Thực trạng đầu tư và chi tiêu tài chính của các trường đại học công lập Việt Nam

NCS. VŨ THỊ LIÊN (Kiểm toán viên chính, Kiểm toán Nhà nước)

TÓM TẮT:

Giáo dục đại học ở Việt Nam đã và đang cung cấp hàng triệu nhân lực có chất lượng cao, là lực lượng chủ lực góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Quản lý tài chính là yếu tố quan trọng để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học công lập.

Bài viết nghiên cứu về thực trạng đầu tư và chi tiêu tài chính của các trường đại học công lập ở Việt Nam nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh về vấn đề này, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm đa dạng hóa, mở rộng nguồn lực tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học, hướng tới nâng cao tự chủ tài chính và chất lượng giáo dục.

Từ khóa: Trường đại học công lập, đầu tư tài chính, chi tiêu tài chính.

1. Đặt vấn đề

Sự tăng trưởng và phát triển của giáo dục đại học phụ thuộc vào hiệu quả quản lý tài chính của các trường đại học. Quản lý tài chính liên quan đến quyết định của tổ chức về cách tạo nguồn quỹ, kiểm soát các nguồn tài chính thông qua kiểm soát tài chính, phân bổ nguồn tài chính và các biện pháp giải trình trách nhiệm. Cùng với quá trình đổi mới cơ chế quản lý tài chính cho giáo dục đại học, cơ chế quản lý chi tiêu của các trường đại học tại Việt Nam cũng được điều chỉnh nhằm góp phần giúp các trường đại học chủ động sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của mình trong các hoạt động. Phần lớn các trường công lập tại Việt Nam sử dụng nguồn ngân sách của nhà nước cấp để chi cho các hoạt động của mình. Tiền ngân sách là tiền thuế của nhân dân. Vì vậy, người dân sẽ quan tâm liệu các khoản chi cho giáo dục đại học có thực sự hiệu quả.

Một vấn đề khác trong quản lý tài chính công hiện nay tại Việt Nam là vấn đề của người đại diện. Người tiêu tiền (các trường đại học) không tiêu tiền của họ mà là tiền của người dân (thông qua chi ngân sách). Điều này có thể dẫn tới một vấn đề là đồng tiền công có thể bị lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích hay bị sử dụng sai. Vấn đề của người đại diện dẫn đến một yêu cầu bức thiết cần đo lường để xem đồng tiền này đang được sử dụng như thế nào thông qua đo lường kết quả đầu ra. Điều này đã thúc đẩy nghiên cứu sinh tìm hiểu để trả lời câu hỏi: Liệu chi tiêu và cơ cấu chi tiêu tài chính của các trường đại học có thực sự hiệu quả và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo?

Thêm nữa, một vấn đề khác là theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì mức chi tiêu tính trên đầu sinh viên của các trường đại học ở Việt Nam còn khá thấp. Điều này có ảnh hưởng đến kết quả đào tạo cả về số lượng và chất lượng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất nâng mức trần học phí đối với các trường đại học với mục tiêu tăng cường nguồn tài chính cho các trường đại học làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đề xuất này gặp sự phản ứng khá gay gắt từ dư luận xã hội. Một trong những lý do đó là thiếu những bằng chứng thuyết phục của việc nâng cao mức học phí với chất lượng đào tạo của các trường. Vì vậy, nghiên cứu này góp phần trả lời cho những băn khoăn của xã hội về ảnh hưởng của cơ cấu và mức chi tiêu đến kết quả đào tạo nói chung và chất lượng đào tạo nói riêng.

2. Tổng quan và phương pháp nghiên cứu

Đã có nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế xem xét các nội dung liên quan tới quản lý tài chính, cơ cấu, chi tiêu tài chính, các tiêu chí đánh giá kết quả đào tạo sinh viên, cũng như mối quan hệ giữa quản lý, chi tiêu tài chính và kết quả đào tạo sinh viên. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối quan hệ đáng kể giữa đầu tư cho giáo dục và chất lượng sinh viên ra trường (Lê Đức Ngọc, 2011). Trái ngược với các nghiên cứu khác của Hanushek (1989 và 1991) và Tumen (2013) đã chỉ ra rằng có mối quan hệ thuận chiều giữa nguồn lực đầu vào và kết quả đầu ra của các trường.

