doanh thu. Đối với thị trường tiêu thụ trong nước, cung cấp cho các DN sản xuất trong tỉnh chiếm 18,2% và cung cấp cho các nhà sản xuất ngoài tỉnh chiếm 47,5%, cung cấp cho các DN bán buôn là 21,9%. Như vậy, ngành CNHT ngành Dệt may trên địa bàn tỉnh Bình Dương bước đầu tạo được mối liên kết giữa DN sản xuất và tiêu thụ sản phẩm CNHT trong nước.

Phân bố các ngành CNHT ngành Dệt may, ngành CNHT Công nghiệp dệt may tập trung chủ yếu ngoài khu công nghiệp. Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, đến năm 2015 chỉ mới 43% DN ngành CNHT ngành Dệt may là tập trung vào các khu công nghiệp, 57% số DN còn lại tập trung ngoài các khu công nghiệp.

Nhìn chung, các ngành CNHT ngành Dệt may tỉnh Bình Dương đa dạng, từ những DN cung cấp nguyên liệu đến những DN dệt nhuộm, cung cấp bao bì, những DN chế tạo máy may… Nếu các DN này có những mối liên kết với nhau thì sẽ có những tác động tích cực đến phát triển công nghiệp dệt may tỉnh Bình Dương.

2.2. CNHT trong ngành Da giầy ở tỉnh Bình Dương

Các ngành CNHT ngành Da giày tỉnh Bình Dương gồm: Công nghiệp thuộc da, Công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành giày da, Công nghiệp sản xuất da đã thuộc, Công nghiệp hóa chất, Công nghiệp sản xuất khuôn mẫu, Công nghiệp cơ khí: sản xuất các loại dao dùng cho ngành Da - Giày. Trong các ngành công nghiệp trên, công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu ngành Da giày chiếm số lượng lớn nhất, năm 2011 số lượng là 151 DN và đến năm 2015 là 199 DN, tăng từ giai đoạn 2011 đến 2015 là 48 DN. Phần lớn các doanh nghiệp thuộc ngành CNHT ngành Da - Giày được thành lập từ năm 2007 - 2008 nên vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động hết công xuất. Số lượng các DN CNHT ngành Giày da tăng nhanh qua các năm, tốc độ tăng bình quân 4,45%/năm giai đoạn 2011 - 2015.

Biểu đồ 4: Số lượng doanh nghiệp hỗ trợ ngành Da - Giày qua các năm

(ĐVT: Doanh nghiệp)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Lao động ngành CNHT ngành Da - Giày tăng bình quân 3,4%/năm giai đoạn 2006 - 2009 và tăng bình quân 9,1%/năm giai đoạn 2011 - 2015, lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất là sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành Da - Giày, bao gồm sản xuất đế giày, mũ giày, thuộc da.

Biểu đồ 5: Lao động CNHT ngành Da - Giày qua các năm

(ĐVT: Người)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Giá trị sản xuất CNHT ngành Da giày năm 2009 đạt gần gấp đôi so với năm 2005 từ 5.749 tỷ lên 11.223 tỷ năm 2009 và giai đoạn 2010 đến 2015 giá trị sản xuất CNHT ngành Da giày từ 16.231 năm 2011 lên 39.697 tỷ năm 2015 và tăng so với 2010 là 23.466 tỷ, khu vực sản xuất nguyên phụ liệu cho sản phẩm da - giày chiếm tỷ trọng cao nhất.

Biểu đồ 6: Giá trị sản xuất CNHT ngành Da - Giày theo giá thực tế

(ĐVT: Tỷ đồng)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Công tác xúc tiến thương mại CNHT ngành Da - Giày được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó hình thức được các DN đánh giá cao là thông qua công tác tiếp thị chiếm 30,77 % và qua các cuộc triển lãm, hội chợ.

Kết quả khảo sát của Sở Công Thương Bình Dương cho thấy có đến 31,58 % DN cho rằng hình thức xúc tiến thương mại mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất chính là qua công tác tiếp thị của DN.

Mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ngành CNHT ngành Da - Giày tỉnh Bình Dương trong những năm qua chưa thật sự rõ nét. Các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ tỉnh Bình Dương chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu chiếm 80,99 %, tiêu thụ ở thị trường nội địa không đáng kể chiếm khoảng 19,01%, trong khi đó các DN sản xuất thành phẩm ngành Da giày phải nhập khẩu nguyên liệu.

Các DN sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành Da - Giày chủ yếu cũng là gia công cho các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để xuất khẩu, đặc biệt là công ty mẹ nên tiêu thụ ở thị trường nội địa chiếm tỷ trọng thấp.

