Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT mở rộng cơ hội cho gỗ Việt

TGTTO Khi thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), hệ thống luật pháp liên quan đến ngành gỗ Việt sẽ được cải thiện nhiều. Từ đó xuất khẩu (XK) gỗ của Việt Nam không những sẽ mở rộng thị trường Liên minh châu Âu (EU) mà còn mở rộng ra nhiều thị trường khác, có tiềm năng tăng trưởng từ 10-15%.

Hiệp định VPA/FLEGT kỳ vọng sẽ "mở rộng "cánh cửa" XK gỗ của Việt Nam ra thị trường thế giới

Chiều ngày 31/10, Bộ NN-PTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Tọa đàm Trực tuyến: “Thực thi Hiệp định VPA/FLEGT: Cơ hội và thách thức với XK gỗ Việt Nam”.

EU là thị trường tiêu thụ gỗ lớn thứ 4, chiếm hơn 10% thị phần XK gỗ của Việt Nam và hơn 400 DN đang XK sang thị trường này. Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho hay: EU được coi là một thị trường vô cùng quan trọng với gỗ Việt, vì vậy, việc ký VPA/FLEGT sẽ giúp các sản phẩm gỗ XK trực tiếp vào 28 nước châu Âu mà không cần phải qua một nước trung gian nào. Thị trường sẽ rộng mở hơn, dự đoán trong vài năm nữa, kim ngạch XK gỗ sang EU sẽ tăng gấp đôi, từ 700 triệu USD hiện nay lên hơn 1 tỷ USD.

Nhưng điều quan trọng hơn đó là Hiệp định VPA/FLEGT được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực: kinh tế - xã hội và môi trường, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế, đặc biệt góp phần thúc đẩy thị trường XK mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại các thị trường khác, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam trên toàn cầu, giúp mở rộng thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ của ta sang các các nước ngoài EU như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các thị trường khác góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt từ 12-13 tỷ USD vào năm 2020, vươn lên đứng thứ 4 thế giới.

Cũng theo ông Phạm Văn Điển, hiệp định này đã tạo ra cho Việt Nam vị thế lớn khi tham gia thị trường và chuỗi giá trị gỗ toàn cầu. Tham gia Hiệp định, ngành gỗ Việt sẽ làm theo cách chuyên nghiệp hơn, công khai, minh bạch và phù hợp với các công ước, tiêu chuẩn của quốc tế. Bên cạnh đó, khi tham gia Hiệp định này, chúng ta còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn. Ví dụ gỗ thành phẩm bình thường chỉ có giá 1.400-1.800USD/m3 thì nếu áp dụng công nghệ cao giá sẽ lên tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm. Hiệp định VPA/FLEGT đem đến cho chúng ta thị trường vô cùng rộng lớn, không sợ ế hàng, không lo bị ép giá.

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Tô Kim Liên - Giám đốc Trung tâm giáo dục và phát triển (CED) - đánh giá, việc ký kết hiệp định này không chỉ giúp Việt Nam mở rộng thị trường EU, mà còn có thể XK vào nhiều thị trường khác. Nói cách khác hiệp định sẽ có tác động kép. Theo bà Liên, hiện nay, không chỉ riêng EU có quy chế về gỗ hợp pháp, mà Hoa Kỳ còn có đạo luật Lacey trước cả EU, tương tự, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã ban hành luật sử dụng gỗ sạch, hoặc gỗ bền vững.

“Trong các thị trường gỗ Việt Nam XK nhiều nhất hiện nay Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc thì 5 thị trường đã có quy định, chỉ còn Trung Quốc là chưa. Do đó, khi Việt Nam đàm phán Hiệp định, các bạn hàng Hoa Kỳ cũng rất trông chờ chúng ta sẽ thực hiện được gì?”, bà Liên nói.

Theo vị chuyên gia này, khi thực hiện hiệp định, hệ thống luật pháp liên quan đến ngành gỗ Việt sẽ được cải thiện nhiều, từ đó XK gỗ và sản phẩm gỗ Việt không những sẽ mở rộng thị trường EU mà còn mở rộng ra nhiều thị trường khác, có tiềm năng tăng trưởng từ 10-15%. “Một tin vui là ngay khi cả hiệp định chưa ký, các đơn hàng đã tăng lên rất nhiều vì khách hàng tin tưởng chúng ta đã có những cam kết thực hiện hiệp định, trong đó thị trường Hoa Kỳ là đối tác hết sức quan trọng”, bà Liên nói.

Cơ hội thị trường rộng mở, tuy nhiên, bà Nguyễn Tường Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp) - cho hay, khi hiệp định này đi vào thực thi, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các DN, kể cả những DN không tham gia thị trường XK, bởi hiệp định yêu cầu và đề cao rất rõ tính minh bạch của nguyên liệu gỗ - điều mà từ trước đến nay chỉ những DN tham gia XK mới cần quan tâm tới. Những lợi ích trên sẽ đi kèm với nhiều thách thức, đòi hỏi các DN phải sản xuất minh bạch hơn, tuân thủ đúng theo yêu cầu của Hiệp định, đây chính là điều mà chúng ta hướng tới để phát triển tốt hơn nữa công tác XK các sản phẩm lâm nghiệp.

Tại Hội nghị “Định hướng, giải phát phát triển nhanh, bền vững ngành công nghệ chế biến gỗ và lâm sản XK” được tổ chức mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra định hướng cho ngàng trong 10 năm tới ngành chế biến gỗ và lâm sản XK của Việt Nam phải trở thành ngành mũi nhọn trong sản xuất, XK. Thủ tướng cũng đặt ra mục tiêu cho ngành chế biến gỗ là lâm sản XK phấn đấu đạt 9 tỷ USD vào năm 2018, đạt 11 tỷ USD vào năm 2019, đạt từ 12-13 tỷ USD vào năm 2020 và đến năm 2025 phấn đấu đạt 18-20 tỷ USD.

LÊ HẬU

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho thấy, những năm qua, ngành Lâm nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013- 2016 so với 5,03%/năm trong giai đoạn 2010-2012. Năm 2017 đạt mức tăng trưởng 5,27%. Tài nguyên rừng phục hồi nhanh. Độ che phủ rừng năm 2017 đạt 41,45%. Công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản có nhiều chuyển biến tích cực. Gỗ và lâm sản là ngành hàng XK quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục tăng trưởng cao trong thập kỷ qua. Năm 2017 kim ngạch XK đã đạt trên 8 tỷ USD. 10 tháng năm 2018, XK lâm sản tiếp tục tăng trưởng trên 16%, ước đạt 7,6 tỷ USD, xuất siêu lâm sản chính 5,72 tỷ USD, và là một trong những ngành có giá trị XK đứng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp (chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch XK toàn ngành).

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/thu-x4c-thi-hiep-dinh-vpa-flegt-mo-rong-co-hoi-cho-go-viet-16685.html