Thực tế về đậu mùa khỉ ở châu Phi

Số bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận ở châu Phi thấp hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi được cho là chưa thực sự chính xác khi tiềm lực xét nghiệm và điều trị hạn chế, chưa kể việc đến nay vẫn chưa có một loại vaccine nào được công bố rộng rãi tại châu lục.

Hệ thống y tế của châu Phi vẫn đang gặp nhiều khó khăn trước bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters.

Hệ thống y tế của châu Phi vẫn đang gặp nhiều khó khăn trước bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters.

Nhiều đứa trẻ đang mắc bệnh đậu mùa khỉ

Tại một phòng khám trong làng ở trung tâm Congo, bé Angelika Lifafu, 6 tuổi, nắm chặt lấy chiếc váy của mình và khóc thét lên khi các y tá lấy mẫu từ một trong số hàng trăm nốt mụn nhọt gây tổn thương cho làn da mỏng manh của em.

Nhiều đứa trẻ ở châu Phi đang mắc bệnh đậu mùa khỉ, một căn bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở Congo cách đây 50 năm, nhưng số ca mắc bệnh đã tăng đột biến ở Tây và Trung Phi kể từ năm 2019. Căn bệnh này ít được chú ý cho đến khi nó lây lan trên toàn thế giới vào năm nay, lây nhiễm cho 77.000 người.

Các cơ quan y tế toàn cầu đã thống kê được rất ít trường hợp mắc bệnh ở châu Phi trong đợt bùng phát hiện nay so với ở châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, báo cáo của Reuters cho thấy, sự bùng phát và số người chết ở Congo có thể lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê chính thức, phần lớn là do điều kiện xét nghiệm hạn chế ở các vùng nông thôn và không có thuốc hiệu quả. Trong tháng này, các phóng viên Reuters đã tìm thấy khoảng 20 bệnh nhân đậu mùa khỉ, trong đó có 2 người đã chết, những trường hợp này không được ghi nhận cho đến khi các phóng viên đến thăm. Không ai trong số họ, kể cả cô bé Angelika, được tiếp cận với vaccine hoặc thuốc chống virus.

Hơn một chục nhân viên y tế cho biết, thiếu các cơ sở xét nghiệm và liên kết vận chuyển kém khiến việc xét nghiệm virus gần như không thể thực hiện được. Khi được hỏi về việc thống kê thiếu, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC) cũng thừa nhận rằng, dữ liệu của họ không nắm được toàn bộ mức độ bùng phát.

Theo số liệu của CDC Mỹ, ở phương Tây, chỉ có khoảng 10 người chết vì bệnh đậu mùa khỉ trong năm nay. Châu Âu và Mỹ đã có thể tiêm chủng cho các cộng đồng có nguy cơ. Các trường hợp nghi ngờ được kiểm tra định kỳ, cách ly và điều trị sớm, giúp cải thiện tỷ lệ sống sót. Vì thế, số trường hợp bệnh ở châu Âu và Mỹ đã ổn định và bắt đầu giảm.

Trong khi đó, theo CDC châu Phi, kinh tế ở châu Phi còn nghèo, nhiều người không được tiếp cận nhanh chóng với các cơ sở y tế, hoặc không nhận thức được mối nguy hiểm, hơn 130 người đã chết, hầu hết đều ở Congo. Không có loại vaccine đậu mùa khỉ nào được công bố rộng rãi ở châu Phi.

CDC Châu Phi tiếp tục cho biết, Congo chỉ có hơn 4.000 trường hợp nghi ngờ và xác nhận và 154 trường hợp tử vong trong năm nay. Con số này thấp hơn nhiều so với 27.000 trường hợp được ghi nhận ở Mỹ và 7.000 ở Tây Ban Nha. Các quốc gia châu Phi có ổ dịch bao gồm Ghana, nơi có khoảng 600 trường hợp đang nghi ngờ và xác nhận và ở Nigeria là 2.000.

Lịch sử lặp lại

Năm ngoái, Tổ chức Y tế thế giới đã gọi phản ứng với đại dịch Covid-19 là "thất bại", khi các quốc gia châu Phi bị xếp sau trong việc được cung cấp vaccine, xét nghiệm và điều trị. Nhưng các nhân viên y tế cho biết, những thất bại đó đang lặp lại sau một năm với bệnh đậu mùa khỉ. Các chuyên gia cho biết, điều này có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong tương lai ở châu Phi và toàn cầu.

Trong khi nhu cầu đột ngột từ các nước phương Tây đã hút hết vaccine sẵn có, thì các nước nghèo như Congo, nơi dịch bệnh đã tồn tại đủ lâu để trở thành bệnh lưu hành lại bị chậm chạp trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp vaccine từ WHO và các đối tác.

Bộ trưởng Y tế Congo Jean-Jacques Mbungani cho biết, Congo đang đàm phán với WHO để mua vaccine, nhưng chưa có yêu cầu chính thức nào được đưa ra. Người phát ngôn của Liên minh vaccine Gavi cho biết, họ chưa nhận được yêu cầu từ các quốc gia châu Phi.

Một phát ngôn viên của WHO cho rằng, trong bối cảnh không có vacicne, các quốc gia nên tập trung vào giám sát và truy vết ca bệnh. Giáo sư Dimie Ogoina - Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Nigeria cho biết: “Lịch sử đang lặp lại. Hết lần này đến lần khác, việc ngăn chặn dịch bệnh ở châu Phi không nhận được nguồn tài chính cần thiết. Nó đã xảy ra với HIV, với Ebola, Covid-19 và nay là với bệnh đậu mùa khỉ”.

Ông Ogoina và các chuyên gia khác cho biết, nếu không có đủ nguồn lực, sự lây lan thực sự của virus là không thể lường trước được. Bệnh đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc gần với các vết thương trên da. Đối với hầu hết mọi người, nó sẽ tự khỏi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, trẻ em với hệ miễn dịch non nớt sẽ dễ bị các biến chứng nặng.

Các nước châu Phi hy vọng, quyết định tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của WHO hồi tháng 7 sẽ huy động được các nguồn lực. Ông Ambrose Talisuna, người phụ trách sự cố bệnh đậu mùa ở khỉ của WHO tại lục địa này cho biết, WHO đã đưa được khoảng 40.000 cuộc xét nghiệm tới châu Phi, trong đó có 1.500 đến Congo.

Trong tháng này, Viện Nghiên cứu Y sinh quốc gia Congo đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng loại thuốc virus tecovirimat trên bệnh nhân đậu mùa khỉ.

Sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 7 năm nay, CDC châu Phi đã kêu gọi các nước trong khu vực tăng cường khả năng xét nghiệm và hối thúc các quốc gia châu Phi xây dựng và chia sẻ các thông điệp về căn bệnh này tới các cộng đồng và nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuc-te-ve-dau-mua-khi-o-chau-phi-5700916.html