Thực thi trên cơ sở nội luật hóa các quy định của Công ước thành pháp luật Việt Nam

Tham nhũng tồn tại ở nhiều quốc gia và nền kinh tế thế giới, bao gồm cả các quốc gia, các nền kinh tế phát triển và các quốc gia, các nền kinh tế kém phát triển...

Tham nhũng là hiểm họa toàn cầu, cần có sự chung tay hành động, hợp sức cùng đấu tranh của cộng đồng quốc tế. Ngày 4-12-2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết số 55/61 xác định cần phải có một văn kiện pháp lý quốc tế hữu hiệu chống tham nhũng.

Trên thực tế, việc giải quyết vấn đề thông qua Công ước phải trải qua không phải 6 mà là 7 phiên họp của các quốc gia trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Ngày 1-10-2003, tại phiên họp thứ 7, với tinh thần khẩn trương và xây dựng, Công ước đã được thông qua với 8 chương và 71 Điều. Theo Nghị quyết số 58/169 ngày 18-12-2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chấp nhận đề nghị của Chính phủ Mê-hi-cô về việc đăng cai Hội nghị chính trị cấp cao về ký Công ước và mời các quốc gia tham gia Lễ ký Công ước tại thành phố Mê-ri- đa, Mê-hi-cô từ ngày 9 đến ngày 11-12- 2003.

Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng xác định mục đích của Công ước như sau: Thúc đẩy và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng có hiệu lực và hiệu quả hơn; Thúc đẩy, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong phòng, chống tham nhũng, bao gồm cả việc thu hồi tài sản; Thúc đẩy tính liêm chính, chế độ trách nhiệm và việc quản lý đúng đắn việc công và tài sản công.

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). ảnh minh họa

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). ảnh minh họa

Ngày 30-6-2009, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Ngày 19-8-2009, Bộ ngoại giao Việt Nam đã ra Tuyên bố về việc thực thi Công ước và gửi văn kiện bảo lưu đến Liên hợp quốc. Theo quyết định phê chuẩn năm 2009, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước này, có nghĩa vụ thực thi những cam kết thể hiện trong các điều khoản của Công ước, trừ những điều khoản tuyên bố bảo lưu.

Vấn đề đặt ra là, mức độ cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế qua việc ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đặt ra cụ thể như thế nào. Trong Tuyên bố về việc thực thi Công ước gửi Liên hợp quốc, Bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố không áp dụng trực tiếp quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; việc thực hiện các quy định của Công ước trên sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc “có đi có lại”.

Như vậy, đối với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Việt Nam có nghĩa vụ thực thi, nhưng là thực thi trên cơ sở nội luật hóa các quy định của Công ước thành pháp luật Việt Nam. Vấn đề tuân thủ, thực thi Công ước ở Việt Nam sẽ phải trải qua các giai đoạn: Nội luật hóa các quy định của Công ước; Tổ chức thực thi các quy định đã nội luật hóa; Hợp tác với các quốc gia khác trên cơ sở những thỏa thuận song phương hoặc đa phương; Đánh giá kết quả thực hiện Công ước.

Để việc thực thi Công ước một cách có kế hoạch và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7-4- 2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước với lộ trình 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2010 đến 2011 với mục tiêu tổ chức triển khai, phân công thực hiện cơ bản, toàn diện nội dung Công ước trên diện rộng; bổ sung chi tiêt, hướng dẫn hoàn thiện quy định pháp luật phòng chống tham nhũng cho phù hợp với Công ước.

Giai đoạn 2 từ năm 2011 đến 2016: Tiến hành đánh giá việc thực hiện giai đoạn 1 của Kế hoạch gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng để hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mới, biện pháp, hình thức tổ chức hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng với những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế; nghiên cứu kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng các nước, có lựa chọn từng bước áp dụng cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Giai đoạn 3 từ năm 2006 đến năm 2020: đánh giá toàn diện việc thực hiện nội dung Công ước, bổ sung cơ chế, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Nhật Nam

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/thuc-thi-tren-co-so-noi-luat-hoa-cac-quy-dinh-cua-cong-uoc-thanh-phap-luat-viet-nam-202920.html