Phân bố ngành CNHT ngành Da - Giày, các ngành CNHT ngành Da - Giày chủ yếu phân bố bên ngoài các khu công nghiệp. Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, có đến 52,2% cơ sở DN nằm ngoài các khu công nghiệp, 47,8% nằm trong các khu công nghiệp. Đáng chú ý có một số DN hoạt động trong lĩnh vực thuộc da nằm ngoài khu công nghiệp. Đây là lĩnh vực hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

2.3. CNHT trong ngành Điện tử ở tỉnh Bình Dương

Số lượng DN ngành CNHT ngành Điện tử - Tin học tỉnh Bình Dương tăng trưởng bình quân 24,22%/năm giai đoạn 2006 - 2009 và tăng trưởng bình quân 4,72%/năm giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, sản xuất linh kiện điện tử tăng bình quân 28,26%/năm giai đoạn 2006 - 2009 và giai đoạn này số cơ sở cũng phát triển cao. CNHT ngành Điện tử tin học chủ yếu là ngành sản xuất linh kiện điện tử, chiếm đến 92% số lượng các ngành CNHT ngành Điện tử - Tin học. Ngành CNHT ngành Điện tử tin học chiếm tỷ trọng khá cao trong toàn ngành Công nghiệp điện tử tin học.

Biểu đồ 7: Số cơ sở ngành CNHT cho ngành Điện tử - Tin học

(ĐVT: Doanh nghiệp)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Lao động ngành CNHT ngành Điện tử - Tin học đến năm 2009 đạt 19,106 ngàn người, tốc độ tăng bình quân 46,14%/năm giai đoạn 2006 - 2009. Lao động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử tăng bình quân 47,9%/năm giai đoạn 2006 - 2009, trong khi đó lao động trong lĩnh vực sản xuất máy vi tính và thiết bị truyền thông giảm đáng kể. Lao động ngành CNHT ngành Điện tử - Tin học chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng số lao động ngành này và đến năm 2015 đạt 43,286 ngàn người, tốc độ tăng bình quân 4,29%/năm giai đoạn 2011 - 2015, trong giai đoạn này năm 2012 có số lượng lao động cao nhất 50.880 ngàn người.

Biểu đồ 8: Lao động ngành CNHT ngành Điện tử - Tin học

(ĐVT: Người)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Giá trị sản xuất ngành CNHT ngành Điện tử - Tin học theo giá thực tế chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp điện tử - tin học. Công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử chiếm đến 98% giá trị sản xuất CNHT điện tử - tin học và đây được xem là thế mạnh của tỉnh Bình Dương đối với ngành Công nghiệp điện tử - tin học.

Biểu đồ 9: GTSX ngành CNHT cho ngành Điện tử - Tin học

(ĐVT: Tỷ đồng)

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bình Dương

Trình độ công nghệ của ngành CNHT ngành Điện tử - Tin học tỉnh Bình Dương phần lớn đạt trình độ tiên tiến. Theo kết quả khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, máy móc thiết bị đạt trình độ tiên tiến là 20%, trung bình 48% và lạc hậu là 32%.

Thị trường tiêu thụ CNHT ngành Điện tử - Tin học chủ yếu là thị trường ngoài nước. Theo kết quả khảo sát Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, doanh thu ở thị trường nước ngoài chiếm đến 98,3% tổng doanh thu, trong khi đó doanh thu thị trường trong nước chỉ chiếm 1,7%. Tình hình trên do phần lớn các DN sản xuất trong lĩnh vực này là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến đầu tư nhà máy tại Bình Dương, thuê mướn lao động để sản xuất các linh kiện điện tử,… để cung cấp cho các tập đoàn sản xuất sản phẩm điện tử, chủ yếu là cung cấp cho các công ty mẹ. Theo kết quả khảo sát Sở Công Thương tỉnh Bình Dương có đến 98% doanh thu thị trường nước ngoài của các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho ngành Công nghiệp điện tử - tin học là từ các công ty mẹ. Các công ty mẹ chiếm đến 97% doanh thu của thị trường nước ngoài.

Việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài đối với các DN sản xuất sản phẩm CNHT ngành Điện tử - Tin học còn gặp nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là thủ tục hải quan tới 40%.

Công tác xúc tiến thương mại ngành CNHT ngành Điện tử. Sản phẩm ngành CNHT ngành Điện tử chủ yếu dành cho xuất khẩu, đặc biệt là linh kiện điện tử. Công tác xúc tiến thương mại đã được các nghiệp đoàn thực hiện thông qua các hình thức: Quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua trang web của doanh nghiệp, thông qua công tác tiếp thị của doanh nghiệp, thông qua các cuộc triển lãm, hội chợ, thông qua công ty mẹ. Theo kết quả khảo sát Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong các biện pháp trên, biện pháp thông qua công ty mẹ là quan trọng nhất chiếm đến 33,33% và hiệu quả đạt được chiếm 21,74%, tiếp theo là thông qua công tác tiếp thị của DN.

