Thực trạng đào tạo thần tượng tại Trung Quốc: Lộn xộn, lật lọng

Đất nước tỷ dân Trung Quốc không thiếu những nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo idol chưa kịp hoàn thiện đã xuất hiện nhiều vấn đề.

Nếu như nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc đã phát triển từ những năm 2000 và ngày càng có ảnh hưởng đến toàn thế giới thì ngược lại, năm 2018 mới được xem là "năm mở đầu cho các thần tượng tại Trung Quốc", theo trang QQ. Trước đó, Trung Quốc có một số nhóm nhạc thần tượng có tiếng tăm như: Tfboys, UNIQ, SNH48,... nhưng vẫn chỉ là một số nhân tố hiếm hoi lóe sáng.

Tiềm năng vô hạn của thị trường thần tượng Trung Quốc

Đất nước Trung Quốc đông dân và không thiếu những con người tài hoa. Họ là những thanh niên nhiệt huyết và đầy khát vọng. Trong khi đó, hệ thống đào tạo tại quê nhà lại thiếu chuyên nghiệp, chưa có các chương trình âm nhạc hàng tuần để khai thác hết tiềm năng của các nghệ sĩ trẻ này.

Con đường duy nhất để trở thành thần tượng và được chú ý của họ là sang Hàn Quốc và làm thực tập sinh trong các công ty giải trí. Tuy nhiên cơ hội được ra mắt là vô cùng nhỏ nhoi.

Mãi đến năm 2018, Trung Quốc mua bản quyền thực hiện show Produce 101, là cơ hội để hàng trăm nghệ sĩ trẻ thể hiện mình, từ đó cho ra đời một loạt thần tượng và nhóm nhạc mới, trở thành thế hệ Gen Z đầy hứa hẹn.

Những cái tên bước ra từ chương trình tuyển chọn thần tượng của iQiYi, Tencent, Youku như Nine Percent, Rocket Girl, Thái Từ Khôn, Trần Lập Nông, Yamy, Dương Siêu Việt,... cũng nhanh chóng trở thành thần tượng của hàng triệu khán giả chỉ sau vài tháng ngắn ngủi.

Tfboys là nhóm nhạc vô cùng nổi tiếng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nhóm được coi là hiện tượng cá biệt bởi nhóm nhạc thần tượng tại Đại lục là khá ít ỏi.

Hiện tại phân mảng thần tượng trẻ tại Trung Quốc đã được mở cửa. Các công ty cũng không hề thiếu tiền để đầu tư đào tạo, kêu gọi thực tập sinh. Trung Quốc lại là nơi mà người hâm mộ vô cùng cuồng nhiệt, luôn sẵn lòng chi tiền cho thần tượng. Điều này khiến các công ty giải trí Hàn Quốc thèm thuồng, muốn đưa gà nhà sang kiếm tiền.

Nếu trước kia khán giả Đại lục chỉ có thể theo đuổi các thần tượng Hàn Quốc xa xôi thì hiện tại, công chúng cũng có thể hết lòng ủng hộ chính những nghệ sĩ trẻ quê nhà.

Điển hình như việc người hâm mộ Thái Từ Khôn kêu gọi bỏ phiếu cho anh với con số 47 triệu phiếu đêm chung kết để giành chiến thắng tại Idol Producer, hay Mạnh Mỹ Kỳ cũng đạt hơn 185 triệu phiếu trong Produce 101 bản nữ.

Chiến thắng cuộc thi Idol Producer đã giúp các thành viên Nine Percent nổi tiếng nhanh chóng.

Thực trạng lộn xộn do thiếu hệ thống đào tạo, quản lý chuyên nghiệp

Mặc dù có nhiều nhân tố để phát triển giới thần tượng, nhưng trái với kỳ vọng của công chúng, cách vận hành của hệ thống quản lý thần tượng tại Trung Quốc lại gặp rất nhiều vấn đề. Thứ nhất là sự chồng chéo trong quản lý nghệ sĩ.

Produce 101 là chương trình tuyển chọn thần tượng từ những thực tập sinh mà các công ty đào tạo gửi đến. Tại Trung Quốc, không thiếu các công ty quản lý nghệ sĩ đã bắt đầu hoạt động ngày một mạnh mẽ như: Yuehua, Gramie Ent., Summer Star Ent., Banana Culture (Công ty của Vương Tư Thông, con trai tỷ phú giàu nhất Trung Quốc - Vương Kiện Lâm),... Tuy nhiên, các công ty này còn rất non trẻ về cách quản lý, không thể so sánh với các công ty hạng trung tại Hàn Quốc chứ đừng nói đến SM, YG...

Sau khi giành chiến thắng, các nghệ sĩ không chỉ hoạt động dưới sự quản lý của công ty quản lý cũ mà còn là thành viên của nhóm nhạc dự án mới trong 2 năm. Tại đây, sự bất cập trong việc quản lý nhanh chóng lộ ra.

Khi Rocket Girls vừa ra mắt, công ty của hai thành viên Mạnh Mỹ Kỳ, Ngô Tuyên Nghi và Trương Tử Ninh đã tranh cãi với Đằng Tấn, đơn vị sản xuất chương trình, yêu cầu cho các nghệ sĩ của họ được hoạt động song song ở cả nhóm nhạc dự án và nhóm nhạc cũ.

