Thực trạng nguồn nước các lưu vực sông - Bài cuối: Những bất cập trong quản lý cần khắc phục, tháo gỡ

Việc quản lý và bảo vệ môi trường nước các sông, lưu vực sông đang được thực hiện theo quy định của 3 luật chuyên ngành: Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và Luật Thủy lợi 2017.

Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam lắp đặt hệ thống lọc dầu tại hồ Đồng Bài, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức.

Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam lắp đặt hệ thống lọc dầu tại hồ Đồng Bài, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức.

Cùng với hàng loạt các văn bản dưới luật và các quy định pháp luật khác có liên quan, những luật này đã tạo thành khung pháp lý đầy đủ, là cơ sở cho quản lý và bảo vệ môi trường nước sông, lưu vực sông ở Việt Nam. Nhưng đến nay vẫn còn một số bất cập trong các văn bản quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nước, song chưa có những điều chỉnh, thay thế cho phù hợp. Điều đó dẫn đến những xung đột về khai thác nguồn nước, cũng như gây chồng chéo, làm giảm hiệu quả quản lý tài nguyên nước trên thực tế.

Phát sinh các xung đột, mâu thuẫn

Trên các lưu vực sông của cả nước, hoạt động phát triển kinh tế cùng với nhu cầu sử dụng tài nguyên nước gia tăng nhanh chóng, khiến phần lớn các đoạn sông hoặc dòng sông, nguồn nước đều được sử dụng đa mục đích, từ thủy lợi tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản, cấp nước, đến thủy điện, giao thông, du lịch... Vì vậy, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt trên lưu vực sông đã và đang gây ra những mâu thuẫn gay gắt, các xung đột môi trường.

Mâu thuẫn, xung đột phổ biến nhất là giữa các mục đích sử dụng trong việc khai thác cùng một nguồn tài nguyên nước mặt. Cụ thể là xung đột giữa ngư nghiệp và nông nghiệp, giữa ngư nghiệp và lâm nghiệp khi một trong hai bên khai thác quá mức; xung đột giữa nông nghiệp và hoạt động công nghiệp; xung đột trong việc sử dụng nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Những năm gần đây, xung đột do sử dụng nguồn nước cho các công trình thủy điện xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, ngay cả những năm lượng nước đến đảm bảo đúng công suất thiết kế. Điển hình là việc xây dựng các công trình thủy điện trên sông Vu Gia - Thu Bồn dẫn đến tình trạng nhiễm mặn ở vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn trở nên gay gắt. Việc tranh chấp nguồn nước giữa 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng và các chủ hồ thủy điện trên bậc thang hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn diễn ra suốt những năm vừa qua trong mùa khô.

Xung đột môi trường còn diễn ra giữa cộng đồng dân địa phương và các chủ đầu tư; xung đột giữa phát triển các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường. Trong đó xung đột giữa đối tượng gây ô nhiễm môi trường và người dân chịu tác động bởi ô nhiễm cũng là dạng xung đột điển hình hiện nay ở nhiều địa phương. Đây là loại xung đột phổ biến nhất, cần được giải quyết thông qua các quy định của pháp luật về dân sự (bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả). Mâu thuẫn chỉ chấm dứt khi lợi ích và mục đích của hai phía được dung hòa, cuộc sống của người dân được đảm bảo, kết hợp các hoạt động bảo tồn thiên nhiên với bảo vệ môi trường. Chỉ khi đó, hoạt động bảo vệ thiên nhiên và môi trường mới phát huy được hiệu quả cao nhất.

Mô hình quản lý chưa phù hợp

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Hiện việc quản lý và bảo vệ môi trường nước các sông, lưu vực sông được thực hiện theo quy định của 3 luật chuyên ngành: Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 và Luật Thủy lợi 2017. Cùng với hàng loạt các văn bản dưới luật và các quy định pháp luật khác có liên quan, những luật này đã tạo thành khung pháp lý đầy đủ, là cơ sở cho quản lý và bảo vệ môi trường nước sông, lưu vực sông ở Việt Nam. Tuy vậy, cho đến nay thực tế còn một số bất cập trong các văn bản quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nước nhưng vẫn chưa có những điều chỉnh, thay thế cho phù hợp.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến môi trường nước mặc dù đã được rà soát điều chỉnh, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật riêng cho nước thải của từng ngành đặc thù, nhưng cũng vẫn chưa đầy đủ, còn thiếu ở một số ngành công nghiệp, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với công nghệ xử lý nước thải. Ở cấp địa phương, công tác triển khai thi hành pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường nước còn chậm, thụ động, nhiều quy định cụ thể chưa được triển khai.

Từ năm 2008, chức năng, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước và quản lý lưu vực sông được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Bộ này có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ thành lập Ủy ban lưu vực sông; tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và tổ chức thực hiện sau khi phê duyệt đối với lưu vực sông lớn và lưu vực sông liên tỉnh. Nhằm tăng cường vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, ngày 4/4/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2017 thay thế Nghị định số 21/2013.

Theo nội dung của Nghị định 36/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường có các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo vệ môi trường các lưu vực sông. Bộ hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt, ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm các nguồn nước. Đồng thời, Bộ hướng dẫn việc thực hiện các quy định về xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông; hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc quản lý chất lượng môi trường nước, lưu vực sông.

