Thực tiễn hoạt động xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng

Từ khi thành lập đến nay, trải qua 13 kỳ Đại hội, Đảng đã ban hành khối lượng văn bản đồ sộ liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng. Bởi vậy, yêu cầu về việc xây dựng hệ thống tài liệu, số liệu và hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng phục vụ công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng Đảng và tham mưu, hoạch định các chính sách là rất quan trọng.

Từ khi thành lập đến nay, trải qua 13 kỳ Đại hội, Đảng đã ban hành khối lượng văn bản đồ sộ liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng. Bởi vậy, yêu cầu về việc xây dựng hệ thống tài liệu, số liệu và hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng phục vụ công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng Đảng và tham mưu, hoạch định các chính sách là rất quan trọng.

 Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng đang được các cấp, các ngành quan tâm triển khai.

Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về xây dựng Đảng đang được các cấp, các ngành quan tâm triển khai.

Hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng

Ngay từ ngày thành lập Đảng và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Bởi vậy, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

Trong các giai đoạn của lịch sử, Đảng ta đều có các hình thức tổ chức và phương thức hoạt động phù hợp. Công tác tổ chức và cán bộ đã tập trung vào việc thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu mà Đảng và cách mạng đặt ra. Thông qua hoạt động thực tiễn, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu giúp Đảng củng cố, phát triển tổ chức của hệ thống chính trị và tuyển chọn được những cán bộ, đảng viên, những chiến sĩ ưu tú, trung kiên cho Đảng, cho cách mạng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đồng thời, là cơ quan chuyên môn – nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương mang trên mình một trong những trọng trách quan trọng là tham mưu, tổ chức tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, xây dựng lý luận và cung cấp luận cứ khoa học về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học về tổ chức xây dựng Đảng được Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cùng các cấp ủy, tổ chức đảng đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả nhất định.

Ban Tổ chức Trung ương đã đi sâu, chủ động trong nghiên cứu khoa học, thiết thực phục vụ có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ tham mưu của Ban, đồng thời đổi mới phương thức tổ chức hoạt động khoa học. Các đồng chí lãnh đạo Ban tham gia lãnh đạo Hội đồng Khoa học của Ban. Các ủy viên Hội đồng là những phó giáo sư, tiến sỹ có kinh nghiệm nghiên cứu, chuyên môn sâu trong các lĩnh vực xây dựng đảng, luôn thể hiện vai trò tích cực, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bộ phận Thường trực Hội đồng phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao, Ban Tổ chức Trung ương đã tập trung cao độ tiến hành sơ kết, tổng kết, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý, cơ bản hoàn thành 27/27 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cũng trong năm 2021, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học của Ban; Quyết định thành lập, Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học Ban nhiệm kỳ 2021-2026. Triển khai xây dựng chương trình nghiên cứu toàn khóa, kế hoạch nghiên cứu năm 2022 trên cơ sở 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, toàn Ngành đã đẩy mạnh khảo sát thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm, nhất là từ những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện các chủ trương của Trung ương và cấp ủy các cấp về công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị phục vụ hiệu quả cho việc tham mưu xây dựng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp. Tăng cường công tác phối hợp, nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trong giai đoạn là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Phạm Minh Chính luôn đề cao vai trò của công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng Đảng. Đồng chí yêu cầu toàn Ngành đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận, coi trọng tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, nhất là những mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả; xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên; tập trung xây dựng hệ thống CSDL chung về công tác tổ chức xây dựng Đảng…

Theo đó, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ sau khi giải thể năm 2009 đã được tái lập vào năm 2019, để thực hiện nhiệm vụ là trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tham gia nghiên cứu các đề án và một số đề tài khoa học của Ban Tổ chức Trung ương.

Việc xây dựng CSDL về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng hiện nay

Thời gian qua, việc xây dựng hệ thống tài liệu, số liệu về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng đã được quan tâm. Mỗi cơ quan, đơn vị trong khối đảng đều chú trọng xây dựng hệ thống văn bản, tài liệu của ngành mình, đồng thời Trung ương cũng ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm triển khai xây dựng hệ thống CSDL chung về công tác xây dựng Đảng.

Hiện nay, các tài liệu chung về công tác tổ chức xây dựng Đảng sẽ lưu trữ đầy đủ, toàn diện nhất tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Đây là những cơ quan đầu ngành chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ lưu trữ của các tài liệu của Trung ương Đảng và Nhà nước.

Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng có nhiệm vụ trực tiếp quản lý kho tài liệu lưu trữ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng phục vụ các yêu cầu khai thác theo quy định của Ban Bí thư và Văn phòng Trung ương Đảng. Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia.

Hiện nay, hai đơn vị này thực hiện các công việc về thu thập, chỉnh lý, xác định giá trị, bảo quản, thống kê và sử dung tài liệu lưu trữ hình thành trong hoạt động quản lý, điều hành, tham mưu cho các cấp. Do đó, khối lượng tài liệu, số liệu (bao gồm tài liệu giấy, tài liệu điện tử, tài liệu ghi âm, hình ảnh…) riêng về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng được lưu trữ tương đối phong phú.