Greenwald và các cộng sự (1996) đã nghiên cứu tác động của nguồn lực đầu vào của các trường và thành tích của sinh viên sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp (Meta-analysis). Theo đó, có mối quan hệ thuận chiều giữa mức chi tiêu của các trường với thành tích của sinh viên. Massen (2000) đã xem xét các mô hình tài chính GDĐH ở 07 nước châu Âu gồm có Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển và Vương quốc Anh trên cơ sở mô tả ngắn gọn đặc điểm chung của hệ thống GDĐH quốc gia ở mỗi nước trên các khía cạnh: Các loại tổ chức, chương trình, bằng cấp, và tuyển sinh. Tác giả đã so sánh cách thức phân bổ tài chính cho các trường đại học. Lê Đức Ngọc (2001) đã chỉ ra rằng cần đổi mới công tác QLTC trong các trường đại học để làm đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu suất đào tạo.

Theo một số nghiên cứu khác, tự chủ tài chính trong các trường đại học là một trong những phương cách để tăng cường công tác QLTC trong GDĐH (Nguyễn Minh Tuấn, 2015). Trương Thị Hiền (2017) đã nhấn mạnh, tự chủ tài chính được coi là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho yêu cầu phát triển GDĐH trong điều kiện mới.

Tác giả đã đề xuất mô hình QLTC trong điều kiện tự chủ tại các trường đại học công lập. Mô hình chỉ ra các yếu tố tác động tới QLTC và tự chủ tài chính. Trên cơ sở đó, gắn với kết quả đầu ra của mô hình đó là: Chất lượng sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề, chương trình đào tạo phù hợp, công trình khoa học, sản phẩm dịch vụ, phản hồi của doanh nghiệp về sinh viên làm việc.

Tự chủ là chìa khóa cho đổi mới cơ chế QLTC, là xu hướng phát triển tất yếu. Do đó, để có khả năng thực hiện quyền tự chủ trong giai đoạn hiện nay các trường phải đảm bảo một số điều kiện sau: Đội ngũ cán bộ có khả năng giảng dạy, xây dựng giáo trình, chương trình theo chuẩn mực quốc tế; năng lực nghiên cứu khoa học, có khả năng xây dựng các chương trình nghiên cứu độc lập và thu hút các nguồn kinh phí lớn đầu tư cho nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất hiện đại; năng lực quản lý vững mạnh, tự xây dựng được hệ thống quy chế làm việc và các công cụ quản lý hiệu quả. Đặng Thị Minh Hiền (2016) đã sử dụng phương pháp tính đầy đủ và phương pháp hàm thu nhập để đánh giá hiệu quả đầu tư cho giáo dục đại học công lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận phân tích chi phí - lợi ích.

3. Thực trạng đầu tư và chi tiêu tài chính của các cơ sở giáo dục đại học công lập

3.1. Cơ cấu thu

Năm học 2016 - 2017, cả nước có 235 trường đại học (trong đó có 170 trường đại học công lập và 65 trường đại học ngoài công lập) (Niên giám thống kê, 2018). Các trường đại học này được ngân sách nhà nước tài trợ thông qua các đầu mối cơ quan chủ quản là các Bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức chính trị - xã hội, ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố và đại học quốc gia (Nguyễn Xuân Thu, 2017).

Nguồn thu từ học phí của các trường đại học mới chỉ đảm bảo một phần chi phí thường xuyên của trường, trong khi đó, nguồn NSNN cấp cho chi thường xuyên đang ngày càng giảm dần trong tiến trình tiến đến tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên. Đa số các trường còn hạn chế trong nghiên cứu và triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trực tiếp giải quyết những vấn đề thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, nguồn thu từ hoạt động NCKH và ứng dụng của các trường còn rất hạn chế. Các trường chưa có chính sách tích cực trong thúc đẩy mối liên kết giữa trường học, viện nghiên cứu với các đơn vị kinh tế, chưa gắn kết công tác đào tạo, NCKH với thực tiễn đời sống sản xuất - kinh doanh để gia tăng nguồn thu.

