Thực tại ảm đạm ở thành phố Venezuela từng 'sống kiểu Mỹ'

Maracaibo là thành phố đầu tiên từ nhiều năm qua phải chịu đựng nạn thiếu thực phẩm, xăng dầu và nạn cúp điện xảy ra hàng ngày.

Maracaibo, thủ phủ bang Zulia vốn là thành phố tiên tiến nhất của Venezuela, được xây dựng theo kiểu Mỹ với xe hơi và máy lạnh. Ngày nay người dân Maracaibo sống trong một cơn ác mộng đang dần trải rộng trên cả nước. Người dân thành phố Maracaibo nay không có an toàn thực phẩm, không điện, không xăng dầu, ngay cả một tờ báo in để xem tin tức cũng không, vì tờ cuối cùng là Panorama đã đình bản từ hôm 15/5/2019.

Cảnh xe hết xăng phải đẩy trên đường không còn hiếm gặp ở Maracaibo.

Cảnh xe hết xăng phải đẩy trên đường không còn hiếm gặp ở Maracaibo.

Khi bước vào sảnh khách sạn Kristoff để trả lời phỏng vấn, người giảng viên đại học vẫn phải nhìn quanh quất mọi nơi, và đòi hỏi được ẩn danh. Bà lo sợ bị FAES trông thấy. Đó là lực lượng đặc biệt chống tội phạm do Maduro thành lập, có hành tung đáng ngờ, có quyền bắn chết một nghi phạm không thông qua xét xử, nhân danh chống mafia. Ngay trước khách sạn, FAES trang bị vũ khí hạng nặng lẫn lộn với “colectivo” tức dân quân ; và cả nguyên một tầng lầu của Kristoff đang được các thành viên của Sebin, tức an ninh, chiếm ngụ.

Từ cảnh “xài máy lạnh thả ga”, nay không điện, nước

Maracaibo là thành phố đầu tiên từ nhiều năm qua phải chịu đựng nạn thiếu thực phẩm, xăng dầu và nạn cúp điện xảy ra hàng ngày. Đây là nghịch lý đối với một thành phố được hưởng lợi từ dầu lửa ngay đầu thế kỷ 20.

Cư dân ở đây từng được ưu đãi nhất nước, người dân Maracaibo luôn cảm thấy mình hơn hẳn so với những địa phương khác. Nằm gần hồ nước lớn nhất Nam Mỹ, ở giữa đoạn đường nối thủ đô Colombia là Bogota với thủ đô Caracas của Venezuela, Maracaibo phát triển hết sức nhanh chóng nhờ nguồn lợi dầu lửa.

Juan Romero, một thương gia, cho biết: “Chúng tôi từng luôn đi đầu so với cả nước. Maracaibo là địa phương đầu tiên có mạng lưới đường sắt, những con đường trải nhựa, một mạng lưới điện bao phủ toàn thành phố. Tại đây cũng có nền nông nghiệp hiện đại, một hệ thống thu mua sữa bò tươi với việc lắp đặt các tủ trữ lạnh ở các nông trại, các xe tải có hệ thống lạnh và các nhà máy xử lý sữa tươi”.

Khu vực Maracaibo là cột trụ trong việc sản xuất dầu lửa và khí đốt của Venezuela. Có đến 14.000 km đường ống dẫn chạy suốt đáy hồ, hơn một triệu thùng dầu đã được xuất khẩu cách đây 5 năm, từ những giếng dầu ở lòng hồ, phía đối diện thành phố.

Hàng trăm giếng dầu này nay trở nên hoang tàn. Nạn ô nhiễm lan rộng là một trong những thảm họa sinh thái chủ yếu ở châu Mỹ La-tinh: Các nhánh của hồ nước bị nhiễm dầu tràn ra từ các giếng dầu bỏ hoang. Maracaibo trở thành một thành phố bị “bỏ quên”.

Chuyên gia Paula Vasquer phân tích: “Maracaibo là điển hình cho những thành phố ngốn năng lượng theo kiểu Mỹ. Nó được quy hoạch để tiêu thụ năng lượng vô hạn định, khi người ta cho rằng nguồn lợi thiên nhiên là vô tận. Một ví dụ về sự tiêu thụ quá lố của Venezuela trong quá khứ”.

Ở Maracaibo, người ta từng không đi bộ. Đó là một thành phố dành cho dân đi xe hơi và ngồi phòng máy lạnh. Nhưng ngày nay xe hơi không còn chạy nữa, chúng phải xếp hàng, những hàng xe bất tận kéo dài nhiều cây số. Có thể phải chờ đợi đến 24 tiếng đồng hồ mới đổ được xăng, và cảnh người lái ngủ gục trong xe để chờ đến lượt mình không phải là hiếm hoi.

