Thực trạng cơ sở mầm non ngoài công lập tại Thủ đô: Vừa thiếu, vừa yếu

Sự gia tăng dân số từ các khu chế xuất, khu công nghiệp, dân ngoại tỉnh đổ về… khiến cho chỉ trong khoảng 2 năm qua,Thủ đô Hà Nội đã mọc thêm tới 81 trường mầm non mới, hầu hết là tư thục.

Tuy nhiên, sự phát triển chưa song hành với chất lượng. Cơ sở vật chất, vệ sinh chưa đảm bảo, sĩ số trẻ mỗi lớp đông, giáo viên không chọn lọc... là những vấn đề còn tồn tại trong một số trường mầm non ngoài công lập.

Tràn lan lớp quá tải và chưa đủ điều kiện

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức Đoàn giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với trường mầm non (MN), trường mẫu giáo (MG), nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp MG độc lập tư thục trên địa bàn từ năm 2015 đến nay (khảo sát thực tế tại 16 trường ở 4 quận, huyện) và chỉ ra hàng loạt sai phạm, tồn tại, hạn chế. Theo đó, hiện nay, toàn thành phố có 1.084 trường mầm non (tăng 81 trường so với năm 2015). Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe cho trẻ được duy trì, từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Tuy vậy, còn 70 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo chưa được cấp phép thành lập nhưng các cơ sở này vẫn đang hoạt động, tức là hoạt động “chui”.

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hà Nội khảo sát hoạt động của nhóm trẻ tư thục \ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Đặc biệt, hiện nay, rất nhiều nhóm có số trẻ/lớp vượt quá quy định, nhiều cơ sở sử dụng nhà dân, chung cư mi-ni làm lớp học, chưa bảo đảm diện tích 1,5m2/trẻ theo quy định, không có sân chơi, phòng học thiếu sáng, chưa bảo đảm điều kiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC), an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP); đồ chơi, đồ dùng dạy học sơ sài, cá biệt có nhóm lớp thiếu công trình vệ sinh… Trong khi giáo viên, nhân viên thay đổi thường xuyên, thậm chí có giáo viên chưa qua đào tạo.

Những thực trạng của các lớp MN tư thục đã bộc lộ trong chuyến khảo sát tại huyện Chương Mỹ của đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. Hà Nội. Đoàn đến tìm hiểu 2 nhóm lớp MN tư thục thuộc xã Phú Nghĩa, khảo sát Nhóm trẻ lớp MG độc lập Tuổi Thơ (được cấp phép hoạt động từ tháng 9/2011) được biết, có 4 cô giáo trông hơn 40 trẻ, chia 2 lớp, chỉ được thu nhập hơn 3 triệu/tháng (không được đóng BHXH). Giải thích điều này, bà chủ nhóm lớp phân trần: Do nhận thức của người dân địa phương hạn chế, chỉ mong có chỗ trông con từ sáng đến tối chứ không quan tâm nhiều đến thiết bị dạy học, PCCC… được đầu tư ra sao, nên chỉ chấp nhận tổng mức học phí + tiền ăn 700-800 nghìn đồng/tháng chi trả cho con. Theo bà, vì chi phí có vậy nên không thể kham nổi BHXH cho giáo viên, mà nếu thu cao hơn thì phụ huynh sẽ tìm nơi khác gửi con.

Tình trạng này diễn ra phổ biến với các nhóm lớp MN tư thục khác trên địa bàn. Tìm hiểu qua UBND huyện Chương Mỹ, được biết, trên địa bàn hiện có 92 cơ sở MN, MG độc lập tư thục, trong đó 5 trường, 87 nhóm trẻ và lớp MG độc lập, song mới 68 cơ sở được cấp phép thành lập và 36 cơ sở được cấp phép hoạt động.

Tình trạng “sốt trường mầm non” diễn ra nhiều tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), nhất là ở địa bàn các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, các huyện Ðông Anh, Thanh Trì... Cụ thể, huyện Ðông Anh có số dân 381.450 người, cùng với hàng chục nghìn công nhân lao động sinh sống, mỗi năm tăng từ 800 - 1.000 trẻ trong độ tuổi MN đến trường nhưng mạng lưới MN công lập mới có 36 trường. Trước nhu cầu này, các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập phát triển nhanh, đến nay, có 100 trường, nhóm trẻ độc lập tư thục, trong đó 35 cơ sở có số trẻ/lớp đã vượt quá quy định.

Sĩ số lớp quá đông ảnh hưởng đến học tập, vận động của trẻ (ảnh minh họa).

Sẽ theo hướng xây trường công

Với tính chất rất “nóng” như vậy, không ngạc nhiên khi chỉ trong hơn 1 tiếng đồng hồ chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP. Hà Nội về nội dung này, đã có 23 lượt đại biểu phát biểu, trong đó có 17 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu tái chất vấn với Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội. Những câu hỏi xoay quanh vấn đề: “Trong 386 trường MN tư thục đi thuê mượn địa điểm (trên tổng số 477 trường), Sở GD-ĐT đã kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo được bao nhiêu trường? Chỉ 34/477 trường tư thục đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường còn lại chưa đảm bảo chất lượng giáo dục; chủ đầu tư không có tiềm lực tài chính, không được cấp phép vẫn hoạt động. Vậy, Sở GD-ĐT có các giải pháp gì?”... Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội không nhận được nhiều sự đồng tình từ các đại biểu khi tất cả đại biểu đặt câu hỏi đều có phản hồi, đề nghị lãnh đạo Sở làm rõ thêm.

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết sẽ tái giám sát vào kỳ họp giữa năm 2019. Chủ tịch HĐND TP đề nghị rà soát lại tất cả các trường MN tư thục trên địa bàn; kiên quyết xử lý những đơn vị không đủ điều kiện hoạt động, đồng thời hy vọng sau chất vấn, nội dung này sẽ có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho trẻ được học ở môi trường an toàn, lành mạnh, bảo đảm.

Theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố Trần Thế Cương, mỗi năm, Hà Nội có từ 25.000 - 30.000 trẻ đến tuổi học MN. Ðể đáp ứng nhu cầu này, phải xây thêm từ 40 - 60 trường/năm, đòi hỏi kinh phí rất lớn. Ông Trần Thế Cương cũng cho biết sẽ báo cáo Thường trực HÐND thành phố, Thường trực Thành ủy, Bộ GD và ÐT để chuẩn hóa, đưa hoạt động này dần vào quy củ. Trong đó, sẽ đề xuất hạn chế thấp nhất việc cấp phép cho các nhóm trẻ MN ngoài công lập mà cần tập trung đầu tư lớn cho các trường công lập nhằm dễ quản lý, bảo đảm an toàn, trong đó khuyến khích các đơn vị xây trường liên cấp.

Bình An

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/thuc-trang-co-so-mam-non-ngoai-cong-lap-tai-thu-do-vua-thieu-vua-yeu-n146187.html