Hình 1: Cơ cấu nguồn thu tài chính của các trường đại học công lập

Đơn vị tính: %

Nguồn: Tổng hợp dựa trên dữ liệu thống kê của Bộ Tài chính

Nguồn: Tổng hợp dựa trên dữ liệu thống kê của Bộ Tài chính

Tại các quốc gia trên thế giới, nguồn thu của các trường đại học cũng có sự khác biệt. Ở Trung Quốc nguồn ngân sách nhà nước vẫn là nguồn đầu tư quan trọng cho các trường đại học công lập. Nguồn thu chủ yếu từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 63%, nguồn thu từ đóng góp cộng đồng và nguồn thu khác chiếm khoảng 18%, nguồn thu từ học phí của sinh viên chiếm khoảng 19%. Ngân sách các trường đại học ở Đức chủ yếu do chính quyền Bang tài trợ khoảng 17%. Việc cấp phát ngân sách nhà nước dựa vào nhu cầu do đơn vị lập. Ngân sách nhà nước cấp chung cho cả nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Hệ thống giáo dục đại học ở Hàn Quốc gồm 23 trường ĐHCL và 153 trường đại học tư. Khi Chính phủ Hàn Quốc giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường đại học thì mức học phí và số lượng các trường đại học có xu hướng gia tăng. Trước sức ép tăng học phí, các trường đại học ở Hàn Quốc được ngân sách nhà nước cấp theo chế độ khoán và được tự do vay vốn ngân hàng, được tự do sử dụng trang thiết bị cho đào tạo đại học.

3.2. Thu từ NSNN và các hỗ trợ của Chính phủ

Chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo năm 2016 - 2017 đạt 217.057 (tỷ đồng) (tăng gấp khoảng 7,6 lần so với năm 2005) chiếm tỷ lệ 14,84% tổng ngân sách nhà nước.

Bảng 1. Mức chi và cơ cấu chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tính theo GDP, tỷ lệ chi tiêu từ nguồn lực nhà nước cho giáo dục, đào tạo trên GDP của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước, khu vực, thậm chí so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn. Năm 2012, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục, đào tạo trên GDP của Việt Nam chiếm 6,3%, cao hơn so với Singapore (3,2% năm 2010), Malaysia (5,1%), Thái Lan (3,8%), Hàn Quốc (5,2% năm 2011), Hồng Kông (3,5%). Năm 2010, tỷ lệ chi ngân sách trên mỗi sinh viên đại học ở Việt Nam bằng xấp xỉ 40% thu nhập bình quân đầu người, trong khi ở Hoa Kỳ, tỷ lệ này là 21%, Singapore là 28%, Hàn Quốc là 13%, Nhật Bản là 25%. Điều này cho thấy, mức ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam dành cho giáo dục khá lớn so với khả năng tài chính của quốc gia (Đinh Thị Nga, 2017).

Bên cạnh đó, Chính phủ còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác như thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên nghèo; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non; kinh phí hỗ trợ phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; kinh phí hỗ trợ học bổng và hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập thực hiện chính sách giáo dục đối với người khuyết tật,… Ngoài ra, chương trình tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập và lập nghiệp. Sau hơn 10 năm triển khai, chính sách tín dụng này đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, trở thành một chương trình có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Doanh số cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, với hơn 3,5 triệu lượt HSSV được vay vốn (Đào Thanh Bình và các cộng sự, 2017). Hạn mức cho vay đối với học sinh, sinh viên được điều chỉnh tăng qua từng năm, từ mức vay 8 triệu đồng/sinh viên/năm thì đến năm 2008 con số này đã tăng lên mức 18 triệu đồng/năm/HSSV (Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 30/05/2017).

