Thực sự chuyển động với cách mạng công nghiệp 4.0

Mới đây, Bộ Công Thương và Tập đoàn Siemens (Đức) đã thống nhất lựa chọn áp dụng thí điểm Bộ Chỉ số mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (SIRI) cho các DN Việt Nam. Đây là bộ chỉ số do Chính phủ Singapore xây dựng nhằm hỗ trợ các DN của Singapore thực hiện chuyển đổi số.

Qua các bước đánh giá đầu tiên, 7 trong số 15 DN tham gia đánh giá SIRI sẽ được lựa chọn để tiếp tục nhận tư vấn sâu về giải pháp và phương án đầu tư chuyển đổi số. Dự kiến, ngay trong tháng 11 và tháng 12, các đơn vị liên quan sẽ khảo sát và hỗ trợ tư vấn áp dụng bộ chỉ số SIRI tại các DN miễn phí.

Trước đó, theo khảo sát của Bộ Công Thương thực hiện năm 2017 – 2018, các DN Việt đang ở xuất phát điểm thấp trong tiếp cận với cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Khả năng số hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu trong nội bộ DN cũng như giữa DN và các đối tác trong chuỗi còn rất hạn chế.

Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cuộc CMCN 4.0 được nhìn nhận sẽ mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và internet… Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền,...

Phân tích như vậy để thấy rằng, chậm trễ, khó khăn trong tiếp cận cuộc CMCN 4.0 của DN Việt là điều ngày càng đáng lo, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Điều đó đồng nghĩa với việc, những động thái hỗ trợ DN nâng cao khả năng tiếp cận cuộc cách mạng này theo hướng “cầm tay chỉ việc”, sát sườn, trực tiếp của cơ quan quản lý nhà nước thực sự là tín hiệu đáng mừng, ghi nhận sự chuyển biến mang tính thực tế chứ không chỉ hô hào khẩu hiệu.

Đương nhiên, sòng phẳng mà nói, muốn tiếp cận CMCN 4.0 hiệu quả, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, mấu chốt là các DN phải tích cực, chủ động “xắn tay” vào cuộc. Giới chuyên gia chỉ rõ, các DN nên ưu tiên tập trung theo hướng: Nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển DN dựa trên nền tảng của CMCN 4.0, một chiến lược mới, đảm bảo tính linh hoạt, thích nghi với các thay đổi. Chiến lược về 4.0 phải trở thành một phần trong chiến lược phát triển của DN. Ngoài ra, đầu tư cho khoa học và công nghệ phải là một phần quan trọng trong kế hoạch đầu tư của DN…

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thuc-su-chuyen-dong-voi-cach-mang-cong-nghiep-40-114800.html