Liên quan đến quản lý môi trường nước, còn có sự tham gia của một số bộ, ngành khác như Bộ Xây dựng quản lý các vấn đề về công trình cấp thoát nước đô thị; Bộ Y tế quản lý và giám sát chất lượng nước uống. Liên quan nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với chức năng quản lý các vấn đề về tưới tiêu, phòng chống lụt bão, cấp nước sinh hoạt nông thôn, quản lý các công trình thủy lợi, đê điều; quản lý khu bảo tồn vùng nước nội địa, hệ sinh thái, thủy sản, khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Cấp liên vùng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành về môi trường lưu vực sông đầu tiên được thành lập. Ủy ban giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế nhằm phát triển sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên khác liên quan trên toàn lưu vực sông Mê Kông nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên thuộc lưu vực sông Mê Kông Việt Nam nói riêng. Hoạt động của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào các hoạt động chung của quốc gia và Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, tích cực phối hợp với các cơ quan trong nước đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên nước, giám sát số lượng nước và chất lượng nước xuyên biên giới; đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương… Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đóng góp tích cực vào việc xây dựng Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội để thực hiện Hiệp định Mê Kông 1995; đàm phán và ký kết Bộ Quy chế về sử dụng nước; tích cực thúc đẩy các hoạt động của Ủy hội; thực hiện các chương trình và dự án then chốt của Ủy hội.

Hiện ở cấp quản lý liên vùng, liên tỉnh, Việt Nam có 9 tổ chức quản lý lưu vực sông, gồm 4 Ban quản lý lưu vực sông là Hồng - Thái Bình, Vu Gia - Thu Bồn, sông Đồng Nai và sông Mê Công; 2 Hội đồng lưu vực sông là lưu vực sông Cả và lưu vực sông Sesan – Srepok; 3 Ủy ban bảo vệ môi trường là lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy và lưu vực sông Đồng Nai. Việc thành lập các tổ chức quản lý lưu vực sông xuất phát từ đòi hỏi bức xúc của thực tiễn quản lý, sử dụng, khai thác và bảo vệ nguồn nước liên vùng, liên tỉnh, là bước khởi đầu để thực hiện nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông, kết hợp với quản lý theo đơn vị hành chính. Đây là mô hình quản lý tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thành công, đáp ứng nguyện vọng, mong muốn đóng góp cho công tác quản lý tài nguyên nước của các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương.

Mặc dù các tổ chức quản lý lưu vực sông liên vùng, liên tỉnh đã được thành lập và hoạt động nhiều năm, song hiệu quả hoạt động còn rất hạn chế, chủ yếu là tổ chức các cuộc họp, chia sẻ thông tin, các quyết nghị đưa ra chưa có hiệu lực cao. Bởi Ban quản lý quy hoạch lưu vực sông và Hội đồng lưu vực sông, một là đơn vị sự nghiệp, một là tổ chức tham mưu, tư vấn nên chưa phù hợp để đáp ứng yêu cầu điều phối, phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế làm việc chưa thể hiện rõ vai trò của Hội đồng, hay Ban quản lý trong việc tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước trong lưu vực sông, nhất là các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng; chưa hình thành được cơ chế, công cụ giám sát các hoạt động trong bảo vệ, khai thác, sử dụng. Bộ máy tổ chức cũng thiếu nguồn lực cần thiết (nhân lực, trang thiết bị) để bảo đảm hoạt động. Kinh phí hoạt động cũng rất hạn chế, phụ thuộc vào sự đóng góp của các địa phương, các dự án, nhà tài trợ.

Đối với các Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông, về tổ chức và hoạt động không có tính ràng buộc chặt chẽ, việc phối kết hợp giữa các tỉnh còn nhiều hạn chế; sự tham gia phối hợp của các bộ, ngành vào hoạt động của các Ủy ban cũng chỉ ở mức độ nhất định. Việc thiếu nguồn lực đầu tư, đặc biệt là tài chính để thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông là hạn chế lớn nhất hiện nay của các Ủy ban. Do không phân định rõ nguồn kinh phí nên các địa phương gặp khó khăn khi xác định nguồn lực kinh phí để thực hiện các Đề án. Ủy ban cũng thiếu cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đặt ra, như việc xây dựng các cơ chế, chính sách hoặc các giải pháp tổng hợp theo quan điểm quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực sông...

Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cũng đã và đang gặp phải những khó khăn nhất định, như tình hình gia tăng nhanh chóng các hoạt động khai thác phát triển tài nguyên nước (phát triển thủy điện, chuyển nước, tăng nhu cầu nước, biến đổi khí hậu…) trong khi các quốc gia trong khu vực chưa thống nhất được kế hoạch hành động chung, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước và bảo vệ môi trường sinh thái, nguồn sinh kế của người dân. Hợp tác Mê Kông có những diễn biến phức tạp về các kế hoạch phát triển thủy điện trên dòng chính, ảnh hưởng tới các quốc gia sử dụng nước ở khu vực hạ nguồn, trong đó Việt Nam chịu nhiều tác động nhất. Bên cạnh đó, Ủy ban lưu vực sông Cửu Long và Ủy ban lưu vực sông Sesan - Srepok đều là tổ chức phối hợp liên ngành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về lưu vực sông Mê Kông, nên cũng có những chồng chéo nhất định về chức năng, nhiệm vụ với Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam.

Với thực trạng nêu trên, trước yêu cầu quản lý tài nguyên nước ngày càng đặt ra bức thiết, yêu cầu điều phối, giám sát tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên nước trước tình hình mới đã cho thấy, các mô hình quản lý trên không còn đáp ứng được yêu cầu hiện nay, cần có những thay đổi, điều chỉnh và kiện toàn lại cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Văn Hào (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/thuc-trang-nguon-nuoc-cac-luu-vuc-song-bai-cuoi-nhung-bat-cap-trong-quan-ly-can-khac-phuc-thao-go-20200319085038759.htm