Thực thi các FTA: Tư duy 'ăn xổi', khó hội nhập

Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các lĩnh vực xuất khẩu bị sụt giảm. Tuy nhiên, các Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA đang mở ra những kỳ vọng mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp (DN) trong nước cần thay đổi tư duy, cung cách làm ăn mới mong trụ vững tại thị trường khó tính này.

EVFTA thêm cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu.

EVFTA thêm cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu.

“Cứu cánh” của hàng hóa xuất khẩu

Do ảnh hưởng của Covid-19, thế giới hạn chế xuất nhập khẩu khiến cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm. Đặc biệt, nhóm hàng top đầu xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy hải sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của đại dịch. Cụ thể, số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, tính đến nửa đầu tháng 8/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU chỉ đạt 85,55 triệu USD, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu sang một số thị trường khác như Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha cũng sụt giảm mạnh mẽ.

Tương tự, xuất khẩu da giày, dệt may cũng không hề sáng sủa. Theo số liệu của Bộ Công Thương, sau 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 19,25 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, xuất khẩu giày dép các loại 8 tháng đầu năm cũng chỉ thu về khoảng 10,9 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành dệt may cũng như da giày đều đang phải lận đận “chạy” từng đơn hàng, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, từ nay đến cuối năm, các DN sẽ tiếp tục còn gặp khó khăn khi vẫn thiếu hụt đơn hàng.

Những tác động của dịch bệnh Covid-19 lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là rất rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được coi là “cứu cánh” cho xuất khẩu hàng hóa của nước nhà.

Đặc biệt, EVFTA được thực thi từ 1/8/2020 vừa qua được đánh giá là sẽ mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt bứt phá, từ đó có thể hồi phục sau những khủng hoảng do đại dịch Covid-19.

Cụ thể, nhiều chuyên gia trong ngành da giày và dệt may nhận định, EVFTA sẽ là đòn bẩy tích cực cho các doanh nghiệp dệt may và da giày. Theo đó, với số dân hơn 500 triệu người và chiếm tới gần 30% kim ngạch xuất khẩu với giá trị khoảng gần 6 tỷ USD mỗi năm, thị trường EU chính là mảnh đất màu mỡ để các DN xuất khẩu khai thác.

Điều này cũng được bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giày -Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhấn mạnh khi cho rằng, EU là thị trường truyền thống của ngành da giày Việt Nam và khi EVFTA có hiệu lực sẽ thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu giày vào thị trường này, giúp bù đắp những thiệt hại của xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2020.

Bỏ tư duy “ăn xổi”

Với ngành hàng thủy sản, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn vì Covid-19, Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, EVFTA mở ra những cơ hội mới để các sản phẩm thủy sản có thể bước chân vào thị trường này khi hàng loạt thuế suất bằng 0%. “Trước đến nay, EU vẫn là thị trường giàu tiềm năng của ngành thủy sản và hiện chúng ta vẫn đang có rất nhiều dư địa để xuất khẩu vào thị trường này”, theo đại diện Tổng cục Thủy sản.

Điều này cũng được minh chứng rõ nét khi chỉ từ đầu tháng 8/2020 đến nay (thời điểm EVFTA chính thức được thực thi), xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020.

Như vậy, có thể thấy, các FTA, đặc biệt là EVFTA đang mở ra những cơ hội cho các DN Việt có thể hồi sinh, vượt qua khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, để có thể vững chân tại thị trường này, nhiều ý kiến cho rằng, các DN Việt cần thay đổi tư duy, cung cách làm ăn thay vì tư duy “ăn xổi” như trước.

Một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, trước nay, nhiều DN Việt có kiểu làm ăn chỉ “tử tế” ở lô hàng đầu, đến lô hàng sau là lại “ẩu” như vậy sẽ gây mất uy tín đối với bạn hàng. Đó là tư duy “ăn xổi” mà các DN Việt Nam cần phải thay đổi.

Phân tích rõ về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay, việc đảm bảo chất lượng hàng hóa phải là tiêu chí đầu tiên của DN Việt khi đưa hàng xuất khẩu sang thị trường thế giới, đặc biệt là EU. Bởi, người tiêu dùng EU rất khó tính, chỉ cần một lần mất niềm tin là lần sau họ sẽ không muốn mua lại sản phẩm xuất xứ từ quốc gia đó nữa.

Bởi vậy, theo vị chuyên gia này, muốn làm ăn lâu dài tại thị trường EU, các DN Việt Nam nhất định phải đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Minh Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuc-thi-cac-fta-tu-duy-an-xoi-kho-hoi-nhap-508094.html