Còn điện thì được phân phối theo định mức từng khu phố, và chỉ có 12 tiếng đồng hồ một ngày, trên lý thuyết. Việc hạn chế tiêu thụ điện nhằm giảm tải cho mạng lưới truyền tải điện, nay không còn có thể cung cấp lượng điện cần thiết cho các hộ gia đình. Tình hình đã trầm trọng hơn từ tháng 3/2019, khi xảy ra vụ cúp điện trên toàn quốc.

Các thiết bị của nhà máy thủy điện Guri đã bị thiệt hại nặng nề, trong khi đập thủy điện này cung ứng đến 80% lượng điện cho Venezuela. Maracaibo đặc biệt bị ảnh hưởng nhiều nhất vì vụ này, hầu hết cư dân hơn ba ngày trời không có điện. Khi nhắc đến vụ này, người dân Maracaibo vẫn còn khủng hoảng vì cơn ác mộng ấy. Bà Claudia, giảng viên đại học, kể lại: “Dưới sức nóng, tất cả các thức ăn trong tủ lạnh nhanh chóng bị hư, chúng tôi chẳng còn gì để ăn. Cũng chẳng có xăng dầu. Và khi tôi trông thấy những người khác xông vào trung tâm thương mại trước mặt, tôi đã chạy xuống lầu và tham gia việc lấy cắp hàng hóa. Bạn hiểu chứ, chúng tôi đói”, bà cố gắng biện minh.

Nhiều cửa hàng khác và một khách sạn cũng bị cướp phá. Một người khác cho biết: “Tôi sống ở tầng 12 một tòa nhà hiện đại. Nước không lên lầu được nữa. Chúng tôi phải dùng xô lấy nước từ các bể chứa ở tầng hầm, xách lên từng bậc thang. Rồi đến khi bể chứa không còn nước, chúng tôi đành phải lấy cắp nước của siêu thị kế bên. Chúng tôi không có chọn lựa nào khác”.

Các tòa nhà được thiết kế để dùng máy lạnh, nay không có điện, người dân Maracaibo đành mở toang cửa sổ khi ngủ. Nhưng như vậy họ phải chấp nhận nguy cơ: bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và chikungunya (bệnh do virus chikungunya gây ra, lây lan qua vết muỗi đốt – NV) đã tăng cao.

Thời gian xếp hàng nhiều hơn làm việc

Điều kỳ lạ là một số khu phố luôn có điện. Một kỹ sư điện nháy mắt: “Một số người biết rằng phải chi cho ai để có điện xài”. Nhiều nhà giàu mua máy phát điện, nhưng phải có xăng để chạy máy. Bởi vì khi các trạm xăng có được xăng và những lúc hiếm hoi có điện để bơm xăng, nhân viên từ chối bán dầu trong can hay bi-đông vì điều luật cấm.

Giải pháp được chọn là mang cả máy phát điện đến trạm xăng, tạo ra những hàng dài máy phát điện, bên cạnh các xe hơi đang xếp hàng. Một giải pháp khác là mua xăng chợ đen, nhưng phải có đô la. Các vụ trao đổi diễn ra tại các căn hộ bốc đầy mùi xăng.

Với những đồng đô la xanh, nay trở thành cần thiết để sống tại Maracaibo, người ta có được tất cả. Theo một nhận xét, có đến 85% công ty trong thành phố buôn bán trực tiếp bằng đô la, trong một đất nước mà chính quyền kịch liệt chống Mỹ.

Claudia, cư dân Maracaibo cho biết: “Mọi người không làm việc nữa, họ không có thời gian. Vừa phải tìm kiếm thực phẩm, xếp hàng để mua thức ăn, chờ đợi cả chục tiếng đồng hồ để mua xăng, người ta không còn thời gian để làm việc khác.

Các sếp chẳng nói gì khi nhân viên rời cơ quan lúc 14h thay vì 18h, và bản thân các sếp cũng phải vội vã chạy đi mua thịt, mua rau hoặc xăng dầu. Hơn nữa, tại các tòa nhà không mở được cửa sổ do thiết kế để dùng máy lạnh, nhưng lại không có máy lạnh, khó thể ở trong văn phòng quá 4 tiếng đồng hồ”.

Theo François, một doanh nhân Pháp đã sống tại đây mấy chục năm qua, “Maracaibo là thành phố hiện đại nhất Venezuela, với phong cách sống rất Mỹ, các kiểu điện thoại di động mới nhất xuất hiện ở đây trước cả Pháp. Người dân thường đi du lịch, và khó thấy được người nghèo ở trung tâm thành phố.

Ngày nay khi vừa bước ra đường, chúng ta thấy ngay nhiều cảnh nghèo khổ đáng thương”. Juan Romero từng nhận định: “Những gì diễn ra ở đây sẽ lan rộng trên toàn quốc”. Dự báo của ông dường như đang dần biến thành sự thật.

Thu Phạm

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/thuc-tai-am-dam-o-thanh-pho-venezuela-tung-song-kieu-my-d102851.html