Hình 2: Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo

Nguồn: Tổng hợp dựa trên dữ liệu của Bộ Tài chính

Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo của Việt Nam còn có những hạn chế, bất cập. Cơ cấu đầu tư cho giáo dục - đào tạo chưa hợp lý thể hiện ở cơ cấu chi cho các nhiệm vụ, giữa các bậc học, nội dung chi trong từng bậc học và ngành nghề trong từng bậc học. Cụ thể, tỷ lệ chi thường xuyên, gồm: Chi lương, chi cho hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo trình chiếm khoảng 80% tổng chi, trong đó chủ yếu là dành để chi trả tiền lương.

Bảng 2. Cơ cấu chi NSNN cho giáo dục, đào tạo

Đơn vị tính: Tỷ đồng, %

Nguồn: Tổng hợp số liệu quyết toán chi NSNN từ KBNN

Như vậy, trong cơ cấu chi NSNN cho giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 - 2015, tỷ trọng chi thường xuyên tăng và tỷ trọng chi đầu tư phát triển (ĐTPT) giảm (tính cả về số tuyệt đối và tỷ trọng), cụ thể: (i) Chi thường xuyên có xu hướng tăng trong giai đoạn gần đây, nguyên nhân chính là do việc tăng lương cho giáo viên, tăng chỉ số giá tiêu dùng. Tốc độ tăng chi thường xuyên trung bình giai đoạn 2011 - 2015 là 116,4%; (ii) Chi ĐTPT giảm về tỷ lệ (gần 5% từ 2011 đến 2015), lý do chính là Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu công để giảm gánh nặng nợ công và giảm đầu tư do giai đoạn trước được tăng cường đầu tư cơ sở trường, lớp. Tốc độ tăng chi đầu tư trung bình chỉ là 106,8%.

Thêm vào đó, trong tổng số NSNN đầu tư cho GDĐT thì tỷ lệ ngân sách dành cho GDĐH còn hạn chế - chiếm 12%, trong khi đó tỷ lệ chi cho giáo dục tiểu học chiếm gần 30% tổng chi NSNN cho các cấp học. Năm 2010, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên mỗi học sinh tiểu học của Hoa Kỳ là 22%, Singapore chỉ có 11%.

3.3. Chi tiêu của các cơ sở GDĐH công lập

Hàng năm, các trường ĐHCL sử dụng nguồn kinh phí chủ yếu cho chi thường xuyên như chi lương, chi nghiệp vụ chuyên môn; chi sửa chữa, mua sắm vật tư; chi học bổng sinh viên,… Hình 2 trình bày cơ cấu chi của các trường đại học công lập gồm: Chi tiền lương, chi nghiệp vụ chuyên môn, chi mua sắm thiết bị và chi khoa học công nghệ. Kết quả thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2009 - 2015, các khoản chi thường xuyên bình quân chiếm trên 90% tổng chi của các trường ĐHCL. Tỷ lệ chi cho NCKH và mua sắm thiết bị hầu như chưa được đảm bảo do thiếu nguồn vốn. Nguồn tài chính cho NCKH và công nghệ của các trường tuy đã tăng hàng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc sử dụng và phân bổ chưa hiệu quả, vẫn còn mang tính bình quân và dàn trải. Cơ sở vật chất được đầu tư từ nguồn kinh phí khoa học - công nghệ chưa đáp ứng được nhu cầu của các trường, trong khi đó ở một số đơn vị hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất chưa cao, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường đại học.

4. Kết luận và giải pháp

Đầu tư cho giáo dục, đào tạo được coi là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Vì vậy, đầu tư của Nhà nước cho giáo dục và đào tạo cần chú ý giải quyết một số vấn đề sau:

Trước hết, cần một chiến lược đầu tư cho giáo dục - đào tạo trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cần thực hiện kế hoạch tài chính dài hạn, ngân sách trung hạn cho giáo dục và đào tạo. Thứ hai, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho giáo dục - đào tạo theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Cần đầu tư đổi mới chương trình, xây dựng mới và đổi mới giáo trình các môn học. Tiếp thu có chọn lọc các chương trình và giáo trình đào tạo, cũng như phương pháp dạy và học của các cấp học từ các nước có nền giáo dục hiện đại. Đầu tư có trọng tâm, ưu tiên cho những ngành đào tạo khoa học cơ bản, có nhu cầu xã hội hạn chế, khả năng xã hội hóa không cao. Thứ ba, điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho đào tạo và đào tạo theo nhu cầu xã hội. Cơ cấu đào tạo cần theo kịp với yêu cầu xã hội, yêu cầu phát triển kinh tế ở nước ta. Thứ tư, cần thực hiện các giải pháp về tái cơ cấu chi NSNN dành cho lĩnh vực giáo dục, đại học theo hướng: Không bao cấp dàn trải, tràn lan đối với tất cả các cơ sở đào tạo; Thực hiện nguyên tắc từng bước tăng thu từ người học để bù đắp chi phí đào tạo theo lộ trình điều chỉnh giá, phí của Chính phủ. Nhà nước hỗ trợ trực tiếp học phí đối với một số đối tượng thuộc diện chính sách; cho vay tín dụng ưu đãi đối với sinh viên, học sinh thuộc gia đình nghèo, cận nghèo. Phương thức phân bổ NSNN cho các trường đại học, cao đẳng chuyển dần sang cơ chế đặt hàng. Cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục, đào tạo cần được đổi mới theo hướng tăng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Hạn chế phương thức tính bình quân một mức chi cho tất cả các trường, các ngành học và các nghề đào tạo. Đồng thời, cần có giải pháp huy động các nguồn lực của xã hội, của doanh nghiệp để phát triển và nâng cao chất lượng, tổng kết đánh giá và tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Đặng Thị Minh Hiền (2016),

Hiệu quả đầu tư cho giáo dục đại học công lập ở Việt Nam theo cách tiếp cận phân tích chi phí - lợi ích

, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Kinh tế quốc dân.

Greenwald, R., Hedges, L. V., and Laine, R. D. (1996). The effect of school resources on student achievement.

Review of Educational Research

, 66, 361-396.

Hanushek, E. A. (1989). The impact of differential expenditures on school performance.

Educational Researcher

, 18(4), 45-65.

Hanushek, E. A. (1991). When school finance "reform" may not be a good policy.

Harvard Journal on Legislation,

28, 423-456.

Sarah Tumen (2013).

The impact of school resourcing and financial management on educational attainment and achievement

. A thesis submitted in partial fulfilment of the requirements for the degree of Doctor of Philosophy in Education. The University of Auckland.

Lê Đức Ngọc (2001),

Đổi mới công tác quản lý tài chính trong các trường đại học để làm đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu suất đào tạo

, Kỷ yếu Hội thảo “Quản lý nhà nước và tự chủ tài chính trong các trường đại học” tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tháng 12/2001.

Massen, P. (2000),

Models of Financing Higher Education in Europe,

Center for Higher Education Policy Studies (CHEPS) University of Twente.

Nguyễn Minh Tuấn (2015),“

Tác động của công tác quản lý tài chính đến chất lượng giáo dục đại học - Nghiên cứu điển hình tại các trường đại học thuộc Bộ Công Thương” mã số: 63.34.02.01

, Luận án Tiến sĩ Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Trương Thị Hiền (2017), “

Quản lý tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc bộ giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện tự chủ”

, Luận án Tiến sĩ kinh tế Học viện Tài chính.

THE CURRENT INVESTMENT AND SPENDING

OF PUBLIC HIGHER-EDUCATIONAL INSTITUTIONS IN VIETNAM

• Postgraduate student VU THI LIEN

Principal Auditor, State Audit Office of Vietnam

ABSTRACT:

The higher education sector in Vietnam has been providing millions of high-quality graduates, significantly contributing to accelerating the country’s industrialization and modernization process in the context of Industry 4.0. Financial management is an important factor to maintain and improve the training quality of public universities. This study is about the current situation of investment and spending of public universities in Vietnam in order to get an overview on the financial position of public higher education sector. Based on this study’s findings, some solutions are proposed to help public highe-educational institutions diversify and expand their financial resources, improving their financial autonomy and their training quality.

Keywords: Public universities, financial investment, financial spending.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-dau-tu-va-chi-tieu-tai-chinh-cua-cac-truong-dai-hoc-cong-lap-viet-nam-77953.htm