Thực thi các FTA: Doanh nghiệp không thể chủ quan trước các quy định về phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại (PVTM) là vấn đề đang được quan tâm hiện nay khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, với nguồn lực còn hạn chế, việc nâng cao năng lực, chủ động ứng phó với các vụ việc PVTM, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đang hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có cuộc trao đổi về vấn đề trên với phóng viên Báo Công Thương.

DN Việt Nam cần chủ động, năng cao năng lực để ứng phó các vụ việc về PVTM trong bối cảnh thực thi nhiều FTA hiện nay

DN Việt Nam cần chủ động, năng cao năng lực để ứng phó các vụ việc về PVTM trong bối cảnh thực thi nhiều FTA hiện nay

Nền kinh tế Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu hơn vào trao đổi thương mại toàn cầu, thực thi nhiều cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn những vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông, bối cảnh này sẽ tác động ra sao đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam?

Ông Lê Anh Văn - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Các FTA truyền thống, cũng như các FTA thế hệ mới mà chúng ta vừa tham gia ký kết, đều có điều khoản về PVTM. Có thể nói, hầu hết các FTA đều có mục tiêu xóa bỏ các rào cản thương mại, các thành viên tham gia đều có kỳ vọng không áp dụng các biện pháp PVTM trong thành viên nội khối.

Tuy nhiên, quá trình thực thi các FTA, cộng đồng DN của chúng ta, trong đó có các DNNVV không thể chủ quan trước các quy định về PVTM. Do đó tác động của các quy định về PVTM đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, chúng ta phải hiểu trên 2 khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Về tác động tích cực, trong điều kiện ký kết các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới có mức độ cam kết rất sâu rộng, Việt Nam cam kết xóa bỏ tới 80% đến hơn 90% các dòng thuế, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng hơn. Trong khi đó các DNNVV thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo của Việt Nam đang còn nhiều khó khăn nội tại như: về năng lực quản trị, ứng dụng khoa học, chất lượng nguồn nhân lực, mức độ cạnh tranh thấp.

Trong bối cảnh đó, để hạn chế những thiệt hại, cũng như đe dọa gây thiệt hại đối với ngành sản xuất, chế tạo trong nước, việc quy định và thực thi về các biện pháp PVTM trong các FTA sẽ là cơ sở để Việt Nam điều tra, áp dụng các biện pháp phù hợp; góp phần khuyến khích sản xuất trong nước, cân bằng cán cân thanh toán.

Mặt khác, việc quy định về PVTM trong các FTA giúp DN Việt Nam tăng tính chủ động trong rà soát thị trường, rà soát lại giá bán sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào vào một thị trường. Là động lực giúp DN thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu. Có chiến lược chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng thương hiệu, chất lượng.

Về tác động tiêu cực, có thể thấy rằng, việc quy định về PVTM trong các FTA gây ra những thách thức lớn cho các DN. Đó là vấn đề DN có thể bị điều tra về bán phá giá, áp dụng các biện pháp PVTM nhiều hơn. Cụ thể, ký kết các FTA với các quy định về PVTM trong khi các DNNVV còn thiếu thông tin, chưa nắm rõ, chưa tìm hiểu kỹ. Do đó chưa chủ động được các biện pháp PVTM để bảo vệ mình, cũng như chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan Nhà nước thực hiện các biện pháp PVTM, điều đó làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, thậm chí một số DN còn bị mất thị phần. Ngoài ra có thể làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp xuất hiện, gây ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính.

Đứng trước áp lực từ các vụ kiện PVTM, sự chủ động của DN được nhận định là yếu tố quyết định để đối mặt và đứng vững trên thị trường. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Trước diễn biến của các vụ kiện về PVTM của nước ngoài có xu hướng gia tăng, để đối phó với sự kiện pháp lý về PVTM, phòng ngừa các rủi ro pháp lý liên quan đến có thể bị khởi kiện, điều tra về PVTM, các DN có hàng hóa xuất khẩu cần chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, các quy định về PVTM trong các FTA mà Việt Nam và đối tác cùng tham gia; cần tìm hiểu thực tiễn điều tra PVTM của những nước mà DN xuất khẩu hàng hóa.

Mặt khác, DN cần xây dựng bộ phận pháp chế, nâng cao hệ thống quản trị tiên tiến, lưu trữ hồ sơ chứng từ rõ ràng. Để có thể chứng minh, trả lời các bảng câu hỏi trong trường hợp DN của mình là bị đơn trong các vụ kiện PVTM, theo dõi sát các lập luận của nguyên đơn, chứng minh các số liệu mà cơ quan điều tra sử dụng chưa chính xác. Ngoài ra, DN cần chủ động sử dụng “vũ khí” PVTM để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước hàng hóa nhập khẩu.

Các hiệp hội DN, nhất là VINASME, tổ chức khác được coi là đầu mối để hỗ trợ, giúp DN nâng cao năng lực PVTM. Ông có đề xuất gì để các hiệp hội thực hiện vai trò của mình?

Thực tế cho thấy, ban đầu các vụ khởi xướng điều tra PVTM có thể bắt đầu với bị đơn là một DN hoặc 1 vài DN. Tuy nhiên nguy cơ thiệt hại cho cả một ngành hàng là rất lớn. Vì vậy, vai trò của các Hiệp hội DN, các tổ chức đại diện DN là rất lớn.

Theo đó, khi xuất khẩu hàng hóa Việt Nam không ngừng gia tăng; việc thực thi các cam kết của nhiều FTA, các hiệp hội cần chủ động khuyến cáo các thông tin về thị trường xuất khẩu cho hội viên, DN để đánh giá nguy cơ nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp PVTM; thông báo kịp thời các thông tin liên quan đến nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM cho DN hội viên biết.

Ngoài ra, các hiệp hội cần xem xét cử đại diện có tiếng nói, kiến nghị, tham gia bên liên quan trong các vụ việc điều tra về PVTM; tăng cường hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho hội viên về các quy định về PVTM theo pháp luật Việt Nam và các quy định về PVTM trong các FTA; cũng như thành lập các tổ chức trung gian để thực hiện tư vấn pháp lý, hỗ trợ hội viên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các sự kiện pháp lý về PVTM.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-thi-cac-fta-doanh-nghiep-khong-the-chu-quan-truoc-cac-quy-dinh-ve-phong-ve-thuong-mai-144984.html