Ngoài ra, các cấp ủy, tổ chức đảng cũng đang tiến hành xây dựng hệ thống tài liệu về công tác tổ chức xây dựng Đảng riêng của mình. Nhiều tài liệu, số liệu được xử lý, sắp xếp có hệ thống và được quản lý, khai thác, sử dụng có giá trị đối với công tác tham mưu và nghiên cứu khoa học. CSDL liên quan đến Ngành Tổ chức xây dựng Đảng có thể tìm thấy tại các cơ quan lưu trữ của các tỉnh, thành địa phương.

Tại Ban Tổ chức Trung ương, các vụ, cục, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đã dần hình thành hệ thống các văn bản, số liệu, tài liệu, chuyên sâu về các lĩnh vực của công tác tổ chức xây dựng Đảng, bao gồm cả các đề tài, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương; đề tài khoa học cấp Ban... Đây là những kho tài liệu quý phục vụ công tác hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ. Tuy nhiên, công tác lưu trữ còn được tiến hành thủ công, chưa được số hóa nên công tác tra cứu, trích xuất tài liệu còn gặp nhiều khó khăn, chưa đồng bộ và bao quát hết các nhóm vấn đề, lĩnh vực liên quan.

Hiện nay, Ban Tổ chức Trung ương đã thực hiện việc chỉnh lý hoàn chỉnh hệ thống tài liệu về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Bộ phận lưu trữ của Ban Tổ chức Trung ương đã xây dựng được khung phương án phân loại tài liệu theo thời gian, lĩnh vực hoạt động. Thời gian tính theo nhiệm kỳ hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tài liệu Ban Tổ chức Trung ương được phân loại theo

các lĩnh vực hoạt động chính bao gồm: (1) Tài liệu chung về công tác tổ chức xây dựng Đảng (chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn…của Đảng về vấn đề này); (2) Tài liệu về tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ; (3) Tài liệu về công tác cán bộ; (4) Tài liệu về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; (5) Tài liệu về công tác tổ chức, cán bộ nội bộ cơ quan; (6) Tài liệu về hoạt động đối ngoại, nghiên cứu khoa học, hoạt động nội bộ của Ban; (7) Tài liệu về hoạt động của các tiểu ban, ban chỉ đạo của Trung ương; (8) Tài liệu về đại hội đảng bộ các cấp (Tài liệu chung về đại hội đảng bộ các cấp; Đại hội Đảng toàn quốc; Tài liệu về đại hội đảng bộ tỉnh và tương đương; đại hội các tổ chức chính trị - xã hội và hội nghề nghiệp).

Tại Ban Tổ chức Trung ương, Phòng Hành chính - Lưu trữ thuộc Văn Phòng Ban có có chức năng, nhiệm vụ thu thập, sắp xếp, chỉnh lý, lập hồ sơ lưu trữ, quản lý tài liệu và hệ thống thông tin – tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, khai thác của cán bộ, công chức cơ quan theo đúng quy định. Phòng Hành chính - Lưu trữ có biên chế 8 người, trong đó phân công 2 cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ thu thập, sắp xếp, chỉnh lý, lập hồ sơ lưu trữ, quản lý tài liệu; có trình độ chuyên môn đại học, được đào tạo chính quy về chuyên ngành lưu trữ. Tại các vụ, cục của Ban đều phân công chuyên viên kiêm mảng văn thư - lưu trữ. Chuyên viên có trách nhiệm sắp xếp, lập hồ sơ lưu trữ, quản lý tài liệu thuộc lĩnh vực của vụ, cục mình theo sự phân công của lãnh đạo vụ, cục. Đồng thời, cán bộ, chuyên viên tại mỗi vụ, cục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, sau khi hoàn thành mỗi công việc có trách nhiệm lập hồ sơ tài liệu, chuyển về Phòng Hành chính - Lưu trữ.

Bên cạnh đó, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) cũng đang tiến hành xây dựng, sắp xếp, hệ thống được hàng ngàn đầu tài liệu liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng. Theo đó, để thuận tiện về vấn đề quản lý, tài liệu sẽ được sắp xếp có hệ thống, một phần tài liệu đã được áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý để dễ khai thác và thuận tiện trong quá trình tìm kiếm. Và tiến tới sẽ hình thành hệ thống CSDL liên quan đến công tác xây dựng Đảng một cách hoàn chỉnh, đầy đủ nhất. Tại Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, bộ phận Văn phòng là nơi trực tiếp được Lãnh đạo Viện giao triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng CSDL khoa học, cung cấp thông tin về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Viện Khoa học tổ chức, cán bộ thuộc Ban Tổ chức Trung ương đến nay đã thực hiện việc thu thập, sắp xếp hàng ngàn đầu tài liệu về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng.

