Thực phẩm trong nước cũng phải an toàn như hàng xuất khẩu

Phó Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm của các bộ, ngành là để người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng Việt Nam xuất khẩu.

Sáng 27/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp về công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Ảnh: VGP

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn những tồn tại như: việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản; sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm; giết mổ không đảm bảo an toàn thực phẩm...

Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến phức tạp. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng… chưa được kiểm soát chặt chẽ, đang có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống vùng sâu, vùng xa. Tình trạng làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức về lĩnh vực thực phẩm được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, các cơ quan chức năng khó kiểm soát.

Phó Thủ tướng lưu ý, phải nâng cao chất lượng nông sản, thực phẩm xuất khẩu để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu.

“Chúng ta cần tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, nói rõ những hành vi vi phạm ATTP và xử lý nghiêm. Đã đến lúc cần làm sao để tất cả người dân Việt Nam được tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho rằng, điều đầu tiên là ý thức cộng đồng về ATTP, từ người sản xuất, kinh doanh đến người tiêu dùng chuyển biến rất tốt. Công cụ hỗ trợ người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn phát triển rất nhanh. Những chuỗi sản phẩm thực phẩm an toàn hình thành ngày càng nhiều. Hệ thống các phòng kiểm nghiệm thực phẩm bắt đầu tốt dần lên. Sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành Mặt trận Tổ quốc, các hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên… rất tốt.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành tiếp tục tăng cường phối hợp, khẩn trương đưa nhanh hệ thống báo cáo trực tuyến thông tin an toàn thực phẩm để cập nhật, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, kịp thời; đồng thời, tập trung thanh tra, kiểm tra, tiêu hủy các sản phẩm mất an toàn thực phẩm.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP

Đối với việc xử lý tình trạng quảng cáo sản phẩm thực phẩm tràn lan trên mạng, đặc biệt là thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe, Phó Thủ tướng cho rằng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin liên quan đến giao dịch điện tử, quảng cáo trên mạng, có công cụ quét tất cả các sản phẩm, so sánh với danh sách sản phẩm được cấp phép, nếu có vi phạm thì cảnh báo và xử lý ngay.

“Bộ Thông tin và Truyền thông cần kiên quyết xử lý dứt điểm đối với trang web giả mạo; phát triển công cụ bằng tin học, sẽ quét công cụ ấy trên mạng, tất cả các sản phẩm quảng cáo bán trên sàn điện tử. Cái nào đã đăng ký, kiểm định theo tiêu chuẩn, sau đó bằng tuyên truyền và khuyến nghị mọi người mua. Chỉ có bằng cách đó, nếu đòi hỏi các phương án siết chặt điều kiện kinh doanh không được" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.

Về các mô hình thanh tra ATTP tại quận, huyện, thị xã, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tháo gỡ vướng mắc về luật và việc nhân rộng mô hình phải xem xét sự khác biệt, đặc thù giữa các đô thị lớn chủ yếu tiêu thụ, còn các tỉnh chủ yếu là sản xuất, quan trọng nhất là hiệu quả, không nên cứng nhắc về mô hình.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/thuc-pham-trong-nuoc-cung-phai-an-toan-nhu-hang-xuat-khau-3382729/