Mối liên kết giữa DN sản xuất và DN tiêu thụ sản phẩm CNHT ngành Điện tử - Tin học. Kết quả khảo sát của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho thấy chưa có mối liên kết giữa các nhà sản xuất sản phẩm CNHT và các nhà sản xuất thành phẩm tiêu thụ sản phẩm CNHT tỉnh Bình Dương và các địa phương trong nước. Thị trường tiêu thụ trong nước hết sức nhỏ bé, thị trường tiêu thụ ngoài nước chủ yếu cung cấp cho công ty mẹ (chiếm 97,34% doanh thu tiêu thụ thị trường nước ngoài) theo hình thức sản xuất theo đơn đặt hàng. Như vậy, mối liên kết trong trường hợp này thuần túy giữa nhà sản xuất và nhà tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu chứ chưa phải là mối liên kết giữa nhà sản xuất sản phẩm CNHT với nhà sản xuất thành phẩm trong nước, mua linh kiện để sản xuất thành phẩm.

Phân bố các DN sản xuất sản phẩm hỗ trợ ngành Điện - Điện tử. Các DN ngành CNHT ngành Điện - Điện tử tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp. Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, có đến 69,6% số doanh nghiệp tập trung ở các khu công nghiệp, ngoài khu công nghiệp chiếm 30,4%. Các khu công nghiệp VSIP, Mỹ Phước, Đồng An là nơi tập trung của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT ngành Điện - Điện tử. Các DN nằm ngoài khu công nghiệp tập trung chủ yếu ở thị xã Thuận An, Dĩ An và huyện Tân Uyên, Bến Cát.

4. Đề xuất một số giải pháp phát triển ngành CNHT

Để ngành CNHT Bình Dương phát triển trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, các DN làm hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế, theo cá nhân người viết cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như sau:

Một là, tạo dựng môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh từng nhóm sản phẩm hỗ trợ thích ứng; hình thành các khu, cụm công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, nguyên vật liệu hỗ trợ cho các ngành công nghiệp; hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tham gia sản xuất các loại sản phẩm hỗ trợ, cung ứng linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu cho sản xuất hỗ trợ.

Hai là, đầu tư phát triển khoa học - công nghệ cho ngành CNHT: xây dựng hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế; nâng cấp, hoàn thiện các tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm hỗ trợ đạt trình độ quốc tế; thực hiện chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất CNHT; hỗ trợ cho các DN nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.

Ba là, đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực thiết kế, chế tạo máy, luyện kim, điều khiển tự động, điện tử tin học có năng lực, trình độ nghiên cứu, thiết kế, sáng tạo, có khả năng làm chủ các công nghệ được chuyển giao.

Bốn là, liên kết DN giữa DN FDI với các DN nội địa thông qua các chương trình giới thiệu nhu cầu phát triển và sử dụng sản phẩm hỗ trợ và hợp đồng kinh tế giữa hai bên.

Năm là, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hỗ trợ tiếp cận được với nguồn vốn dài hạn cho đầu tư nghiên cứu và phát triển sản xuất hỗ trợ; Ưu tiên cấp vốn và tạo các điều kiện khác để đổi mới thiết bị, thay đổi công nghệ tại những DN đã có quy mô tương đối lớn.

Sáu là, khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các ngành CNHT bằng sự hỗ trợ đặc biệt về vốn và những ưu đãi đặc biệt khác như về hạ tầng, thủ tục hành chính, về cung cấp nguồn nhân lực cần thiết, miễn thuế nhập khẩu thiết bị và công nghệ, miễn thuế doanh thu…

5. Kết luận

Như vậy, từ việc xem xét những vấn đề chung nhất về CNHT và đi sâu vào phân tích thực trạng của ngành CNHT Bình Dương, có thể nhận thấy rằng việc xây dựng và phát triển các ngành CNHT là hết sức cấp thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN tỉnh, đồng thời cũng nhằm mục tiêu xây dựng Bình Dương thành một trong những địa phương đứng đầu về phát triển công nghiệp ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, (2016), “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2016”, Quyết định số 200/BC - UBND ngày 02/12/2016.

2. Cục Thống kê Bình Dương, số liệu niên giám 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016.

3. Sở Công Thương tỉnh Bình Dương (2015).

4. Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Dương (2015).

5. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, (2013), “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, Quyết định số 3281/QĐ - UBND ngày 18/12/2013.

6. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, (2008), “Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 - 2020”, Quyết định số 215/2006/QĐ - UBND ngày 30/8/2006.

7. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, (2008), “Phê duyệt Đề án định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2008 - 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển”, Quyết định số 3357/QĐ-UBND ngày 24/10/2008.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, (2013), “Quy hoạch phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Quyết định số 3533/QĐ-UBND ngày 10/10/2013.

STATUS OF SUPPORTING INDUSTRY DEVELOPMENT IN SOME INDUSTRIES IN BINH DUONG

● MA. DO VAN THANG

Office of Academic Affairs, University of Economics and Law

ABSTRACT:

The purpose of this article is to study some aspects of the development of supporting industry in Binh Duong, then analyze and evaluate the situation of development of SI in Binh Duong. Furthermore, it aims to find out the causes and propose practical and strategic solutions to develop and promote the industry of Binh Duong in the future.

Keywords: Current status, supporting industry, Binh Duong province.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-mot-so-nganh-tai-tinh-binh-duong-58306.htm