Thực hiện Kế hoạch số 17-KH/BTCTW ngày 12-5-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về việc triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành tổ chức xây dựng Đảng (sau đây gọi tắt là HTTT chuyên ngành), các ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan đảng ở Trung ương đã triển khai hai phần mềm HTTT chuyên ngành cho các cấp ủy trực thuộc. Cho đến nay, hầu hết các đơn vị trực thuộc Trung ương đã triển khai hệ thống một cách bài bản, đúng quy trình, bám sát theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Theo đó, các tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu những kiến thức cơ bản về hệ thống thông tin chuyên ngành tổ chức xây dựng Đảng, đồng thời được hướng dẫn trực tiếp thực hành thao tác trên máy tính về cài đặt, sử dụng phần mềm CSDL đảng viên 3.0 và phần mềm quản lý cán bộ, công chức. Đây có thể coi là nguồn dự trữ tài liệu liên quan riêng đến Ngành Tổ chức Xây dựng Đảng, tuy nhiên, tính năng số hóa, lưu theo dạng chuyên đề, chủ đề còn rất hạn chế.

Đánh giá chung

Công tác xây dựng hệ thống CSDL khoa học ở nước ta trong những năm gần đây đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Điều này trước hết xuất phát từ nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về sự kết hợp giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao gắn với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; coi nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học vào trong quản lý, phát triển là một nhiệm vụ cần kíp phải thực hiện. Trong lĩnh vực này, mặc dù là nước đi sau nhưng so với thế giới và khu vực, công tác xây dựng hệ thống CSDL khoa học nước ta đang có những bước phát triển nhanh chóng.

Có thể thấy, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước đều coi trọng việc xây dựng CSDL phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng hệ thống chính trị… Hiện nay, các cấp ủy, tổ chức đảng bắt đầu có sự quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đồng thời hệ thống văn bản pháp lý vấn đề xây dựng CSDL ngày càng được quan tâm xây dựng và hoàn thiện.

Về cơ bản, hệ thống văn bản liên quan đến công tác xây dựng Đảng đang được lưu trữ với số lượng lớn, nhưng còn đang rải rác tại nhiều nơi. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, cả nước đã cơ bản hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, hình thành hệ thống quản lý văn bản điện tử từ Trung ương đến địa phương thông qua hệ thống mạng nội bộ của các ngành dọc các cơ quan của hệ thống chính trị. Đây là cơ hội thuận lợi để chúng ta tiến tới hình thành CSDL dùng chung.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng, chưa tiến hành một cách căn cơ, bài bản, thiết thực việc xây dựng hệ thống số liệu về công tác xây dựng Đảng. Nguồn nhân lực thực hiện việc này còn chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ kỷ nguyên số. Khối lượng tài liệu điện tử đã hình thành tại các cơ quan, đơn vị nhưng chưa được sắp xếp, quản lý khoa học, hiệu quả. Quá trình ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ tại các cơ quan, đơn vị đã dẫn đến hiện tượng tồn tại song song hai hình thức văn thư, lưu trữ, vừa điện tử, vừa truyền thống. Khó khăn trong xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển các ứng dụng là những nguyên nhân khiến công tác xây dựng hệ thống CSDL phục vụ công tác nghiên cứu khoa học còn chưa được đầu tư thỏa đáng. Điều này khiến chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ, có tính khả thi cao để đáp ứng được sự phát triển và yêu cầu trong tình hình mới.

Từ thực tiễn của các quốc gia có nền khoa học phát triển, có thể khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng, khai thác, sử dụng hệ CSDL phục vụ công tác chung của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của Việt Nam. Điều này khiến chúng ta cần nhìn nhận một số vấn đề trọng tâm cần thực hiện trong tương lai:

Thứ nhất, xu thế chung của các quốc gia trên thế giới đều coi trọng việc xây dựng, quản lý hệ thống tài liệu phục vụ công tác nghiên cứu và đây là yêu cầu tất yếu hòa vào dòng chảy dữ liệu lớn trên toàn cầu. Do đó, việc xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống CSDL về xây dựng đảng nói chung và về riêng lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng nói riêng là rất quan trọng, cần thiết.

Thứ hai, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử hiện nay là xu hướng chung trên thế giới. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào xây dựng hệ thống tài liệu, số liệu nhằm nâng cao hiệu quả trong các hoạt động quản lý, điều hành và tương tác với các bên liên quan.

Thứ ba, xây dựng hệ thống tài liệu, số liệu sẽ vẫn tồn tại việc lưu trữ tài liệu giấy đối với những tài liệu đặc biệt quan trọng, có tính bảo mật cao và xây dựng tài liệu điện tử để tạo sự thuận lợi trong quá trình khai thác, sử dụng. Và việc xây dựng, quản lý hệ thống tài liệu, số liệu điện tử cần có những mục tiêu và lộ trình rõ ràng.

Thứ tư, xây dựng hệ thống tài liệu, quy trình tiếp cận, sử dụng, bảo mật dữ liệu phù hợp với điều kiện đặc thù của từng đơn vị, tuy nhiên phải gắn với tầm nhìn chiến lược, mục tiêu chung của quốc gia về chuyển đổi số. Cần liên kết chặt chẽ với các dự án của quốc gia khi xây dựng, khai thác, sử dụng hệ thống tài liệu, số liệu riêng về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng.

ThS. Đỗ Thị Ngọc Anh

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/thuc-tien-hoat-dong-xay-dung-va-quan-ly-co-so-du-lieu-ve-linh-vuc-to-chuc-xay-dung-dang-18118