Thực tế phim là một di sản văn hóa

Ngày 15/1, tại Hà Nội, Hội đồng Anh phối hợp với Viện Phim Việt Nam, tổ chức hội thảo 'Phim như một di sản văn hóa'.

Cảnh trong phim “Sống cùng lịch sử”.

Trước nay, dù phim chưa được xếp vào di sản văn hóa, nhưng phim, video và các dạng thức hình ảnh động khác đóng vai trò như một phương tiện quan trọng của cuộc sống thường ngày, đóng góp vào các nỗ lực của chúng ta trong việc ghi lại và diễn giải lịch sử của cộng đồng cũng như của cá nhân.

Hội thảo nhằm mục tiêu quảng bá giá trị văn hóa và xã hội của lưu trữ phim và các tư liệu lưu trữ, đặc biệt tạo điều kiện cho các đối thoại mới giữa các tổ chức khác nhau (các cơ quan và tổ chức nhà nước, các tổ chức độc lập, nhà làm phim, công chúng, chuyên gia và người thực hành trong các lĩnh vực nghệ thuật khác).

Thông qua những bộ phim tiêu biểu, ta có thể thấy những giai đoạn nổi bật của lịch sử, văn hóa, xã hội và con người Việt Nam. Phim như một cỗ máy thời gian, đưa đến cơ hội để nhìn lại các ký ức và quá khứ tái hiện trên màn ảnh rộng, qua đó có một cái nhìn thú vị vào tương lai.

Ông Nguyễn Như Vũ- quyền Giám đốc Hãng phim Tài liệu khoa học trung ương nói: Những bộ phim tài liệu về chiến tranh của Việt Nam thực tế là di sản dù chưa có văn bản pháp lý nào đề cập đến. Khi xem những thước phim tư liệu, những bộ phim tài liệu ta thấy hiện lên quá khứ. Vậy phim vừa là di sản vật thể vừa là phi vật thể.

Phim “Đến hẹn lại lên” là một tác phẩm nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam những năm 70, của thế kỷ XX. Khi xem “Đến hẹn lại lên” ta thấy câu chuyện đầy cảm động quanh số phận một người con gái miền quê quan họ, cô Nết, ở quãng thời gian đầy biến động ngay trước cuộc Cách mạng tháng Tám bùng nổ.

Còn trong phim “Mùa ổi” (sản xuất năm 2000) hiện lên những đổi thay của Việt Nam qua đôi mắt của một chàng trai hiền lành tử tế, Hòa (Bùi Bài Bình). Một tai nạn thời thơ ấu đã khiến đầu óc Hòa trở nên không bình thường, anh được chị mình (Lan Hương) chăm sóc hơn 30 năm. Luôn đắm chìm trong những hồi ức đẹp, Hòa bị thu hút và tìm về căn nhà cũ của cha anh, nay thuộc quyền sở hữu của con gái một doanh nhân. Họ đã vun đắp một tình bạn thầm lặng cùng nhau, song luôn gặp khó khăn bởi những hiểu nhầm của những người xung quanh…

Ông Lê Tuấn Anh- Phó phòng kỹ thuật Viện Phim Việt Nam nêu vấn đề: Việc bảo tồn và lan tỏa các tư liệu lịch sử này phụ thuộc nhiều vào các quy trình lưu trữ, phục chế và quảng bá phim và video. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều các hoạt động và đầu tư cho các công việc này: cũng như các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế, một mối quan tâm mới cho lịch sử điện ảnh địa phương đã xuất hiện ở Việt Nam. Việc lưu trữ phim nhựa và phim số ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do thời tiết và mức kinh phí đầu tư cho kho, cho thiết bị chống mốc, chua…

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm chia sẻ: “Trong gần 20 năm làm báo và chuyên viết về điện ảnh, tôi luôn dành sự quan tâm cho điện ảnh Việt Nam. Xuất phát từ những ký ức tuổi thơ với những bộ phim Việt Nam từng là món ăn tinh thần. Tôi sinh ra và lớn lên ở bờ bắc sông Hiền Lương, vùng đất “thép” này cũng là đề tài của hai bộ phim điện ảnh Việt Nam tiêu biểu trong thời chiến tranh là “Chung một dòng sông” (1959) và “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972). Qua bộ phim, ta thấy được một “biên niên sử” Việt Nam bằng điện ảnh. Đó là những biến động và bình lặng, những chia cắt và hòa hợp, vết thương và hàn gắn, khổ đau và hạnh phúc, tan vỡ và hồi sinh, nước mắt và nụ cười, ra đi và trở về... của người Việt Nam”.

Giám đốc lưu trữ phim Screen Archive South East, Đại học Brighton, Vương quốc Anh Frank Gray cho rằng: “Di sản là những giá trị chúng ta trân trọng trong một vùng miền, cộng đồng hay một quốc gia. Những tác phẩm nghệ thuật, hiện vật, những sự kiện lịch sử, câu chuyện, hồi ức được ghi chép lại và hiện hữu thông qua các đồ vật. Di sản phim là những điều thể hiện rõ nhất lịch sử phim của chúng ta. Điện ảnh là thứ thể hiện rõ nhất cuộc sống, công việc và sự sáng tạo qua sự sản xuất của các tổ chức, công ty, cộng đồng, các nhà làm phim, những nghệ sĩ và cá nhân”. Nói về di sản phim và bản quyền, ông Frank Gray cũng cho rằng: Đó là cách tôn trọng tác giả và pháp luật. Giám sát và cung cấp sự truy cập tới các nội dung được cấp phép bởi người chủ sở hữu và người thừa kế của họ.

Hội thảo “Phim như một di sản văn hóa” nằm trong chương trình Văn hóa và phát triển của Hội đồng Anh tại Việt Nam.

Thu Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/thuc-te-phim-la-mot-di-san-van-hoa-tintuc427742