Thúc sản xuất tôm, cá tra để tận dụng cơ hội xuất khẩu cuối năm

Theo Bộ NN&PTNT, thị trường thế giới đang diễn biến rất nhanh theo hướng có lợi cho ngành cá tra, tôm nên cần tăng cường sản xuất hai mặt hàng này để tranh thủ cơ hội, thúc đẩy xuất khẩu.

Xuất khẩu tôm đang có nhiều tín hiệu thuận lợi dịp cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thanh

Bộ NN&PTNT vừa có Thông báo số 7952/BNN-TCTS về tăng cường chỉ đạo sản xuất cá tra các tháng cuối năm 2018 và Công văn số 7951/BNN-TCTS về tăng cường nuôi tôm nước lợ các tháng cuối năm 2018.

Cụ thể, với cá tra, theo Bộ NN&PTNT: Các tháng đầu năm 2018, ngành hàng cá tra gặp phải một số khó khăn, như chất lượng và giá cá giống không ổn định, người dân nuôi tự phát ngoài quy hoạch, đặc biệt là Mỹ gây áp lực với chương trình thanh tra cá da trơn.

Tuy nhiên, nhiều thông tin thuận lợi cho xuất khẩu cá tra bắt đầu xuất hiện từ quý III. Ngày 10/9, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận sơ bộ thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam là 0,0 – 2,39 USD/kg, thấp hơn nhiều so với kết quả POR13. Ngày 14/9, Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố dự thảo công nhận tương đương đối với Việt Nam để xin ý kiến công chúng trước khi công nhận chính thức.

Những yếu tố trên đã tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy giá cá tra nguyên liệu và giá philê lên cao nhất từ trước tới nay. 9 tháng đầu năm, ngành hàng cá tra duy trì được đà tăng trưởng cao với tổng sản lượng thu hoạch tăng 9,3% và giá trị xuất khẩu tăng 29,2% đạt 1,68 tỷ USD.

Thời gian tới, để tranh thủ cơ hội thị trường thuận lợi, duy trì chất lượng sản phẩm, hạn chế thấp nhất các rào cản kỹ thuật, Bộ NN&PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nuôi cá tra vùng ĐBSCL quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung triển khai nội số nội dung.

Cụ thể, yêu cầu các tỉnh nuôi cá tra kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào và chất lượng con giống, đảm bảo tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến cá tra; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư nguồn lực vào nghiên cứu, sản xuất giống cá tra chất lượng cao, nuôi cá theo hướng liên kết chuỗi giá trị cũng như thực hiện tốt Đề án giống cá tra 3 cấp.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác quản lý sản xuất, chế biến và truy xuất nguồn gốc theo quy định; tiếp tục phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong chế biến, xuất khẩu theo quy định của pháp luật.

Đối với mặt hàng tôm, Bộ NN&PTNT nêu rõ: Do ảnh hưởng của thị trường thế giới, giá tôm nguyên liệu trong nước trong những tháng đầu năm nay giảm mạnh, tác động không tốt đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ.

Tương tự cá tra, ngành hàng tôm trong quý III đón nhận tin tức tích cực là Bộ Thương mại Mỹ thông báo mức thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong POR12 là 4,58%, thấp hơn nhiều so với mức thuế sơ bộ. Trong nước, cùng với việc thời tiết thuận lợi, giá tôm nguyên liệu phục hồi và giữ ở mức cao là những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Theo thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm, sản lượng nuôi tôm tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù giá trị xuất khẩu giảm 1,1% xuống 2,7 tỷ USD.

Nhằm tận dụng cơ hội đến từ thị trường nước ngoài để hướng tới mục tiêu tăng trưởng của ngành và tránh bị thiếu hụt cung vào các tháng cuối 2018 và đầu 2019, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nuôi tôm ven biển chỉ đạo Sở NN&PTNT và các đơn vị chức năng khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ; áp dụng các giải pháp công nghệ nuôi tiên tiến, phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng tôm; kiểm tra giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến để kịp thời ngăn chặn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu...

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thuc-san-xuat-tom-ca-tra-de-tan-dung-co-hoi-xuat-khau-cuoi-nam.aspx