Thực thi chính sách yếu vẫn là 'rào cản' với doanh nghiệp

Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, thời gian qua đã có nhiều chính sách, văn bản pháp luật mới được ban hành với mục đích hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định, việc tháo gỡ chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, thời gian qua đã có nhiều chính sách, văn bản pháp luật mới được ban hành với mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

- Theo ông, chính sách, văn bản pháp luật mới này đã tác động cụ thể như thế nào đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp?

Những hoạt động cụ thể này đã cải thiện đáng kể chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhờ đó, niềm tin của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể khi chất lượng môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện.

Điều đó cũng cho thấy sự cải cách đang đi đúng hướng và việc hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn.

Minh chứng rõ ràng nhất chính là kết quả điều tra PCI 2018 cho thấy mức độ lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức tương đối cao với 49,3% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh với quy mô hiện tại là 42,4%. Chỉ có 8,3% còn lại cho biết sẽ giảm quy mô kinh doanh hoặc có kế hoạch đóng cửa.

Mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng gia tăng theo quy mô của doanh nghiệp. Kết quả điều tra cho thấy nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn hơn thì có kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động nhiều hơn.

Cụ thể, chỉ 41% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng sẽ gia tăng quy mô sản xuất kinh doanh; trong khi với nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn từ 200 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ doanh nghiệp sẽ mở rộng quy mô hoạt động lên tới 70%.

Với những chính sách như vậy, thời gian qua, chúng ta không chỉ chứng kiến sự phát triển không ngừng của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước mà tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam cũng tăng lên.

Việc xây dựng chính sách, pháp luật có bước tiến nhưng đáng lo là việc thực thi lại mang về kết quả không được như mong đợi.

Không chỉ vậy, những chính sách còn giúp số doanh nghiệp mới thành lập tăng cao, đưa Việt Nam tiến gần hơn với mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Cùng với đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ cạnh tranh quốc tế đã được cải thiện đáng kể (năm 2019 nâng 10 bậc và là quốc gia có chỉ số cải thiện cao nhất thế giới).

Thật ra, thước đo chất lượng các văn bản chính sách, quy định pháp luật chính là sự tiếp nhận tích cực của thực tiễn thông qua việc thực thi chính sách pháp luật nhanh, chi phí thấp, tạo được động lực phát triển bền vững.

- Song công bằng mà nói, thời gian qua, vẫn còn những điểm hạn chế trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp gặp khó trong quá trình kinh doanh, thưa ông?

Đúng là việc xây dựng chính sách, pháp luật có bước tiến nhưng đáng lo là việc thực thi lại mang về kết quả không được như mong đợi, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp và người dân “phàn nàn” về các thủ tục hành chính và quá trình thực thi pháp luật.

Kết quả điều tra PCI 2018 cho thấy gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” đang là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2018 có 15,8% doanh nghiệp cho biết phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ tất cả các giấy tờ cần thiết để có thể chính thức đi vào hoạt động. Con số trên có xu hướng gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn để xin được các loại giấy phép cũng cao ở mức đáng báo động. 34% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 30% doanh nghiệp phải mất thời gian chờ đợi để nhận được giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy. Trong quá trình hoạt động, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin cấp giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc các loại giấy chứng nhận khác.

Môi trường kinh doanh Việt Nam dù có nhiều cải thiện nhưng quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ ngành ở thời điểm hiện tại đang chững lại và xuất hiện nhiều rào cản mới, chi phí bôi trơn vẫn còn ở mức cao; tình trạng tham nhũng dù đã được ngăn chặn nhưng chưa được đẩy lùi đáng kể, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa được cải thiện, doanh nghiệp Việt vẫn chưa lớn hoặc không muốn lớn.

Những vấn đề này, nếu không sớm được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp trong nước hoặc phải duy trì mức trung bình đủ để tồn tại hoặc phải chấp nhận sáp nhập.

- Vậy theo ông, trong thời gian tới, chính sách pháp luật cần cải thiện như thế nào để hỗ trợ hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp?

Muốn thay đổi, cải thiện tháo gỡ chính sách tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp thì chúng ta không thể xử lý theo kiểu từng vụ việc, từng văn bản theo kiểu "nóng tay bắt lỗ tai".

Tôi cho rằng, chúng ta cần thay đổi toàn diện, đột phá, sáng tạo theo hướng định vị đúng vai trò của nhà nước và thị trường, phân định chức năng kiến tạo và phát triển của nhà nước và vai trò của doanh nghiệp, đổi mới thể chế cần được đặt trong sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của nền kinh tế kỹ thuật số, nền kinh tế chia sẻ, sáng tạo và quyết liệt.

Việc cải cách phải toàn diện dựa trên các tiêu chí, các chỉ số mà thế giới thường áp dụng; cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ là các điều kiện kinh doanh mà còn là môi trường khởi nghiệp, sáng tạo, là đổi mới một cách đồng bộ với đổi mới chính trị, kinh tế, tư pháp song song với việc phải nghiêm chỉnh thực thi pháp luật và nâng cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước trước nhân dân, doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Trang thực hiện

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thuc-thi-chinh-sach-yeu-van-la-rao-can-voi-doanh-nghiep-159299.html