Thực trạng nhà thuốc, quầy thuốc hiện nay - Kỳ 4: Duy trì hậu kiểm các nhà thuốc đạt chuẩn

Hiện nay, phần lớn các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn TP Hà Nội đã được công nhận đạt chuẩn GPP (thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc) song trong quá trình hoạt động, nhiều cơ sở không duy trì các điều kiện theo yêu cầu.

Hà Nội hiện có 6.563 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 3.880 Nhà thuốc, 2.530 quầy thuốc và 153 cơ sở kinh doanh dược với các hình thức tổ chức khác nhau. Các cơ sở bán lẻ đáp ứng hầu hết các nguyên tắc tiêu chuẩn thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (các lỗi nhân viên bán thuốc không mặc áo blouse chiếm 1/100 điểm trong danh mục kiểm tra thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc). Tuy nhiên, trong quá trình thanh, kiểm tra phát hiện một số tồn tại trong quá trình hoạt động của một số cơ sở.

Chủ cơ sở vắng mặt khi cơ sở hoạt động nhưng không thực hiện việc ủy quyền theo quy định; chưa niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở kinh doanh; kinh doanh thuốc khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; thuốc không còn nguyên vẹn bao bì, nhãn mác; niêm yết giá thuốc chưa đầy đủ; không thực hiện vào sổ theo dõi hoạt động mua bán thuốc theo quy định; sắp xếp thuốc không theo đúng phân nhóm; thực phẩm chức năng lẫn thuốc; bán thuốc phải kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ.

 6 tháng đầu năm 2019, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 33 cơ sở hành nghề và thu hồi 6 cơ sở hành nghề. Ảnh mang tính minh họa

6 tháng đầu năm 2019, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 33 cơ sở hành nghề và thu hồi 6 cơ sở hành nghề. Ảnh mang tính minh họa

Theo Sở Y tế Hà Nội, hành vi vi phạm của các cơ sở đã được thanh tra Sở Y tế xử lý, xử phạt nghiêm túc, từ ngày 12-11-2018 đến 11-8-2019 tổng số tiền phạt lên tới 1.672.000.000 đồng. Cụ thể, thanh, kiểm tra 156 cơ sở trong đó có 57 nhà thuốc, 37 quầy thuốc, 2 nhà thuốc BV, 26 cơ sở bán buôn, 1 cơ sở kinh doanh thuốc đông y, thuốc từ dược liệu…

Hành vi bị xử lý, xử phạt gồm: kinh doanh thuốc khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược 12 cơ sở (trong đó có 6 nhà thuốc, 6 quầy thuốc).

Dược sỹ phụ trách chuyên môn vắng mặt khi cơ sở kinh doanh dược hoạt động. Sở Y tế Hà Nội tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 2 tháng đối với 32 dược sỹ phụ trách chuyên môn.

Kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sở Y tế tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trong thời gian 4,5 tháng đối với 2 cơ sở.
Thuốc không còn nguyên bao bì, nhãn mác. Sở Y tế tịch thu, tiêu hủy 754 gói thuốc không còn nguyên bao bì nhãn mác của 5 cơ sở trị giá 6.032.000 đồng (8000 đồng/gói); 260 gói thuốc bột đơn số 2 do BV 103 sản xuất trị giá 2.080.000 đồng; tiêu hủy 58 hộp thuốc Yuhanatiphlamine S Lotion * 82.000 đồng/lọ = 4.756.000 đồng.

Cũng theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 3 năm (2016-2018), tổng số lượt kiểm tra hậu kiểm dược: 200 lượt cơ sở. Thực hiện kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược 42 cơ sở hành nghề dược và chuyển Phòng Y tế tiếp tục xem xét vi phạm đối với 39 cơ sở dược. 6 tháng đầu năm 2019, kiểm tra 33 cơ sở hành nghề; thu hồi 6 cơ sở hành nghề.

Theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y tế tư nhân, Sở Y tế Hà Nội, để duy trì hoạt động của các nhà thuốc, quầy thuốc đạt chuẩn, trong thời gian tới, ngành y tế Hà Nội tăng cường phổ biến các quy định pháp luật về hành nghề y dược. Định kỳ tổ chức giao ban với Phòng Y tế. Hỗ trợ giảng viên, báo cáo viên tại các buổi giao ban định kỳ của Phòng Y tế với các cơ sở kinh doanh dược khi có nhu cầu.

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, phối hợp với liên ngành (CA, Sở LĐTB&XH, Quản lý thị trường) trong công tác kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh dược ngoài công lập.

Tăng cường vai trò kiểm tra giám sát hoạt động các cơ sở kinh doanh dược ngoài công lập của chính quyền, đặc biệt tới từng tổ dân phố, cụm dân cư để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm trong hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập.

“Tăng cường chế tài xử lý, xử phạt đối với các cơ sở hành nghề y dược có sai sót về quy chế chuyên môn và các quy định pháp luật; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm Sở Y tế có thể đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, tước quyền có thời hạn hoặc thu hồi chứng chỉ hành nghề dược”, ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.

Khánh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-trang-nha-thuoc-quay-thuoc-hien-nay-ky-4-duy-tri-hau-kiem-cac-nha-thuoc-dat-chuan-161238.html