Sự rối loạn và cách hành xử có phần lật lọng này khiến cho Rocket Girls vừa bắt đầu đã khiến công chúng khó chịu. Các thành viên đòi ra đi nhận chỉ trích còn Mạnh Mỹ Kỳ tuy đứng hạng 1 trong cuộc thi nhưng mất vị trí center về tay Yamy.

Trường hợp của Nine Percent tuy không có tranh cãi nhưng các thành viên cũng không thể sắp xếp thời gian hoạt động song song. Điều này dẫn đến một số hoạt động của nhóm nhạc dự án bị thiếu thành viên và phải mất tới 7 tháng sau khi ra mắt, nhóm mới có MV đầu tiên.

Hai thành viên Mạnh Mỹ Kỳ và Ngô Tuyên Nghi (váy trắng đứng giữa hai hàng, ở trên và dưới) là nạn nhân trong cuộc chiến giữa hai công ty. Sau tranh cãi, họ vẫn hoạt động trong Rocket Girls nhưng mất đi đặc quyền của người xếp thứ nhất.

Tại Hàn Quốc, lòng trung thành và lợi ích của nhóm nhạc được đặt lên hàng đầu. Các thần tượng trong nhóm đều hoạt động hết mình vì cái tên chung và chỉ tách ra solo khi danh tiếng của nhóm đã đạt đến đỉnh cao. Mặt khác, các nhóm nhạc dự án như Wanna One, I.O.I đều nghiêm túc cống hiến cho nhóm trong khoảng thời gian hợp đồng.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, mặc dù có công ty quản lý chung nhưng mỗi thần tượng lại có đoàn đội của riêng mình. Từ đó, họ tìm kiếm các cơ hội khác nhau để lên chương trình giải trí, ra mắt bài hát riêng, album solo, chụp hình thời trang, đóng phim... Tất cả đều cố gắng tạo dựng tên tuổi cá nhân.

Wanna One gồm các thành viên đến từ các công ty quản lý khác nhau, nhưng đã tạo nên rất nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ khi hoạt động cùng nhau.

Hệ quả là người hâm mộ của những thần tượng này chỉ ủng hộ sự nghiệp cá nhân chứ không quan tâm đến thành tích của nhóm. Và khi đã có lượng người hâm mộ đông đảo, họ sẽ tách ra hoạt động riêng như cách mà Tfboys đang làm.

Một hệ thống hoạt động không ăn khớp, chưa bắt đầu đã rệu rã vì tham vọng của từng cá nhân khiến cho việc phát triển những nhóm nhạc thần tượng là điều khó khăn.

Thiếu hụt cơ hội thể hiện

Điểm yếu thứ hai của hệ thống quản lý thần tượng tại Trung Quốc chính là thhiếu những sân chơi âm nhạc hàng tuần để nghệ sĩ thể hiện.

Nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc có những show âm nhạc để nghệ sĩ có nơi quảng bá bài hát mới như: Show Champion (MBC), M Countdown (Mnet), Music Bank (KBS), Show! Music Core (MBC), Inkigayo (SBS),... với cách tính điểm rõ ràng. Ngoài ra, những trang nghe nhạc trực tuyến cũng hiển thị rõ thành tích của ca khúc. Từ các thống kê này, các chương trình thực hiện nhiều lễ trao giải âm nhạc để vinh danh các thần tượng.

Điều này, không chỉ giúp các nghệ sĩ tiếp cận với công chúng, thể hiện khả năng trên sân khấu mà còn thúc đẩy người hâm mộ ủng hộ thần tượng của mình theo nhiều cách khác nhau, từ đó tạo nên văn hóa fandom.

Nhưng tại Trung Quốc, điều này vẫn còn hạn chế. Hiện tại chỉ có iQiYi tổ chức chương trình Idol Hits để nghệ sĩ giới thiệu bài hát mới. Vậy những thần tượng được tạo ra sẽ biểu diễn ở đâu? Điều gì thúc đẩy họ liên tục ra sản phẩm mới để được lên sân khấu trình diễn hàng tuần? Họ có tài năng nhưng sân khấu nào là nơi cho họ thể hiện?

Nine Percent vừa ra mắt đã chạy fanmeeting liên tục để cảm ơn người hâm mộ. Nhưng sau đó, các thành viên tách ra hoạt động độc lập.

Hiện nay, ở Trung Quốc, người hâm mộ chỉ có thể gặp thần tượng tại concert hoặc fanmeeting. Như vậy, Cbiz đào tạo ra nghệ sĩ nhưng chưa có môi trường thích hợp để họ thể hiện tài năng của mình. Đó là chưa kể đến việc các thần tượng liên tục vướng phải nghi án đạo nhạc từ nghệ sĩ đàn anh đàn chị trong nước hay nhái hình ảnh từ nhóm nhạc Hàn.

Sau khi Produce 101 được tổ chức thành công, hiện tại ở Trung Quốc có nhan nhản các chương trình âm nhạc, cuộc thi tuyển chọn: Trạm Kế Tiếp Truyền Kỳ - The Next Top Bang do Ngô Diệc Phàm làm giám khảo, Minh nhật chi tử, sắp tới sẽ có Idol Produce mùa 2, Dĩ đoàn chi danh... Nhưng bên cạnh việc phát triển về số lượng, điều quan trọng mà nền giải trí này vẫn đang loay hoay: chất lượng của các thực tập sinh và cách quản lý để có sự phát triển đúng đắn.

Thủy Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thuc-trang-dao-tao-than-tuong-tai-trung-quoc-lon-xon-lat-long-post899431.html